Doanh nghiệp-nông dân bắt tay xây dựng vùng chuyên canh rau an toàn

16:22' - 30/06/2018
BNEWS Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 29/3/2017 của UBND tỉnh Ninh Bình đã xác định huyện Yên Khánh là 1 trong 2 vùng trọng điểm xây dựng vùng chuyên canh rau an toàn của tỉnh Ninh Bình.
Nhân rộng các mô hình hợp tác xã rau an toàn. Ảnh: TTXVN

Thực hiện Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình sản xuất rau an toàn thành công, tạo tiền đề để xây dựng vùng chuyên canh rau an toàn tại các địa phương trong tỉnh.

Điều đáng nói, đang ngày càng có nhiều sự bắt tay giữa doanh nghiệp và nông dân, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa thay đổi kiểu canh tác truyền thống nhỏ lẻ.

Hiệu quả kinh tế cao

Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 29/3/2017 của UBND tỉnh Ninh Bình đã xác định huyện Yên Khánh là 1 trong 2 vùng trọng điểm xây dựng vùng chuyên canh rau an toàn của tỉnh Ninh Bình.

Xuất phát từ chủ trương đó, trong những năm qua UBND huyện Yên Khánh đã ban hành nghị quyết về chuyển đổi từ quy trình tự cung, tự cấp sang nền sản xuất hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị, bước đầu thu được một số thành công nhất định. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất rau an toàn thành công đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2016, được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp và khoa học, công nghệ tỉnh Ninh Bình, Công ty cổ phần đầu tư Công nghệ xanh đã xây dựng được mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình với nhiều hộ nông dân tại địa phương tham gia sau khi tiến hành tích tụ đất theo đúng chủ trương chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả của địa phương.

Từ khi xây dựng mô hình, công ty đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hướng dẫn trồng những cây mới có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện Yên Khánh. Đồng thời, được Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và Xúc tiến thương mại nông nghiệp Ninh Bình hỗ trợ triển khai hiệu quả việc liên kết “4 nhà”.

Trong quá trình sản xuất, các hộ dân tham gia mô hình được cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật sản xuất rau an toàn thông qua các lớp tập huấn và được hỗ trợ đầu ra ổn định.

Chị Lê Thị Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư Công nghệ xanh cho biết, từ 5 ha đất được quy hoạch trên địa bàn xã Khánh Cư, công ty đã từng bước hình thành vùng chuyên canh sản xuất rau màu, mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với cây lúa. Mỗi vụ sản xuất kéo dài từ 1 - 2 tháng trên diện tích 360 m2 mang lại thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng, cao gấp 5 - 7 lần, thậm chí cao gấp 10 lần so với trồng lúa trước đây.

Từ hình thức sản xuất đơn lẻ, mạnh ai nấy làm, đến nay nông dân xã Khánh Cư cùng nhau liên kết xây dựng thương hiệu rau an toàn của địa phương. Đây là hướng đi mới nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển bền vững vùng chuyên canh cây rau ở Ninh Bình.

Hiện nay, công ty đang triển khai xây dựng nhà kính, nhà lưới với quy mô 6.000 m2; trong đó có 5.000 m2 nhà lưới và 1.000 m2 nhà kính nhằm nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường trong, ngoài tỉnh.

Để đảm bảo cung cấp rau sạch cho người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ thương hiệu, công ty luôn quán triệt công nhân và các hộ dân tham gia mô hình phải tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật mà Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) hướng dẫn.

Ông Nguyễn Văn Vinh, thôn Khê Thượng, xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh đã tham gia mô hình từ những ngày đầu chia sẻ, trước đây, ông và các hộ nông dân khác thường trồng rau theo tập quán thói quen và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón chưa hợp lý, sau khi tham gia mô hình liên kết với công ty và được tập huấn kỹ thuật, ông đã nhận ra phương pháp làm của mình chưa hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng.

Được sự hỗ trợ của công ty, ông Vinh đã thay đổi thói quen cũ giúp không chỉ tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch mà còn giảm được chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Hướng tới xây dựng các vùng chuyên canh

Ngày 31/12/2013, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 993/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2020 với mục tiêu toàn tỉnh quy hoạch 30 vùng sản xuất rau an toàn tập trung với tổng diện tích 515 ha đất canh tác, tương đương trên 2,03 nghìn ha gieo trồng.

Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã xây dựng được một số mô hình sản xuất rau an toàn đem lại hiệu quả cao như mô hình của Hợp tác xã Yên Lạc, xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh với diện tích 5 ha. Mô hình ở xã Sơn Hà, huyện Nho Quan trên diện tích 2 ha với 25 hộ tham gia.

Mô hình của Công ty TNHH Thiên Nhiên Xanh ở huyện Nho Quan có quy mô sản xuất trồng rau an toàn với tổng diện tích 25,6 ha; trong đó, có 9,3 ha trồng các loại rau như cải mào gà, cải đuôi phụng, cải ngồng… được chứng nhận VietGAP. Mô hình của Công ty cổ phần chế biến nông sản Việt Xanh ở huyện Yên Khánh có tổng diện tích 55 ha; trong đó có 3 ha nhà xưởng chế biến rau quả khô với công suất 106 tấn/năm…

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng có một cơ sở chế biến sản phẩm rau, quả lớn nhất là Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, thành phố Tam Điệp. Hiện công ty đang quản lý gần 4.500 ha đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu trồng mốt số loại rau, củ, quả như cây dứa (2.800 ha), ngô ngọt, khoai tây, gấc, hành...

Công ty có nhà máy với 4 dây chuyền chế biến hiện đại, công suất chế biến 28.000 tấn sản phẩm/năm. Hàng năm, công ty ký kết hợp đồng với một số hợp tác xã sản xuất nguyên liệu phục vụ chế biến với diện tích khoảng 200 ha tập trung chủ yếu vào vụ Đông.

Ông Phạm Đăng Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ cao và Xúc tiến Thương mại tỉnh Ninh Bình cho biết, năm 2017, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Ninh Bình ước đạt 8,43 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% so với năm 2016; giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt 110 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng/ha so với năm 2016.

UBND tỉnh Ninh Bình hiện đã ban hành các chính sách, các kế hoạch phát triển nông nghiệp; trong đó, có chủ trương xây dựng các vùng chuyên canh rau an toàn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số mô hình sản xuất rau an toàn tập trung, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước tiến tới tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, do diện tích sản xuất hiện nay còn manh mún, mang tính chất sản xuất nhỏ lẻ, quá trình sản xuất còn chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi của điều kiện thời tiết, do đó việc xây dựng các vùng chuyên canh rau an toàn còn gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật (điện, đường, kênh mương, nguồn nước, kho bảo quản sơ chế…) tại những vùng sản xuất tập trung còn kém, chưa đáp ứng được nhu cầu. Giữa người nông dân sản xuất rau và doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ chưa có sự liên kết chặt chẽ; cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế…/.

>>>Nông sản an toàn: Không để "vàng thau lẫn lộn"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục