Doanh nghiệp thủy sản trước áp lực chi tiêu thắt chặt

17:24' - 17/02/2023
BNEWS Với tình hình lạm phát hiện nay, đặc biệt là giá tiêu dùng tại các thị trường thế giới tăng cao, cùng với áp lực chi phí lao động khiến cho các doanh nghiệp nhập khẩu phải tính toán lại đơn hàng.
Ngành thủy sản là một trong những ngành phục vụ nhu cầu thực phẩm nhưng cũng phải chịu áp lực cạnh tranh với những loại thực phẩm giá trị thấp hơn bởi việc thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng.

Những thị trường như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản là những thị trường đi đầu trong tiêu dùng thủy sản. Thế nhưng, với diễn biến lạm phát giá tiêu dùng tăng, người dân buộc phải gói gọn chi tiêu so với nguồn thu nhập chững lại, tìm nguồn thực phẩm rẻ hơn thay thế, khiến cho những dòng sản phẩm thủy sản có giá cao hơn gặp khó khăn trong tiêu thụ.

Chính vì vậy, thực đơn có thể sẽ ít nhiều thay đổi và sẽ có những thực phẩm giá trị thấp thay thế để phù hợp với điều kiện tiêu dùng.

Tại Nhật Bản, thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện thị trường này đang dần có xu thế nhập khẩu thịt nhiều hơn so với trước đây, làm cho cán cân nhập khẩu giữa thịt và thủy sản đang cân bằng nhau. Trong khi đó, trước đây Nhật Bản là quốc gia tiêu thụ mạnh nguồn hải sản.

Do đó, Nhật Bản luôn là thị trường nhập khẩu thủy sản nhiều hơn cung cấp cho thị hiếu tiêu dùng này. Con số cân bằng được Thống kê Hải quan Nhật Bản đưa ra là trong năm 2022, quốc gia này nhập khẩu 14,9 tỷ USD thủy sản, đồng thời kim ngạch nhập khẩu của quốc gia này cũng đạt con số tương đương là 14,8 tỷ USD. Với sự cân bằng này, cho thấy dấu hiệu tiêu thụ thủy sản dần được thay thế bởi nguồn thực phẩm trị giá thấp hơn, đó là thịt.

Theo thống kê từ ngành hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 1/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt hơn 457 triệu USD, giảm 47% so với cùng kì năm 2022. Mức suy giảm này là mức chưa từng có từ trước đến nay, ngay cả thời điểm trong nước và các quốc gia trên thế giới ứng phó với dịch bệnh COVID-19 cũng ở trạng thái khả quan hơn so với hiện nay.

Một trong những thế mạnh trong ngành xuất khẩu là cá tra, thị trường tiêu thụ mạnh dòng sản phẩm này là  Trung Quốc. Dù sản phẩm cá tra chế biến hiện chỉ chiếm 2% so với tổng sản lượng cá tra xuất khẩu, nhưng với lợi thế giá cạnh tranh, dòng sản phẩm này tăng sự lựa chọn với người tiêu dùng hiện nay.
 
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, trong năm 2022, cộng đồng doanh nghiệp thủy sản đã trải qua rất nhiều khó khăn để giữ vững mục tiêu xuất khẩu. Năm 2023, các doanh nghiệp thủy sản nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản nói chung đều đưa ra dự báo là một năm có nhiều khó khăn hơn so với năm 2022. Những khó khăn này có thể thấy rõ và bắt buộc doanh nghiệp phải tuân theo quy luật tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Với diễn biến suy thoái kinh tế diễn ra mạnh mẽ tại nhiều quốc gia, bắt buộc doanh nghiệp phải lập kế hoạch sản xuất cụ thể, nguồn nguyên liệu vừa đủ cho những đơn hàng vừa đủ. Tuy nhiên, diễn biến thị trường chỉ một một trong những cái khó mà chính doanh nghiệp đối mặt.

Cái khó khác chính là yếu tố nội tại doanh nghiệp, nguồn vốn vay và lãi suất ngân hàng nhảy múa cũng khiến cho doanh nghiệp phải có kế hoạch chuẩn bị ứng phó. Đồng thời, những chi phí phát sinh khi quốc gia nhập khẩu yêu cầu chứng chỉ/thuế carbon với các doanh nghiệp thủy sản.

Chính vì những khó khăn có thể thấy rõ này, VASEP đã cùng với nhiều hiệp hội ngành hàng khác tìm nhiều giải pháp tháo gỡ để có thể hạ chi phí sản xuất, từ đó hạ giá bán để tăng cơ hội lựa chọn với người tiêu dùng tại các thị trường khó tính. VASEP đã cùng kiến nghị các vấn đề liên quan đến thu phí sử dụng hạ tầng, dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cảng biển tại Tp. Hồ Chí Minh và Dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Kết quả là Tp. Hồ Chí Minh đã giải quyết một phần các kiến nghị của các Hiệp hội (như giảm mức thu phí hạ tầng cảng biển với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu khi mở tờ khai ngoài Tp. Hồ Chí Minh xuống ngang bằng với mức thu phí khi doanh nghiệp mở tờ khai tại Tp. Hồ Chí Minh, giảm mức phí đối với hàng gửi kho ngoại quan, hàng chuyển khẩu) từ ngày 1/8/2022. Cũng theo ông Hòe, những chi phí này không nhỏ trong quá trình cộng dồn giá thành sản phẩm cháo bán với các nhà nhập khẩu.

Bên cạnh đó, VASEP cũng kiến nghị Chính phủ giải quyết hai vấn đề đang là gánh nặng trong doanh nghiệp thủy sản, đó là quy định mức thu kinh phí công đoàn 2% quỹ lương và quy định tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cao. Khi sản phẩm thủy sản bị đặt lên bàn cân, đồng nghĩa với thủy sản Việt Nam muốn cạnh tranh thì phải đưa ra phương án cắt giảm một số chi phí nào đó tạo giá cạnh tranh, vượt qua giai đoạn khó khăn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục