Doanh nghiệp sản xuất và phân phối xăng dầu nỗ lực lo nguồn cung

10:28' - 25/10/2022
BNEWS Để đáp ứng nhu cầu xăng dầu trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu thế giới khó khăn, các doanh nghiệp sản xuất và đầu mối kinh doanh xăng dầu đang nỗ lực triển khai các giải pháp tăng nguồn cung.

Theo Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR), sau khi tăng công suất từ 105% lên 107%, nhận thấy nhu cầu thị trường tăng cao và nguồn nguyên liệu dầu thô đầu vào đảm bảo, BSR đã tăng công suất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lên 109%, vượt 6% so với kế hoạch cả năm 2022. Sắp tới, theo nhu cầu của thị trường và nguồn dầu thô ổn định, Nhà máy có thể hoạt động ở mức trên 110% công suất, góp phần ổn định thị trường.

 
Nhiều năm qua, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất luôn duy trì hoạt động ở mức hơn 100% công suất thiết kế để đảm bảo lượng xăng dầu trong thị trường nội địa. Với công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, nhà máy cung cấp hơn 30% nhu cầu xăng dầu trong nước. Ngoài ra, đơn vị luôn thực hiện các biện pháp điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, tăng cường sản xuất xăng dầu để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của khách hàng, góp phần bình ổn thị trường xăng dầu.

Trước tình hình biến động mạnh của thị trường xăng dầu, BSR đã duy trì công suất vận hành ở mức cao, đẩy nhanh công tác bán hàng và xuất bán tối đa sản phẩm. BSR cũng xuất hỗ trợ vận chuyển, hàng bằng việc cấp tối đa theo hợp đồng, cấp cộng, giao sớm hàng để hỗ trợ các đầu mối kinh doanh xăng dầu. Bên cạnh đó, BSR luôn chủ động lập kế hoạch mua dầu thô cho nhà máy lọc dầu từ sớm, nhằm đảm bảo nguồn cung nguyên liệu đầu vào để nhà máy hoạt động liên tục ở công suất cao.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, BSR đã xuất bán hơn 5,8 triệu m3 xăng dầu. Tồn kho của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thường xuyên duy trì ở mức thấp. Thời điểm từ tháng 3 đến tháng 6, nhà máy hoạt động ở mức 108% công suất thiết kế trong điều kiện kỹ thuật an toàn, vận hành đảm bảo.

Về phía doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu chiếm thị phần lớn nhất tại thị trường trong nước, Petrolimex cho biết, trong 9 tháng qua, tập đoàn đã nhập khẩu gần 3,383 triệu m3/tấn xăng dầu từ nước ngoài, mua của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hơn 2,513 triệu m3/tấn xăng dầu và hơn 2,165 triệu m3/tấn xăng dầu từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn. Tỷ trọng nhập khẩu và mua trong nước tương ứng lần lượt là 42%, 31% và 27%.

 

Riêng trong giai đoạn từ ngày 21/9-20/10, Petrolimex đã nhập về kho 401.520 m3/ tấn xăng (mua từ 2 nhà máy trong nước là 226.396 m3/tấn, nhập khẩu 175.124 m3/tấn); dầu diesel là 347.728 m3/tấn (mua từ 2 nhà máy trong nước là 232.991 m3/tấn, nhập khẩu 114.737 m3/tấn); dầu hỏa là 3.658 m3/tấn  được mua từ các nhà máy trong nước; dầu mazut là 28.737 m3/tấn được nhập khẩu.

Để chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp đảm bảo nguồn. Petrolimex đã đề nghị với hai nhà máy lọc dầu trong nước có những cam kết chắc chắn về khả năng đảm bảo nguồn theo hợp đồng đã ký kết, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Đối với nguồn nhập khẩu từ nước ngoài, Petrolimex đã tích cực tìm kiếm nguồn hàng tin cậy, ký kết hợp đồng mua hàng sớm hơn thông lệ. Bên cạnh đó, Petrolimex liên tục nắm bắt thông tin, bám sát diễn biến của thị trường để linh hoạt xử lý, kịp thời đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn hàng trong mọi tình huống. Đặc biệt, Petrolimex đã quyết liệt chỉ đạo toàn hệ thống đảm bảo cung ứng xăng dầu cho hệ thống phân phối thuộc Petrolimex, phù hợp cam kết hợp đồng và bảo đảm tiến độ nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục