Doanh nghiệp "quên" đóng bảo hiểm xã hội ảnh hưởng thế nào đến lao động?

19:23' - 20/07/2022
BNEWS Do doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội nên rất nhiều lao động đến tuổi nghỉ hưu không được chốt sổ bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ hưu trí.

Gần đây tại tỉnh Bạc Liêu, số lượng các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp có chiều hướng gia tăng. Điều này ảnh hưởng đến việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động, nhất là khi chẳng may bị ốm, tai nạn lao động...

Tính đến ngày 30/6, tỉnh có gần 700 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội với số tiền trên 41 tỷ đồng; trong đó nợ bảo hiểm xã hội trên 36,3 tỷ đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp 1,2 tỷ đồng và nợ bảo hiểm y tế 3,9 tỷ đồng.

 

Người lao động chịu thiệt

Do doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội nên rất nhiều lao động đến tuổi nghỉ hưu không được chốt sổ bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ hưu trí. Tình trạng này khiến cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn. Trường hợp của ông Trần Minh Quang ở phường 8, thành phố Bạc Liêu là một ví dụ.

Sau gần 20 năm làm việc cho một doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Bạc Liêu, năm 2020, ông Quang tới tuổi nghỉ hưu. Cứ tưởng sẽ được lĩnh lương hưu hàng tháng nhưng không ngờ khi ông đến Bảo hiểm xã hội tỉnh, rồi qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để làm hồ sơ mới biết thời gian đóng bảo hiểm xã hội của mình bị gián đoạn hơn 4 năm.

Điều đáng nói là tháng nào ông Quang cũng bị trừ lương để đóng bảo hiểm xã hội nhưng kể từ năm 2017 đến khi nghỉ hưu, công ty không nộp tiền bảo hiểm xã hội cho ông theo quy định.

Cùng công ty với ông Quang còn có 14 trường hợp khác. Sau nhiều lần khiếu nại không thành, những lao động này làm đơn kiện Công ty Cổ phần thức ăn thủy sản TomKing, phường 8, thành phố Bạc Liêu, vì không đóng bảo hiểm xã hội cho họ trong hơn 4 năm. Vụ việc hiện đang được Tòa án thụ lý.

Việc nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp xảy ra ở nhiều doanh nghiệp, từ doanh nghiệp lớn đến doanh nghiệp nhỏ. Tình trạng này gây nhiều hệ lụy mà người lao động là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Người lao động không có điều kiện để kiểm tra xem doanh nghiệp có đóng bảo hiểm xã hội đúng quy định hay đang sử dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp để làm vốn kinh doanh.

Đến khi gặp tai nạn nghề nghiệp, hoặc mất việc, người lao động cần sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, mới biết họ đang bị công ty vi phạm quyền lợi, thậm chí là chiếm đoạt tiền trái phép.

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp có rất nhiều "chiêu trò" để chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội, bởi lãi ngân hàng mà doanh nghiệp phải đóng cao hơn mức phạt của bảo hiểm. Do vậy, nhiều doanh nghiệp cố tình giữ lại không nộp nhưng vẫn trừ tiền bảo hiểm hàng tháng từ lương công nhân. Khi nợ bảo hiểm xã hội tăng cũng có nghĩa là quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nếu doanh nghiệp nợ, người lao động sẽ không được cấp thẻ bảo hiểm y tế, không được khám, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế. Nếu muốn hưởng bảo hiểm thất nghiệp, theo quy định người lao động phải được chốt sổ bảo hiểm xã hội, nếu không thể chốt sổ thì không thể thực hiện thủ tục để hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Theo cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Bạc Liêu, người lao động thường chưa hiểu hết các quyền của bản thân theo quy định. Ở một số doanh nghiệp, chỉ có doanh nghiệp và cơ quan Bảo hiểm xã hội mới biết việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động như thế nào và thông tin ít khi đến được với người lao động.

Do vậy, trong nhiều trường hợp, người lao động không biết quyền của mình bị xâm hại để đứng ra viết đơn khởi kiện hoặc ủy quyền cho tổ chức Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp khởi kiện để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Rất nhiều trường hợp, khi người lao động nghỉ việc thì không thể rút sổ bảo hiểm xã hội, lúc này họ mới biết doanh nghiệp đang còn nợ bảo hiểm xã hội. Mặc khác, tổ chức Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp cũng không thực sự hoạt động hiệu quả, để có thể bảo vệ quyền lợi cho người lao động theo đúng quy định.

Qua kiểm tra thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp khi trả lương cho người lao động hàng tháng đã khấu trừ phần trách nhiệm phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động nhưng lại không nộp đúng hạn cho cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Việc cố tình dây dưa không nộp bảo hiểm xã hội nhằm chiếm dụng vốn bởi quy định về phạt do chậm nộp, nợ bảo hiểm xã hội không đủ sức răn đe, doanh nghiệp không chấp hành.

Bên cạnh đó, một số đơn vị lợi dụng kẽ hở của luật đối với quy định cho phép chậm nộp 30 ngày thì không phải nộp lãi, từ đó nhiều doanh nghiệp dù có thể nộp vẫn cố tình nộp chậm, chiếm dụng quỹ.

Luật Bảo hiểm xã hội quy định, đơn vị chậm đóng từ 30 ngày trở lên mới phải nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Hiện tại theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 tội trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, đưa vào xử lý hình sự đối với chủ sử dụng lao động.

Tuy nhiên, từ khi Luật có hiệu lực đến nay vẫn chưa có đơn vị nào bị xử lý, mặc dù cơ quan Bảo hiểm xã hội đã chuyển sang Công an tỉnh hồ sơ của 2 đơn vị nợ đọng kéo dài nhiều năm.

Đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp, mặc dù nguồn kinh phí trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã được bố trí đủ trong kinh phí thường xuyên nhưng không ít đơn vị sử dụng lao động đã không thực hiện đối chiếu tăng, giảm lao động cho cơ quan Bảo hiểm xã hội kịp thời, còn thừa thiếu so với quỹ lương đơn vị quản lý, dẫn đến nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Bên cạnh đó, các đơn vị hành chính sự nghiệp công lập được giao quyết định tự chủ kinh phí cũng tồn tại việc nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động như các doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Xử lý vi phạm, quản chặt nguồn thu, giảm nợ đọng

Bảo hiểm xã hội tỉnh Bạc Liêu đang quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của hơn 2.500 đơn vị, tương ứng 582.000 người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hàng năm đạt gần 1.200 tỷ đồng.

Việc thu đúng, thu đủ, kịp thời các loại bảo hiểm trên là cơ sở để giải quyết chế độ chính sách cho người lao động. Bảo hiểm xã hội tỉnh Bạc Liêu đề ra nhiều biện pháp nhằm quản lý chặt chẽ công tác thu, xử lý thu hồi giảm nợ đọng.

Theo đó, phân công cán bộ thường xuyên kiểm tra, đối chiếu, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp trích nộp đầy đủ, kịp thời theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Hàng tháng thông báo kịp thời tiến độ thu nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của đơn vị để chủ sử dụng lao động nắm rõ tình hình và có kế hoạch trong việc đóng nộp đúng quy định; tổng hợp, phân tích và phân loại các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan thực hiện các biện pháp thu nợ bảo hiểm xã hội.

Cơ quan Bảo hiểm xã hội tăng cường phối hợp với Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động và Công an tỉnh tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, xử lý đúng theo quy định của pháp luật các trường hợp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhằm nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật của các đơn vị sử dụng lao động và nhận thức của người lao động về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Bạc Liêu cũng thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, làm tốt công tác thu và chi trả, tạo mọi điều kiện thuận lợi và bảo đảm quyền lợi của các đối tượng tham gia bảo hiểm theo quy định của pháp luật./.

>>Hướng dẫn thủ tục gộp sổ bảo hiểm xã hội

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục