Doanh nghiệp ứng phó với dịch COVID-19: Bài 3 - Chủ động phục hồi

10:25' - 30/04/2020
BNEWS Với bối cảnh chuỗi giá trị toàn cầu bị "đứt gãy" do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần tăng cường đa dạng hóa, đa phương hóa thị trường, tránh bỏ trứng vào một giỏ.

Với sự chỉ đạo và hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã khẩn trương được nghiên cứu, ban hành kịp thời.

Tuy nhiên, cùng với các chính sách hỗ trợ từ bên ngoài, doanh nghiệp cũng phải chủ động cho các bài toán phục hồi sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Xây dựng phương án phục hồi

Với bối cảnh chuỗi giá trị toàn cầu bị "đứt gãy" do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần tăng cường đa dạng hóa, đa phương hóa thị trường, tránh bỏ trứng vào một giỏ, phụ thuộc vào một thị trường hay chỉ một đối tác.

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, các doanh nghiệp cần lên ngay phương án đối phó theo các kịch bản của nền kinh tế; trong đó tính đến kịch bản xấu nhất là đóng cửa doanh nghiệp.

Doanh nghiệp muốn giữ được thì cần có tiền và sẽ phải tìm đến Chính phủ, ngân hàng, kêu gọi bạn hàng hoặc nhiều nguồn có thể huy động khác.

Về phía ngân hàng, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần hỗ trợ doanh nghiệp yếu thế để họ có được tính thanh khoản trả tiền thuê mặt bằng, chi phí nhân công để ít nhất duy trì hoạt động chờ khó khăn qua đi và trong trường hợp hết dịch sẽ có thể khởi động trở lại, đóng góp vào sự phục hồi của nền kinh tế.

Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp tại Tp.Hồ Chí Minh cũng đã chủ động xây dựng các phương án ứng phó cụ thể, thậm hoạch định các chính sách phát triển trong dài hạn.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Nam Long cho biết, dựa trên tài liệu nghiên cứu và báo cáo của các nhà tư vấn chiến lược hàng đầu như Mc Kinsey, các bài học từ những cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới trước đây, thậm chí học hỏi ngay từ kế hoạch ứng phó với đại dịch COVID-19 đang diễn ra, Nam Long tự lập cho riêng mình một kế hoạch không chỉ ứng phó mà còn phải vượt qua khủng hoảng một cách nhanh nhất.

Các bước đã được Nam Long tính toán với các kịch bản cho hoạt động kinh doanh đảm bảo cho công ty vẫn duy trì hoạt động và sẵn sàng bứt phá ngay sau khủng hoảng.

Với nội lực của doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Quang cho rằng, việc hợp tác với các đối tác nước ngoài để đầu tư phát triển dự án thay vì đi vay đã giúp công ty rất nhiều trong giai đoạn này.

Nhận định về sự chủ động của các doanh nghiệp trong ứng phó với dịch bệnh, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương cho biết, trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp vận dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển sang kinh tế số, thương mại điện tử... đã cho thấy những hướng đi bền vững cho tương lai. Hay một số doanh nghiệp đã có sáng kiến bánh mỳ thanh long, bánh mỳ dưa hấu, nhân sầu riêng... là tín hiệu tích cực đã góp phần trợ giúp kịp thời và nâng cao giá trị cho hàng hóa Việt Nam, nhất là nông sản, thực phẩm.

Cùng quan điểm, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.Hồ Chí Minh đánh giá, trong lúc khó khăn như hiện nay, các chính sách và sự hỗ trợ của Chính phủ, các cấp, các ngành và toàn xã hội là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên doanh nghiệp vẫn phải tự chủ động và quyết định kế hoạch tồn tại, phục hồi và phát triển phù hợp với từng doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp phải tự đánh giá lại tất cả mọi nguồn lực, mọi điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp để từ đó tái cấu trúc lại cho phù hợp và thích ứng, cắt giảm chi phí, quy mô sản xuất… nhằm tồn tại và chờ thời cơ phục hồi, tìm cơ hội mới để tăng tốc.

Bà Tiêu Yến Trinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kết nối nhân tài (Talentnet) nhấn mạnh, doanh nghiệp cần xây dựng những kịch bản chi tiết với những mức độ khác nhau, nhằm phân bổ nguồn lao động hợp lý và ưu tiên cắt giảm những chi phí nào.

Trong trường hợp cắt giảm giờ làm, lương thưởng, doanh nghiệp nên cân đối tình hình thực tế, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các bên.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần chia sẻ câu chuyện của công ty đến đội ngũ lao động để người lao động đồng hành cùng vượt khó.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cao cấp Công ty Savills Việt Nam cho rằng đây là thời điểm khó khăn với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước nói chung.

Mặc dù vậy, đối với một bộ phận cá nhân và doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt, có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư bất động sản, đây là cơ hội rất lớn đối với họ.

Thực tế thời gian qua, thị trường chứng kiến khá nhiều các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh đã và  đang sẵn sàng mua, nhận chuyển nhượng các dự án từ chính các nhà đầu tư đang gặp khó khăn trong lĩnh vực bất động sản.

Bên cạnh đó, các nhà phát triển bất động sản vẫn đang chuẩn bị các dự án mới để đáp ứng nhu cầu của khách trong và ngoài nước khi dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế phục hồi.

Vận dụng hiệu quả

Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.Hồ Chí Minh, các chính sách do Chính phủ ban hành là rất quyết liệt và kịp thời, quy mô các gói hỗ trợ là rất lớn, chiếm khoảng 10% GDP.

Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cơ bản chưa nhiều doanh nghiệp tiếp cận được do đang chờ các hướng dẫn của các Bộ ngành, đặc biệt gói hỗ trợ theo nghị định 41/2020/NĐ-CP về giãn nộp thuế, nợ thuế, giảm thuế… được đánh giá là tác động tới 98% doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong lúc nguồn thu ngân sách đang giảm mạnh, dù cắt chi đầu tư thì cũng vừa đủ cho chi thường xuyên và các khoản chi cho phòng chống, dịch bệnh.

Do vậy, mọi hỗ trợ của Chính phủ trong lúc này đối với doanh nghiệp chỉ mang tính khích lệ để doanh nghiệp xoay sở.

Đồng thời, cần xác định phương châm xuyên suốt là giúp doanh nghiệp người dân giảm thiệt hại do dịch bệnh và kích thích đầu tư phát triển cho tương lai.

Tiến sỹ Huỳnh Thanh Điền, Đại học Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, để giúp doanh nghiệp giảm khó khăn trong giai đoạn này, gói kích thích kinh tế nhằm vào hỗ trợ chi phí lãi vay, bù lương cho người lao động (trường hợp doanh nghiệp chưa cắt giảm lao động) và hỗ trợ thu nhập cho những lao động mất việc làm.

Cần đặc biệt quan tâm đến cơ sở giáo dục và đội ngũ giáo viên các cấp đang chịu ảnh hưởng trong thời gian diễn ra dịch bệnh. Các trường đầu tư nhiều cho phát triển bài giảng, cơ sở vật chất phục vụ cho học trực tuyến… là đối tượng cần được quan tâm và hỗ trợ.

Ông Lê Hoàng Châu, Hiệp hội Bất động sản Tp.Hồ Chí Minh đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét xây dựng bộ tiêu chuẩn hoạt động tín dụng đặc thù, chỉ áp dụng cho năm 2020.

Cụ thể như xem xét giảm lãi suất cho vay, đối với các khoản dư nợ tín dụng hiện nay và cả các khoản vay mới, có thể giảm lãi suất từ 30-50% tùy theo đối tượng, trong thời hạn tối thiểu 12 tháng  hoặc tối thiểu trong năm 2020; giảm phí hoạt động ngân hàng.

Đồng thời, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng (vay mới) và xem xét giảm 50% giá trị tài sản thế chấp để thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay, đối với doanh nghiệp được tổ chức tín dụng thẩm định khả năng đáp ứng các điều kiện vay vốn, có phương án sử dụng vốn khả thi, có khả năng tài chính để trả nợ.

Song song đó, xem xét giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn, đối với các khoản nợ đến hạn trong năm 2020; tiếp tục cho cá nhân, hộ gia đình vay tín dụng mua nhà, được giảm khoảng 30-50% lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc trong thời hạn 12 tháng hoặc tối thiểu trong năm 2020.

Gợi mở một số giải pháp nhằm sớm đưa các chính sách hỗ trợ đi vào cuộc sống, Tiến sỹ Huỳnh Thanh Điền cho rằng, gói kích thích kinh tế cần được đi kèm với cơ chế đặc thù, không chịu sự chi phối bởi các quy định khác về thủ tục giải ngân.

Vì vậy, cần đảm bảo xét duyệt và giải ngân nhanh chóng, đúng đối tượng. Đặc biệt là tránh tình trạng chính sách ban hành chỉ dừng lại ở chỉ thị, rồi sau đó mới chờ các quy định hướng dẫn. Tuy nhiên, khi ban hành chính sách cần chi tiết về đối tượng thụ hưởng, quy trình xét duyệt, hồ sơ xét duyệt và đầu mối giải quyết các thủ tục.

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, ứng phó với dịch COVID-19 Chính phủ đã thông 3 gói hỗ trợ gồm gói giãn thuế 180.000 tỷ đồng, gói tài chính ngân hàng 300.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ người lao động 62.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên các gói hỗ trợ này cần chú trọng đến doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn là đối tượng dễ bị tổn thương và đang bị tác động nhiều nhất bởi dịch COVID-19. Những doanh nghiệp lớn cũng bị tác động nhưng sức chịu đựng vẫn mạnh hơn nhiều./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục