Doanh nghiệp thủy sản kiến nghị hỗ trợ để "cầm cự" chờ thị trường khôi phục

12:11' - 03/04/2020
BNEWS Với tình hình dịch bệnh COVID-19 lan rộng trên quy mô toàn cầu và chưa được khống chế, các doanh nghiệp thủy sản kiến nghị cần có giải pháp hỗ trợ kịp thời để "cầm cự" chờ thị trường khôi phục.

Sau nhiều ngành hàng như dệt may, da giày thì tiếp đến xuất khẩu thủy sản cũng ghi nhận sự sụt giảm đám kể trong quý I/2020 do tác động từ dịch COVID-19.

Với tình hình dịch bệnh lan rộng trên quy mô toàn cầu và chưa được khống chế, các doanh nghiệp thủy sản kiến nghị cần có giải pháp hỗ trợ kịp thời để "cầm cự" chờ thị trường khôi phục.

Xuất khẩu giảm sâu

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), ước tính xuất khẩu thủy sản trong tháng 3 giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2019, chỉ đạt 549 triệu USD; trong đó, xuất khẩu cá tra và cá ngừ đều giảm trên 29%, mực, bạch tuộc lên tới 31% và tôm khoảng 15%.

Xét về thị trường, xuất khẩu sang EU giảm sâu nhất, tới 40%; Trung Quốc 25%, Hàn Quốc giảm 24%, Nhật Bản giảm 19%.

Xuất khẩu sang Mỹ giảm ít hơn các thị trường khác nhờ sản phẩm thủy sản của Việt Nam vẫn giữ được thị phần tại phân khúc bán lẻ.

Nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Mỹ nói chung giảm nhưng nhu cầu các sản phẩm tươi sống, đóng hộp vẫn tăng. Trong tuần đầu tháng 3, doanh số bán lẻ thủy sản đóng hộp tại Mỹ tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế đến hết tháng 3/2020, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 14%; trong đó, xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất tới 31%, chủ yếu do giảm xuất sang thị trường Trung Quốc từ 2 tháng đầu năm; xuất khẩu các mặt hàng hải sản như cá ngừ giảm 13,5%, mực-bạch tuộc giảm 28%.

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp thủy sản, thị trường Trung Quốc đã có nhu cầu nhập khẩu trở lại nhưng đơn đặt hàng không nhiều.

Mặt khác, sau khi chống chọi với tác động của dịch COVID-19, các doanh nghiệp Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu nhưng khó tiếp cận các nguồn tài chính để vay vốn.

Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Phú cho biết, trong tháng 1 và 2/2020, chỉ các doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn vào Trung Quốc gặp khó khăn.

Nhưng sang tháng 3, dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng trên quy mô toàn cầu, các thị trường có tỷ lệ khách hàng yêu cầu hoãn giao hàng hoặc hủy đơn hàng tập trung chủ yếu tại châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Cho tới thời điểm này, đã có từ 35-50% đơn hàng xuất khẩu tôm đi Mỹ và EU bị tạm hoãn giao hàng hoặc hủy do khách không bán được.

Lượng tồn kho tại cả nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu đều lớn; kho lạnh đã đầy và không còn đủ sức chứa.

Ở các thị trường bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19, nhà cung cấp đã linh hoạt giảm giá bán từ 25-30% nhưng cũng không thể kích cầu.

Diễn biến tại thị trường EU đối với mặt hàng cá tra cũng khả quan. Mặc dù trong hai tháng đầu năm 2020, dịch chưa ảnh hưởng mạnh đến khu vực EU nhưng giá trị xuất khẩu sang thị trường này đã giảm gần 40% so với cùng kỳ năm trước.

Từ tháng 3/2020, khi Italy, Đức và Anh là những thị trường tiềm năng của cá tra Việt Nam trở thành trung tâm của dịch COVID-19.

Điều này đã khiến hoạt động giao thương sang các thị trường này ngưng trệ. Hệ thống nhà hàng, khách sạn ở châu Âu đã ngưng hoạt động để tránh lây lan virus.

Nhiều đơn hàng đã bị ngưng và khách hàng thông báo chưa biết thời điểm nào sẽ giao dịch trở lại.

Các doanh nghiệp chia sẻ, một số khách hàng châu Âu còn khả năng tương tác đang liên tục đưa ra yêu cầu giảm giá bán; trong khi, giá cá tra xuất khẩu trung bình sang một số quốc gia tại châu Âu đầu năm nay đã giảm từ 10-15% so với cùng kỳ năm trước.

Đến giữa tháng 3/2020, nhiều đơn hàng tại Trung Đông, châu Á hay Nam Mỹ cũng bắt đầu ách tắc, hủy hoặc thông báo tạm ngừng mà chưa có thời gian quay trở lại.

Thêm vào đó, các đơn hàng phục vụ cho ngành dịch vụ thực phẩm trong nước cũng bị đình trệ, chỉ duy trì đơn hàng cho phân khúc bán lẻ... Đơn hàng mới chưa được ký lại dẫn đến lượng hàng tồn kho lớn.

Cần giải pháp hỗ trợ kịp thời

Ông Lê Văn Quang chia sẻ, mặc dù hoạt động sản xuất và xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn ở hầu hết các thị trường nhưng doanh nghiệp vẫn đang cố gắng thu mua nguyên liệu cho hàng vạn hộ nuôi tôm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhằm đảm bảo duy trì việc làm cho người lao động.

Nhiều doanh nghiệp xoay sở tìm cách phân chia lại lịch làm việc cho phù hợp, đào tạo tay nghề cho người lao động để có thể làm nhiều mặt hàng khác nhau với hy vọng dịch bệnh sớm được khống chế và sức mua của thị trường nhanh chóng hồi phục.

Trong lúc khó khăn về thị trường, doanh nghiệp lại phải gánh nhiều loại chi phí phát sinh như thay đổi hành trình của tàu, thay đổi cảng đến, lưu container tại cảng....

Đồng thời, phải chi thêm các sản phẩm phòng chống dịch như khẩu trang y tế, nhiệt kế, dung dịch sát khuẩn...

Trong khi nguồn vốn của doanh nghiệp đang bị “chôn” trong hàng lưu kho thì những chi phí phát sinh đang chất thêm khó khăn lên doanh nghiệp.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho hay, hiện giá tôm, cá tra nguyên liệu đều giảm vì người nuôi sợ rớt giá nên thu hoạch sớm.

Một số doanh nghiệp tạm ngừng mua nguyên liệu vì đơn hàng bị hoãn, hủy và không có đơn hàng mới trong khi kho lạnh để trữ hàng đã đầy.

Nếu người nuôi hạn chế hoặc bỏ ao vì không trụ được ở giai đoạn này có thể dẫn đến thiếu nguyên liệu vào cuối năm - khi dịch bệnh hết, nhu cầu tiêu dùng tăng lại.

Những tháng tới, tình hình xuất khẩu tiếp tục chịu tác động xấu. Doanh nghiệp chưa thể thoát khỏi tình trạng bị sụt giảm, hoãn hoặc hủy đơn hàng, vận tải hàng hóa khó khăn.

Nếu việc này kéo dài thì sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhất là những đơn vị nhỏ không thể trụ vững vì thiếu vốn để duy trì, quay vòng kinh doanh.

Trước tình hình trên, VASEP đã tập hợp ý kiến của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản mong muốn Chính phủ xem xét, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động miễn nộp kinh phí công đoàn (2% quỹ lương) trong năm 2020 và tạm dừng việc đóng bảo hiểm xã hội đến cuối năm 2020, không tính lãi nộp chậm để có thể tiếp tục trả lương cho người lao động.

Doanh nghiệp cũng mong muốn Bộ Tài chính xem xét giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải tạm ngưng thu phí BOT đến hết năm 2020 nhằm giảm chi phí vận chuyển hàng hóa.

Đối với hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp cho rằng, hiện có quá nhiều loại phí "đè" lên doanh nghiệp như: chuyển tiền trong và ngoài nước, xử lý bộ chứng từ, báo có tiền về, điều vốn, chiết khấu, quản lý tài khoản... nên các ngân hàng có thể xem xét loại bỏ bớt.

Đồng thời, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có gói hỗ trợ cho vay lãi suất thấp dành cho doanh nghiệp và tạo điều kiện tiếp cận với gói vay lãi suất ưu đãi này.

Đối với các khoản nợ đang vay, doanh nghiệp mong muốn được gia hạn nợ, không chuyển thành nợ xấu, không phạt nợ quá hạn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục sản xuất.

Song song đó, để đảm bảo nguồn nguyên liệu chế biến cho các kỳ sản xuất tới, đặc biệt là khoảng cuối năm, VASEP kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch, quy hoạch về vùng nuôi nguyên liệu tôm, cá tra; có chính sách hỗ trợ cho người nuôi để khuyến khích họ tiếp tục thả giống mới, kịp thời đón đầu cơ hội sản xuất, xuất khẩu ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát và hoạt động giao thương được khôi phục./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục