Doanh nghiệp nhỏ ứng phó với việc áp thuế 25% hàng hóa Trung Quốc

14:38' - 16/05/2019
BNEWS Mức thuế 25% mà Mỹ áp đối với hàng nghìn hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc đã buộc chủ các doanh nghiệp nhỏ phải tìm kiếm giải pháp giảm thiểu tác động đối với lợi nhuận.

Nhiều doanh nghiệp xem xét việc tăng giá bán, trong khi một số cân nhắc chuyển hoạt động sản xuất sang những nước không vướng vào cuộc chiến thương mại với Mỹ, một giải pháp sẽ tốn kém và mất thời gian, và số khác muốn tìm các nguồn cung tại Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng thuế áp lên hàng hóa của Trung Quốc lên 25% từ mức trước đó là 10% vào ngày 10/5 sau khi Trung Quốc từ chối đáp ứng các yêu cầu của Mỹ. Các công ty lớn nhỏ đều đang phải đối phó với việc Mỹ tăng thuế và các biện pháp đáp trả của các nước.

Các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn hơn do thiếu nguồn thu để trang trải các chi phí như các doanh nghiệp lớn.

Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn cũng có năng lực đàm phán tốt hơn để có được mức giá tốt từ các nhà cung ứng, nhờ đó làm giảm tác động của việc tăng thuế.

Nếu đã là các công ty đa quốc gia, các doanh nghiệp có thể chuyển sản xuất từ nước này sang nước khác tương đối dễ dàng. Trong khi đó, việc chuyển sản xuất có thể khiến các doanh nghiệp nhỏ tốn kém hàng trăm nghìn USD.

Công ty Tiger Packaging nhập khẩu giấy và các sản phẩm nhựa từ Trung Quốc đang chuẩn bị cho việc chuyển một phần sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác như Malaysia hay vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).

Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành công ty này, ông Peter Horwitz, không chỉ lo ngại về việc chi phí tăng còn phải thương lượng các thỏa thuận với các nhà cung ứng mới, mà còn phải trấn an khách hàng khi họ không muốn phải chịu mức giá cao hơn.

Man & Machine, công ty có trụ sở tại Landover, Maryland, có thể phải tăng giá bán bàn phím và chuột máy tính mà công ty sản xuất tại Trung Quốc và sẽ chuyển sản xuất sang Đài Loan để tránh mức thuế cao hơn.

Tuy nhiên, việc công ty này có tăng giá bán được hay không còn tùy thuộc vào việc các đối thủ có cùng động thái hay không bởi nếu không sẽ mất khách hàng.

Trong khi Chính phủ Mỹ tăng thuế là có lợi cho các nhà chế tạo Mỹ, nhưng việc các doanh nghiệp mua hàng hóa trong nước chưa hẳn là giải pháp tốt.

Isaiah Industries, công ty sản xuất tấm lợp kim loại có trụ sở tại Ohio, mua nhôm và thép từ các nhà sản xuất Mỹ, nhưng các nhà cung cấp này cũng tăng giá bán do có thể chịu chi phí tăng và vẫn phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu chịu mức thuế cao.

Một số doanh nghiệp không có khả năng chịu mức thuế 25% trong khi các chi phí khác tiếp tục tăng. Giáo sư kinh tế ở Đại học Carnegie Mellon, Lee Branstetter, cho rằng, khi sức ép gia tăng, các doanh nghiệp nhỏ sẽ phải giảm quy mô, sa thải nhân viên, hay đóng cửa.

Giáo sư về kinh doanh tại Đại học Babson, Phillip Kim, cho rằng những người sở hữu doanh nghiệp nên có khoản dự phòng cho những tình huống bất ngờ xảy ra như vậy.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục