Doanh nghiệp nước ngoài lo ngại về kinh tế Trung Quốc

15:53' - 28/08/2023
BNEWS Các công ty phương Tây cảnh báo triển vọng kinh tế ảm đạm của Trung Quốc có thể có những ảnh hưởng trên toàn cầu, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phục hồi chậm.

Báo cáo từ nhiều doanh nghiệp trên khắp thế giới đã cho thấy những lo ngại về Trung Quốc, nơi mà thị trường bùng nổ trong nhiều thập kỷ với mọi loại hàng hóa và dịch vụ, từ hóa chất đến ô tô, y tế và du lịch.

Giám đốc điều hành hãng sản xuất chip Vishay Intertechnology của Mỹ, Joel Smejkal, cho rằng nhu cầu tại Trung Quốc yếu.

Người đứng đầu nền tảng thương mại điện tử về thời trang Farfetch của Anh, José Ferreira Neves, cũng đồng tình khi cho rằng sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc đã không bùng nổ như dự kiến.

Theo Giám đốc điều hành nhà sản xuất dụng cụ thí nghiệm Agilent của Mỹ, Mike McMullen, nguyên nhân chính đưa đến sự giảm sút doanh thu trong quý II/2023 là hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc và công ty đã hạ mục tiêu tăng trưởng cả năm.

 
Ông Martin Brudermüller, Giám đốc tập đoàn hóa chất BASF của Đức, một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Trung Quốc, cho rằng người Trung Quốc đã đầu tư lớn cho giáo dục, mất nhiều tiền cho bất động sản và đang thận trọng trong việc tiêu tiền.

Ông Maike Schuh, Giám đốc Tài chính của Evonik, một tập đoàn hóa chất khác của Đức, nhận định tốc độ phục hồi của kinh tế Trung Quốc rất chậm, lĩnh vực xây dựng vẫn khủng hoảng và tỷ lệ thất nghiệp, đặc biệt là trong giới trẻ, là một vấn đề thực tế.

Ông Markus Steilemann, Giám đốc điều hành công ty đối thủ Covestro, cảnh báo kinh tế Trung Quốc được cho là sẽ không phục hồi nhanh trong nửa cuối nay.

Trang web du lịch trực tuyến Booking Holdings tháng này cho biết người Trung Quốc đi nước ngoài ít hơn. Giám đốc điều hành Glenn Fogel cho rằng thị trường Trung Quốc sẽ chưa phục hồi.

Tuy nhiên, trong số những công ty sản xuất hàng tiêu dùng có những ngoại lệ như Apple, khi Giám đốc điều hành tập đoàn này, Tim Cook, cho biết doanh số bán tại Trung Quốc từ chỗ giảm 3% trong quý II đã tăng trưởng 8% trong quý III.

Starbucks cũng cho biết sự phục hồi yếu của kinh tế Trung Quốc, thị trường lớn thứ hai của chuỗi cửa hàng cà phê này, không có ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu, trong khi Walmart báo cáo doanh thu tăng 22% tại Trung Quốc trong quý trước.

Số liệu công bố tháng trước cho thấy, kinh tế Trung Quốc mất động lực trong quý II, khi xuất khẩu giảm, doanh số bán lẻ thấp và lĩnh vực bất động sản đang khủng hoảng đã gây sức ép lên tăng trưởng kinh tế.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 0,8% trong quý II, giảm so với mức 2,2% trong quý I. Những khó khăn mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt đang cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trong nỗ lực kích thích tăng trưởng, các nhà chức trách Trung Quốc đã công bố gói các cải cách thị trường tài chính trong tháng này và hạ lãi suất.

Chi tiêu tiêu dùng tại Trung Quốc chưa khởi sắc, xuất khẩu giảm và giá tiêu dùng giảm trong tháng trước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục