Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp "chạy nước rút" hoàn thành kế hoạch năm

16:31' - 05/12/2022
BNEWS Thống kê trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, chỉ số sản xuất toàn công nghiệp tháng 11/2022, tăng 1,6% so với tháng trước và tính chung 11 tháng năm 2022 tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện tại, hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang "chạy nước rút" để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của năm 2022 và chuẩn bị kế hoạch sản xuất kinh doanh cho năm tiếp theo.

 

Ghi nhận trong tháng 11/2022, một số ngành nghề, lĩnh vực tại Tp. Hồ Chí Minh có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với tháng trước như: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,1%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 1,2%; sản xuất hóa chất và sản phẩm từ hóa chất 6,5%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 4,9%...

Mặc dù, đối mặt với không ít khó khăn, nhưng sở, ngành cùng Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh đã đồng hành cùng doanh nghiệp nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm 2022.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, với vai trò là trung tâm kinh tế - dịch vụ thương mại – du lịch của cả nước, hiện nay Tp. Hồ Chí Minh đang khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững; đồng thời, thành phố thu hút đầu tư phát triển các nhóm ngành sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố; trong đó phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ là nền tảng, động lực tạo điều kiện cho sự phát triển của nền sản xuất công nghiệp thành phố trong thời gian tới.

Mới đây, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc Triển lãm Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VSIF) năm 2022 và phối hợp với Công ty cổ phần Quảng cáo và Hội chợ Thương mại Vinexad đồng tổ chức Triển lãm quốc tế Sản phẩm ngũ kim và Dụng cụ cầm tay (VHHE) năm 2022.

Chuỗi triển lãm hướng đến mục tiêu góp phần nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy liên kết hoạt động sản xuất công nghiệp giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; hợp tác cung ứng sản phẩm cho đối tác là doanh nghiệp sản xuất đầu cuối, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam...

Về phía doanh nghiệp, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã có kết quả kinh doanh ấn tượng khi đã vượt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm trước 2 tháng. Đây là kết quả minh chứng cho việc liên tục nhấn nút “F5”, tăng tốc tái tạo, ứng biến vươn cao của PNJ trong suốt thời gian vừa qua.

Lý giải cụ thể, đại diện PNJ cho biết, ngoài PNJ đã tập trung toàn lực cho những hoạt động bán hàng trên khắp chi nhánh, thúc đẩy sự tăng trưởng đồng ở các kênh. Tính đến cuối tháng 10/2022, hệ thống PNJ có 358 cửa hàng độc lập.

Tương tự, ông Alexander Koch, Giám đốc Điều hành Heineken Việt Nam cũng chia sẻ, trong năm 2022, doanh nghiệp đã giới thiệu thành công 3 sản phẩm mới tại thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, tình hình sản xuất, kinh doanh đã vượt qua giai đoạn khó khăn, không chỉ giữ vững mục tiêu phát triển bền vững mà còn góp phần hiện thực hóa những mục tiêu này.

Dự báo, tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2022 so với quý III/2022, có 41,5% doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đánh giá tốt hơn; 36,3% giữ ổn định và 22,2% khó khăn hơn; trong đó, có 88,9% doanh nghiệp nhà nước có cái nhìn tích cực về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2022, tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước là 78,7% và có vốn đầu tư nước ngoài là 72,7%.

Mặt khác, kết quả mới nhất của Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) được thực hiện bởi YouGov Decision Lab và do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố vừa qua cũng cho thấy, chỉ số BCI giảm 6,4 điểm xuống còn 62,2 điểm phần trăm nhưng đây vẫn là mức trên trung bình và các doanh nghiệp vẫn duy trì sự lạc quan về triển vọng phát triển trong tương lai.

Đồng thời, khi lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu được hỏi về triển vọng kinh doanh trong quý IV/2022, có 45% trả lời tích cực, chỉ giảm 4 điểm so với quý trước.

Việt Nam vẫn được đánh giá là mang lại cơ hội đầu tư lớn cho các doanh nghiệp châu Âu, nhất là triển vọng trong trung và ngắn hạn. Hơn thế nữa, doanh nghiệp kỳ vọng kế hoạch đầu tư, đơn đặt hàng và doanh thu vẫn tương đối ổn định so với quý trước; đồng thời triển vọng ở đây có vẻ lạc quan hơn so với triển vọng của nền kinh tế nói chung.

Báo cáo của Fitch Ratings - Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế cũng chỉ ra rằng, Việt Nam có triển vọng tăng trưởng mạnh trong trung hạn nhờ sự phát triển của ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Trong đó, những điểm sáng đóng góp tích cực vào bức tranh tăng trưởng chính là xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, sản xuất công nghiệp, sản xuất dịch vụ…

Tuy nhiên, dự báo kinh tế toàn cầu, cũng như Việt Nam trong giai đoạn 2023-2025, vẫn còn có nhiều bất ổn nên cộng đồng doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực có xu hướng giảm phụ thuộc vào thị trường quốc tế, tự chủ nguồn  cung nguyên phụ liệu, chuyển dần trọng tâm sang khai thác thị trường nội địa. Điển hình, với  quy mô dân số gần 100 triệu người, Việt Nam là thị trường tiêu thụ sản phẩm dệt may tiềm năng cho các doanh nghiệp ngành này.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho hay, hiệp hội sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua thực hiện tốt vai trò kết nối cộng nghiệp doanh nghiệp trong nước với nhau và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng, mở rộng thị  trường...

Song song đó, hiệp hội cũng phối hợp nhiều tổ chức liên quan triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về quản trị, chuyển đổi xanh, công nghệ mới, thiết kế, xây dựng thương hiệu.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục