Doanh nghiệp phải ưu tiên mọi nguồn lực để thực hiện cam kết về trái phiếu

20:29' - 01/12/2022
BNEWS Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết đang có nhiều khó khăn với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu phát hành riêng lẻ.

Chiều 1/12, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, đại diện các bộ, ngành đã thông tin về hoạt động và kết quả công tác của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ rà soát những khó khăn, vướng mắc đối với thị trường bất động sản, các dự án bất động sản; bên cạnh đó là các giải pháp để ổn định, lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong thời gian qua, thị trường bất động sản có biến động, nổi lên một số vất đề: nguồn cung có chiều hướng giảm; hoạt động giao dịch bất động sản trầm lắng, tính thanh khoản giảm. Một số doanh nghiệp bất động sản phải dừng hoạt động liên quan đến đầu tư dự án nhà ở, bất động sản, dẫn đến cho người lao động tạm nghỉ việc.

 

Trước khó khăn đó, Chính phủ, Thủ tướng có chỉ đạo kịp thời, quyết định thành lập Tổ công tác để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, thị trường bất động sản, bảo đảm thị trường hoạt động ổn định, lành mạnh. Tổ công tác bao gồm lãnh đạo các Bộ Xây dựng, Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước.

Sau khi thành lập, Tổ công tác đã họp và triển khai ngay các chương trình làm việc với các địa phương, doanh nghiệp. Thời gian qua, Tổ công tác đã làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản để lắng nghe khó khăn, vướng mắc.

Sau khi làm việc, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết nổi lên một số vướng mắc liên quan đến thể chế, trong đó vấn đề được nhiều ý kiến phản ánh nhất liên quan đến pháp luật về đất đai, về giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đấu giá đất, đấu thầu dự án sử dụng đất.

Bên cạnh đó là vướng mắc về trình tự thủ tục đầu tư, xây dựng dự án nhà ở, dự án khu đô thị; khó khăn về nguồn lực tài chính của doanh nghiệp, trong đó có vấn đề về nguồn vay tín dụng, vay trái phiếu đến hạn phải trả; khó khăn về triển khai giải quyết thủ tục hành chính, thủ tục phê duyệt dự án đầu tư phát triển nhà ở tại các địa phương. Ngoài ra là một số khó khăn, vướng mắc về thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Thủ tướng đã có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, Bộ Xây dựng đã thúc đẩy tháo gỡ vấn đề này.

Đứng trước các ý kiến, thực trạng trên, Tổ công tác đã trao đổi trực tiếp, hướng dẫn về mặt thực thi thể chế. "Vấn đề gì hướng dẫn được, chúng tôi đã hướng dẫn ngay, phối hợp với địa phương phân loại khó khăn, vướng mắc, xác định thẩm quyền giải quyết từng nhóm vấn đề. Tuy nhiên, có vấn đề liên quan đến doanh nghiệp như đầu tư dàn trải, doanh nghiệp phải chủ động xử lý, cơ cấu lại đầu tư. Vướng mắc thuộc thẩm quyền địa phương, Tổ công tác đã rà soát, đề nghị địa phương khẩn trương triển khai phê duyệt dự án, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp", Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết.

Trước kiến nghị của doanh nghiệp, Tổ công tác phân loại, sàng lọc nội dung, gửi trực tiếp cho các địa phương, đôn đốc địa phương giải quyết, không chỉ tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh mà cả các địa phương khác.

Một số vướng mắc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, Tổ công tác phân loại nhóm lĩnh vực theo chức năng nhiệm vụ, như vấn đề đất đai giao Bộ Tài nguyên và Môi trường. Vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đánh giá kỹ, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng xem xét, tháo gỡ.

Thời gian tới, Tổ công tác tiếp tục làm việc với các thành phố trực thuộc Trung ương, một số địa phương có các dự án bất động sản để đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn; tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp để nắm bắt đầy đủ thông tin, đề xuất, kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Cũng trao đổi thêm về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho rằng, có 2 khó khăn lớn nhất là thủ tục về đất đai và nguồn tín dụng. Trong các giải pháp Thứ trưởng Bộ Xây dựng đưa ra, có giải pháp sắp tới cần tập trung rà soát các phân khúc thị trường, tập trung vào nhà ở thương mại và nhà ở xã hội. "Như vậy, bằng những giải pháp đó, thị trường bất động sản dần được khắc phục. Tuy nhiên, một số chủ đầu tư các dự án bất động sản hiện đang có mức giá cao, cần giảm giá hợp lý để người dân tiếp tục đầu tư, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn", ông Trần Văn Sơn trao đổi.

Doanh nghiệp phải ưu tiên mọi nguồn lực để thực hiện cam kết về trái phiếu

Trao đổi về những vấn đề của trái phiếu hiện nay, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết đang có nhiều khó khăn với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu phát hành riêng lẻ. Về khối lượng phát hành, tính đến 25/11 có xu hướng giảm khi chỉ có khoảng 331.000 tỷ đồng trái phiếu được phát hành, giảm hơn 31,6% so với cùng kỳ. Việc phát hành có xu hướng giảm dần trong qua các quý gần đây.

Ngoài ra, hiện tượng doanh nghiệp phát hành mua lại trước hạn cũng phản ánh khó khăn của thị trường. Ước tính đến 25/11, khối lượng mua lại trước hạn của các doanh nghiệp phát hành là 161.000 tỷ đồng, bằng 114% khối lượng mua lại của năm 2021.

"Niềm tin với thị trường trái phiếu đang giảm sút xuất phát từ một số vụ việc vi phạm của doanh nghiệp phát hành, ngân hàng thương mại. Cùng với đó, các tin đồn không chính xác cũng ảnh hưởng đến thị trường. Các doanh nghiệp phát hành đang gặp khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, tín dụng. Bức tranh thị trường trái phiếu đang ở gam màu trầm”, ông Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh

Về giải pháp ổn định, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó vấn đề quan trọng là đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị định 65 tăng cường tính công khai, minh bạch thị trường, xử lý vấn đề bất cập cũng như bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Tuy nhiên thị trường thay đổi nhanh chóng thời gian qua. Để thích ứng với tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu rà soát, những bổ sung cần thiết thì phải thực hiện ngay.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, ngày 23/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã làm việc với 37 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có quy mô phát hành lớn và có đáo hạn trong cuối năm 2022 và 2023, cùng với đó là gần 10 công ty chứng khoán. Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp chủ yếu tập trung đề xuất các giải pháp khôi phục niềm tin, tháo gỡ khó khăn trong thanh khoản và hoàn thiện khung pháp lý.

Sau buổi làm việc, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi đến các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, yêu cầu các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng mọi nguồn lực để thực hiện đúng cam kết với các nhà đầu tư. Trường hợp khó khăn cần có phương án thỏa thuận với nhà đầu tư, bằng mọi cách, doanh nghiệp phát hành phải thực hiện hết khả năng của mình.

Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định "nếu doanh nghiệp nào vi phạm pháp luật thì các cơ quan quản lý sẽ xử lý nghiêm trên tinh thần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư trong bất cứ hoàn cảnh nào"./.

>>Lấy lại niềm tin cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục