Doanh nghiệp Trung Quốc thiếu nguồn cung tiền do chi tiêu tiêu dùng giảm mạnh

09:03' - 21/02/2022
BNEWS Một thước đo quan trọng về nguồn cung tiền của Trung Quốc cho thấy nguồn tiền mặt của doanh nghiệp đang giảm xuống khi nhu cầu tiêu dùng “ảm đạm” đang cản trở tiền lưu thông qua nền kinh tế.

Nguồn cung tiền M1, bao gồm tiền mặt và tiền xu, tiền gửi không kỳ hạn, séc du lịch, tiền gửi thanh toán khác và tài khoản lệnh rút tiền khả nhượng, trong tháng 1/2022 đã giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là lần đầu tiên M1 giảm kể từ khi số liệu này bắt đầu được thu thập vào năm 1997.

 

Nguồn cung tiền M1 và M2, bao gồm M1 và tiền gửi có kỳ hạn cùng các tài khoản tiết kiệm hộ gia đình, thường có liên quan mật thiết đến giá cả và tình hình kinh tế.

M1 giảm như trên là do lượng tiền gửi của doanh nghiệp, vốn chiếm khoảng 4/5 nguồn cung M1, giảm đến 5,3%, mức giảm lớn nhất từng ghi nhận.

Dịp Tết Nguyên đán là một nguyên nhân lớn dẫn đến sự sụt giảm này. Nhiều công ty thưởng lớn cho nhân viên trước kỳ nghỉ lễ dài ngày này, qua đó chuyển tiền từ tài khoản doanh nghiệp sang các tài khoản cá nhân.

Phản ánh xu hướng này, nguồn cung tiền M2 trong tháng Một đã tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhanh hơn mức tăng 9% trong tháng trước đó.

Nhưng kể cả khi loại trừ yếu tố mang tính theo mùa này, mức tăng M1 trong tháng Một chỉ đạt 2%. Điều này liên quan đến các xu hướng sụt giảm trong chi tiêu của hộ gia đình trong nền kinh tế.

Trước đại dịch, nhu cầu trong mùa Tết Nguyên đán thường sẽ thúc đẩy tiêu dùng, qua đó chuyển tiền từ các hộ gia đình sang các doanh nghiệp và làm gia tăng M1.

Nhưng năm nay, các hộ gia đình lại tỏ ra miễn cưỡng trong việc “mở hầu bao”, một phần do sự phục hồi chậm chạp của thị trường việc làm.

Theo số liệu của CEIC Data, doanh thu trực tuyến trên các nền tảng Taobao và Tmall của tập đoàn Alibaba chỉ tăng 0,9% trong tháng Một, trong khi các quy định hạn chế của chính phủ đang tiếp tục kìm hãm thị trường nhà ở./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục