Doanh nghiệp Trung Quốc chuyển hướng sang thị trường ASEAN

06:00' - 13/04/2019
BNEWS Từ khi Trung Quốc và Mỹ xảy ra cuộc chiến thương mại, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tích cực mở rộng đầu tư sang các nước ASEAN.
Doanh nghiệp Trung Quốc chuyển hướng sang thị trường ASEAN. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Theo nhận định của nhà nghiên cứu Từ Trường Văn thuộc Quỹ nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, Viện Nghiên cứu kinh tế - Bộ Thương mại Trung Quốc đăng trên tờ “Tín báo” (Hong Kong), trong khi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc mà chính quyền Tổng thống Donald Trump khởi xướng không ngừng leo thang, việc Trung Quốc tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đối tác kinh tế thương mại chủ chốt, đặc biệt là hợp tác kinh tế thương mại với các nước và khu vực láng giềng chính là sự đáp trả đối với Mỹ.

Việt Nam là nước láng giềng với Trung Quốc. Trong thời gian gần đây các doanh nghiệp Trung Quốc đã gia tăng hợp tác kinh tế thương mại với Việt Nam. Cùng với mức độ gia tăng đầu tư của Trung Quốc sang Việt Nam cũng kéo theo sự mở rộng nhanh trong lĩnh vực thương mại song phương.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, năm 2017 kim ngạch thương mại Trung-Việt lần đầu tiên vượt 100 tỷ USD, đạt 121,3 tỷ USD. Thậm chí vượt cả kim ngạch thương mại Trung Quốc-Malaysia khi đó đạt mức 96 tỷ USD, trở thành nước đối tác thương mại thứ nhất của Trung Quốc trong 10 nước ASEAN. Trong thời gian tới, hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và các nước ASEAN cũng sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng nhanh.

Truyền thông Nhật Bản đưa tin ngành dệt may là lĩnh vực quan trọng mà Trung Quốc có được nguồn thu từ ngoại tệ. Đặc biệt Mỹ là thị trường lớn nhất để Trung Quốc xuất khẩu các sản phẩm dệt may, chiếm vị trí hàng đầu trong xuất khẩu các sản phẩm dệt may của nước này. 

Năm 2017, kim ngạch các sản phẩm dệt may của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đạt 45,4 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu hàng may mặc chiếm trên 70% tổng số, kim ngạch khoảng  33 tỷ USD, nguyên liệu dệt may chiếm gần 30% tổng số, kim ngạch khoảng 12,4 tỷ USD. 

Tuy nhiên, tính đến nay trong số các mặt hàng bị áp thuế khoảng 253 tỷ USD mà Mỹ đưa ra lại không bao gồm hàng may mặc, vì vậy tác động đối với ngành dệt may của Trung Quốc là không lớn.

Tuy nhiên, hợp tác ngành dệt may giữa Trung Quốc và Mỹ có hai đặc điểm: Thứ nhất, một số công ty đầu tư của Mỹ tại Trung Quốc đã chuyển dịch cơ sở sản xuất. Các doanh nghiệp thời trang nổi tiếng và một số doanh nghiệp phân phối của Mỹ đầu tư vào Trung Quốc từ lâu đã lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ leo thang nên đã cân nhắc đến vấn đề chuyển hướng đầu tư ở Trung Quốc sang thiết lập các cơ sở sản xuất bên ngoài nước này. 

Giờ đây, Mỹ cũng đã sử dụng hàng may mặc làm mục tiêu trừng phạt và áp thêm 25% mức thuế, đến khi đó, tác động sẽ khá lớn. Vì vậy trong tương lai, các doanh nghiệp dệt may của Mỹ tại Trung Quốc sẽ đẩy nhanh tốc độ chuyển địa điểm sản xuất sang các nước và khu vực ASEAN.

Thứ hai, các doanh nghiệp dệt may Trung Quốc cũng đẩy nhanh việc thành lập các nhà máy ở các nước và khu vực ASEAN. Trên thực tế, cách đây 10 năm các công ty Trung Quốc đã bắt đầu đầu tư thành lập nhà máy ở các nước và khu vực ASEAN. 

Nguyên nhân là chi phí nhân công của Trung Quốc không ngừng tăng cao. Trong khi đó, việc ngày càng nhiều các nước gia nhập ASEAN hoặc ký kết Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với ASEAN cũng như việc các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào khu vực ASEAN được hưởng các chính sách ưu đãi lớn cũng thúc đẩy các doanh nghiệp Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ đầu tư vào các nước Đông Nam Á.

Truyền thông Nhật Bản dẫn lời một nhân vật trong giới doanh nghiệp Nhật Bản cho biết tháng 1/2017 khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nay được đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), có người từng cho rằng đầu tư vào ASEAN sẽ giảm mạnh, nhưng tình hình thực tế lại hoàn toàn ngược lại, đầu tư vào ASEAN đã tăng đáng kể. 

Tuy Mỹ có ý định nâng cao mức thuế hơn nữa và gia tăng sức ép đối với Trung Quốc, nhưng các doanh nghiệp của nước này đã chuyển dịch cơ sở sản xuất sang khu vực Đông Nam Á, vì vậy tác động mà Trung Quốc phải chịu sẽ không quá lớn. Hơn nữa, người ta tin rằng xu hướng chuyển dịch đầu tư này của các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ được đẩy nhanh trong thời gian tới./.

       

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục