Doanh nghiệp ngành vận tải biển tìm cơ hội thoát lỗ

09:23' - 20/11/2023
BNEWS Doanh nghiệp ngành vận tải biển có kết quả kinh doanh không mấy tích cực, thậm chí nhiều công ty “ngậm ngùi” báo lỗ.

Một trong những nguyên nhân chính khiến lợi nhuận doanh nghiệp kém khả quan là do xuất, nhập khẩu quý III năm nay phục hồi, nhưng vẫn suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vậy, nhìn về dài hạn giới phân tích vẫn đánh giá doanh nghiệp vận tải biển có nhiều cơ hội phục hồi.

Công ty cổ phần Vận tải Biển Việt Nam (VOSCO – mã chứng khoán: VOS) công bố kết quả hoạt động kinh doanh với mức lỗ lớn, trong bối cảnh thị trường vận tải biển không mấy thuận lợi.

Theo đó, VOSCO có doanh thu thuần tăng nhẹ gần 8 tỷ đồng trong quý III so với cùng kỳ năm ngoái lên 710 tỷ đồng. Doanh thu tăng, nhưng do giá vốn hàng hóa bị đẩy lên cao, tăng tới gần 160% lên 715 tỷ đồng nên VOSCO lỗ gần 25 tỷ đồng trong quý III, trong khi cùng kỳ lãi gần 152 tỷ đồng. Như vậy, đây là quý đầu tiên doanh nghiệp báo lỗ trở lại tính từ thời điểm quý II/2021.

Lũy kế 9 tháng năm 2023, VOSCO chỉ lãi khoảng 48 tỷ đồng, giảm gần 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty cổ phần Đầu tư Cảng Cái Lân (mã chứng khoán: CPI) cũng công bố báo cáo tài chính quý III/2023 với doanh thu thuần chỉ 8 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ.

Giá vốn giảm chậm khiến lợi nhuận gộp của công ty giảm 91% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 250 triệu đồng, kéo biên lợi nhuận về mức 3%, từ mức 17,9% của cùng kỳ.

Trong kỳ, doanh thu tài chính của công ty cũng giảm mạnh 92%, còn 3 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh hơn 1,2 tỷ đồng. Do đó, Cảng Cái Lân báo lỗ sau thuế 770 triệu đồng trong quý III/2023, trong khi cùng kỳ năm ngoái doanh nghiệp này lãi gần 3 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, Cảng Cái Lân ghi nhận doanh thu đạt 23 tỷ đồng, giảm 49% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế gần 1,7 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 5,5 tỷ đồng).

Tính đến cuối quý III, mức lỗ lũy kế của Cảng Cái Lân đã trên 404 tỷ đồng, vượt vốn góp (365 tỷ), khiến vốn chủ sở hữu âm 25 tỷ đồng.

Cùng cảnh ngộ, Công ty cổ phần Dầu khí đầu tư khai thác Cảng Phước An (mã chứng khoán: PAP) cũng ngậm ngùi báo lỗ quý III. Trong kỳ, doanh nghiệp tiếp tục không có doanh thu, chỉ phát sinh chi phí quản lý doanh nghiệp dẫn tới lỗ sau thuế gần 1,7 tỷ đồng, trong khi cùng lỗ 4,6 tỷ đồng.

Giải trình về kết quả kinh doanh, Cảng Phước An cho biết, vì là doanh nghiệp dự án, hiện đang trong quá trình đầu tư, chưa đi vào hoạt động nên công ty chưa có doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong quý II và quý III năm nay, công ty có phát sinh thu lãi tiền gửi tại các ngân hàng thương mại. Song, theo quy định hiện hành, khoản này sẽ không được hạch toán vào mục doanh thu tài chính khiến tổng các khoản doanh thu trên báo cáo bằng 0.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Cảng Phước An lỗ gần 5 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái doanh nghiệp cũng báo lỗ 6 tỷ đồng.

Ở mặt tích cực, có doanh nghiệp dù doanh thu thuần giảm, nhưng nhờ nguồn thu từ các khoản khác nên vẫn đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận.

Đơn cử như trường hợp của Công ty cổ phần Cảng Cần Thơ (mã chứng khoán: CCT) có doanh thu thuần giảm hơn 4% so với cùng kỳ, xuống 34 tỷ đồng, trong khi giá vốn tăng gần 9% lên hơn 28 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp giảm 31%, còn 6 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cũng vì thế sụt giảm hơn một nửa so với cùng kỳ, còn 675 triệu đồng.

Tuy nhiên, nhờ khoản thu nhập khác từ thanh lý tài sản cố định (3,5 tỷ đồng) nên sau khi trừ chi phí, công ty vẫn báo lãi sau thuế đạt 3,3 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu của Cảng Cần Thơ đạt 108 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế gấp 20 lần cùng kỳ, đạt 4,5 tỷ đồng.

Có nhiều nguyên nhân khiến lợi nhuận doanh nghiệp vận tải biển kém khả quan, nhưng một trong những nguyên nhân chính đó là việc xuất nhập khẩu dù phục hồi nhưng vẫn suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan, trong quý III/2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 94,6 tỷ USD, tăng 10,3% so với quý II/2023, nhưng vẫn giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 86 tỷ USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 11% so với quý II/2023.

Đáng chú ý, sau 4 tháng tăng trưởng liên tiếp, sang đến tháng 9, xuất khẩu có dấu hiệu “hụt hơi” khi giảm 4,1% so với tháng 8.

Dù bối cảnh chung trong hiện tại không mấy thuận lợi, nhưng giới phân tích vẫn đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp cảng biển và vận tải biển trong dài hạn.

Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), hiện tại đang xuất hiện “con sóng” giá cước vận tải hồi phục. Chỉ số vận tải đường biển Baltic Dry, đo lường chi phí vận chuyển hàng khô trên toàn thế giới có xu hướng hồi phục trở lại kể từ đầu tháng 9/2023 và đang ở mức cao nhất từ đầu năm đến nay, mặc dù vẫn thấp hơn 3 lần so với mức đỉnh điểm hồi đầu tháng 10/2021.

Giá cước tăng cao được cho là một trong những động lực giúp doanh nghiệp ngành vận tải biển tăng lợi nhuận. Thực tế cho thấy, năm 2021, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, ngành vận tải biển vẫn ghi nhận lãi lớn nhờ hưởng lợi từ việc giá cước tăng liên tục.

Giới phân tích cũng cho rằng, vận tải biển, cảng biển hay logistics được xem là những nhóm ngành hưởng lợi từ mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ mới đây được nâng lên thành đối tác chiến lược toàn diện.

Mỹ hiện vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 13,6% trong năm 2022. Trong 9 tháng năm 2023, Việt Nam xuất siêu đến 60,7 tỷ USD sang Mỹ.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng nhóm cảng biển nhấn mạnh nhờ mối quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng tốt đẹp, Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) dự báo ngành cảng biển và logistics của Việt Nam sẽ là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất từ việc cải thiện mối quan hệ Việt-Mỹ, khi Mỹ hiện đang là khách hàng lớn nhất của hàng hóa Việt Nam.

Công ty chứng khoán này cho biết, sau chuyến thăm Việt Nam thành công của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Nhà Trắng ra tuyên bố công bố thỏa thuận hợp tác giữa Công ty điều hành cảng SSA Marine và Tập đoàn Gemadept (GMD) về phát triển cảng biển chiến lược tại khu vực phía Nam Việt Nam; trong đó có trung tâm logistics Cái Mép Hạ trị giá 6,7 tỷ USD./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục