Doanh nghiệp Trung Quốc tìm mua gạo: Nên mừng hay lo?

15:34' - 27/09/2018
BNEWS Tháng 8 vừa qua, đoàn doanh nghiệp Trung Quốc do Hiệp hội lương thực nước này dẫn đầu đã có chuyến thực tế tại vựa lúa ĐBSCL, tìm kiếm cơ hội mua gạo từ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Doanh nghiệp Trung Quốc tìm kiếm cơ hội mua gạo từ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam. Ảnh minh họa: TTTXVN
Có ý kiến cho rằng, việc Trung Quốc gia tăng nhập khẩu gạo là điều đáng mừng hơn lo. Khác với những loại nông sản khác, ngành lúa gạo dù thị trường tiêu thụ lên hay xuống, trong nhiều năm liền, diện tích sản xuất vẫn duy trì ổn định và Trung Quốc luôn giữ nhịp độ nhập khẩu khoảng trên dưới 30% tổng lượng gạo xuất khẩu chính ngạch hàng năm của Việt Nam.

Trong khi đó, các loại nông sản khác diễn biến thất thường theo nhu cầu của thị trường này, khi họ gia tăng tiêu thụ thì lập tức diện tích và sản lượng được gia tăng. Còn khi thị trường này ngưng nhập thì chúng ta phải đi “giải cứu”.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Vạn Lợi, tỉnh Tiền Giang cho rằng, khi sản xuất không chạy theo nhu cầu, tức là khi thị trường gia tăng nhưng sản xuất vẫn giữ ổn định thì việc Trung Quốc tăng nhập khẩu là điều tốt. Khi đó, chúng ta sẽ có quyền quyết định nhiều hơn, thậm chí trong trường hợp Trung Quốc giảm nhập khẩu cũng không quá ảnh hưởng vì nhịp độ sản xuất vốn đã ổn định từ trước (tất nhiên, khi đó việc đàm phán sẽ có khó khăn hơn)...

Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre) lại cho rằng, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc vẫn còn những lo ngại. “Chẳng hạn, cuối tháng 6 họ ban hành quy định thuế nhập khẩu gạo tăng lên và ngay ngày 1/7 đã áp dụng liền khiến một số doanh nghiệp sống dở chết dở. Gạo nếp từ chỗ chịu thuế 5 - 10% tăng lên 50%...và năm vừa rồi công ty xuất sang Trung Quốc chỉ riêng gạo nếp đã đạt 1,4 triệu tấn, bà con ùn ùn đi trồng nếp thì năm nay lại sống dở chết dở vì giá rớt thảm thương” - ông Tuấn dẫn chứng.

Trung Quốc cũng đang xả gạo tồn kho trước đó để bán, kể cả bán rẻ sang châu Phi, mới đây họ lại đàm phán với Thái Lan để mua 1 triệu tấn gạo. “Tuy nhiên, doanh nghiệp Trung Quốc qua tìm hiểu, tiếp cận, vì với thuế suất như trên thì sẽ khó cho doanh nghiệp. Gạo Việt Nam đang được chào bằng giá hoặc cao hơn gạo Thái Lan, giá thành của gạo Việt Nam là 390 USD/tấn, còn gạo Thái Lan là dưới 385 USD/tấn, như vậy sẽ khó để bán được”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, ngành lúa gạo mấy năm nay khá vất vả, lý do là sau thời kỳ phát triển nóng, thị trường gạo Việt Nam trồi sụt thất thường, khó định hướng. Một trong những nguyên nhân lớn nhất của gạo Việt Nam là giá trị gia tăng của mặt hàng gạo không cao. Hơn nữa, Chính phủ Thái Lan tài trợ 3 tỷ USD cho nông dân, các hợp tác xã và doanh nghiệp trong lĩnh vực lúa gạo của năm 2018 - 2019, nên giá quy ra USD là thấp nhưng các doanh nghiệp Thái Lan vẫn được lợi, vô hình chung làm khó cho các doanh nghiệp của Việt Nam.

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở thành phố Cần Thơ cho biết, trước đây, chúng ta thường có quan niệm "Trung Quốc là thị trường dễ tính" nhưng trên thực tế không phải như vậy, hiện nay từ thịt heo đến các loại rau củ quả của Việt Nam khi xuất bán vào thị trường Trung Quốc nếu không đạt chuẩn họ sẽ không cho nhập vào, ngay cả gạo cũng vậy. Việc quốc gia này ngày càng siết chặt nhập khẩu khiến một số doanh nghiệp Việt Nam không kịp thích ứng. Do đó, điều cần thiết là sản phẩm của doanh nghiệp phải đủ chuẩn để xuất khẩu vào nhiều thị trường.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ đánh giá, việc doanh nghiệp Trung Quốc chủ động vào Đồng bằng sông Cửu Long tìm hiểu tình hình sản xuất lúa gạo và kết nối với cộng đồng doanh nghiệp ở khu vực này chứng tỏ nhu cầu nhập khẩu gạo của quốc gia này còn rất lớn.

Tuy nhiên, theo ông Toại, hiện thành phố chỉ có 4 doanh nghiệp đáp ứng và được phép xuất khẩu gạo trực tiếp vào Trung Quốc. Thời gian tới, thành phố sẽ có các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, nhằm gia tăng số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo; trong đó, sẽ chú trọng tới việc chuyên nghiệp hóa ngay từ khâu gieo sạ, đảm bảo quy trình sản xuất an toàn, bền vững, cung cấp gạo có chất lượng phù hợp với thỏa thuận về kiểm dịch đối với sản phẩm gạo xuất khẩu được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc.

“Tôi hy vọng, thời gian tới sẽ mở rộng được số doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Trung Quốc vì hiện nay còn quá ít”, ông Toại cho biết.

Bốc xếp gạo xuất khẩu. Ảnh: Đinh Huệ/TTXVN
Theo ông Đào Việt Anh, Tham tán thương mại của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng phát triển. Trong năm 2017, thương mại hai chiều đạt 121,3 tỷ USD, tăng 23,4% so với năm 2016.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối các nước ASEAN; đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ 8 trên toàn cầu của Trung Quốc.

Riêng với lĩnh vực lúa gạo, năm 2017, quốc gia này nhập khẩu tổng cộng 3,99 triệu tấn gạo, tăng 12,96% so với năm 2016; trong đó, lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam đạt 2,26 triệu tấn, chiếm 56,72% tổng lượng nhập khẩu gạo của Trung Quốc. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu 1,78 triệu tấn gạo và ngũ cốc; trong đó, lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam là 850.000 tấn.

Tuy vậy, theo ông Anh, dự báo thời gian tới hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc sẽ khó khăn, khó duy trì được đà tăng trưởng như các năm trước đó. Nguyên nhân là do sự điều chỉnh chính sách tăng thuế nhập khẩu gạo được Trung Quốc áp dụng từ ngày 1/7/2018 và sự cạnh tranh gay gắt từ nguồn gạo xuất khẩu của các quốc gia khác.

Tham tán Đào Việt Anh cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần lưu ý đảm bảo chất lượng gạo xuất khẩu phù hợp với các thỏa thuận về kiểm dịch, an toàn chất lượng; xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo đặc biệt đối với các loại gạo có giá trị và đăng ký thương hiệu gạo tại thị trường Trung Quốc để bảo vệ thương hiệu gạo tại thị trường này, đưa gạo phân phối trong hệ thống các siêu thị tại Trung Quốc.

Mới đây, Nghị định 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo được ban hành, có hiệu lực từ 1/10/2018; trong đó đưa ra những quy định cụ thể điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, được đánh giá là đã nới lỏng hơn so với Nghị định số 109/2010/NĐ-CP trước đây.

Theo đó, thương nhân muốn xuất khẩu gạo vẫn phải có một kho chuyên dùng để chứa thóc, có một cơ sở xay xát theo tiêu chuẩn. Tuy nhiên, cơ sở vật chất nêu trên có thể thuộc sở hữu của thương nhân hoặc do thương nhân thuê của tổ chức, cá nhân khác, có hợp đồng thuê với thời hạn tối thiểu 5 năm. Tuy chưa “cởi trói” hoàn toàn đối với ngành gạo nhưng với nghị định mới sẽ có nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện để xuất khẩu so với trước đây.

Theo Cục Trồng trọt, vụ lúa Thu Đông 2018, các tỉnh Nam Bộ có tổng diện tích gieo trồng là 744.000 ha, giảm 21.000 ha so năm 2017. Sản lượng ước đạt 4 triệu tấn, giảm 12.000 tấn; năng suất ước đạt 53,6 tạ/ha, tăng 1,64 tạ/ha. Tình hình xuất khẩu gạo có khả quan và nhiều triển vọng tăng trưởng về lượng và giá cả có lợi cho cả người sản xuất và doanh nghiệp. Hiệp hội Lương thực Việt Nam và doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần hợp tác, đặt hàng và tổ chức thu mua lúa trong mô hình cánh đồng mẫu lớn, vùng nguyên liệu để tạo điều kiện khuyến khích và thúc đẩy mô hình phát triển trên diện rộng…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục