Doanh nghiệp ứng phó với dịch COVID-19: Bài 2 - Chèo lái doanh nghiệp vượt khó

09:54' - 30/04/2020
BNEWS Nhiều bài toán khó được đặt ra cho doanh nghiệp trước bối cảnh dịch COVID-19 đang hoành hành. Để tồn tại, nhiều doanh nghiệp đã phải tìm mọi cách để sống chung với dịch, vượt qua khó khăn.

Với tinh thần “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”, cộng đồng doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh đang cùng chung tay vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Tương hỗ vượt khó

Hiện nay, dưới tác động nghiệm trọng của dịch COVID-19 lên kinh tế toàn cầu và Việt Nam, đã đặt ra rất nhiều thách thức cho doanh nghiệp nhất là những ngành dịch vụ; trong đó có mảng bán lẻ.

Để duy trì hoạt động kinh doanh, nhà bán lẻ không chỉ chia sẻ khó khăn với đối tác là khách thuê mặt bằng tại cửa hàng và Trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, mà còn triển khai liên tục hoạt động giảm giá, khuyến mãi hàng hóa.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Central Retail tại Việt Nam cho biết, công ty đang xem xét từng trường hợp để đánh giá mức độ bị ảnh hưởng nhằm quyết định mức giảm tốt nhất và theo tỷ lệ hỗ trợ phù hợp nhất đối với từng đối tác.

Chính sách này của doanh nghiệp không chỉ giúp đối tác giảm bớt gánh nặng chi phí, mà còn có thể tập trung nguồn lực để đảm bảo duy trì kinh doanh trong giai đoạn rất thách thức này.

Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long cho biết đang thực hiện một số chính sách hỗ trợ khách hàng như miễn phí phí quản lý 2 năm kể từ thời điểm thông báo bàn giao nhà; áp dụng chính sách chiết khấu đặc biệt 1% trực tiếp trên giá trị hợp đồng cho các căn hộ diện tích 80m2 trở lên.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long cho biết, các khách hàng đã mua các sản phẩm của tập đoàn cũng được giãn, gia hạn thời gian trả nợ.

Nam Long cũng tích cực làm việc với các ngân hàng lớn để mang đến những gói vay lãi suất cố định trong nhiều năm hoặc ân hạn nợ gốc để hỗ trợ thêm cho tài chính của khách hàng.

Để đồng hành và chia sẻ các khó khăn với các doanh nghiệp, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) đã có các gói chính sách hỗ trợ khác nhau cho các khách hàng bị ảnh hưởng nặng hoặc bị đóng cửa do dịch COVID-19 như gói miễn 100% tiền thuê mặt bằng, miễn phí đường truyền internet từ 1 - 2 tháng cho từng đối tượng.

Trước tình thế khó khăn, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh cho biết, nhiều doanh nghiệp đã rà soát điều chỉnh ngân sách hoạt động, cắt giảm một số hoạt động, dự án chưa cần thiết để tăng cường vốn cho sản xuất kinh doanh, đồng thời kêu gọi toàn thể cán bộ, nhân viên đưa ra sáng kiến và các giải pháp tiết kiệm chi phí. Doanh nghiệp phải sử dụng vốn tự có để duy trì, tìm huy động nguồn vốn mới từ người thân.

Doanh nghiệp cũng làm việc với ngân hàng về việc giảm lãi suất cho vay nhằm giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp…

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm thêm nhà cung cấp mới từ nội địa, xin gia hạn thời gian giao hàng cho khách, chấp nhận mua hàng với giá cao hơn hoặc hàng thay thế tương đương. Một số doanh nghiệp sản xuất cầm chừng để duy trì hoạt động và việc làm cho người lao động.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) đã chuyển sang hỗ trợ trực tuyến cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC cho biết, mặc dù thay đổi hình thức tổ chức nhưng nội dung hỗ trợ doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, giới thiệu đối tác và tìm kiếm thị trường không có gì thay đổi.

Theo đó, các nhân viên ITPC vẫn liên tục cập nhật thông tin sản phẩm, thị trường, ngành hàng thông qua cổng thông tin thương mại của thành phố và các tài khoản mạng xã hội chính thức của đơn vị.

Bên cạnh đó, ITPC cũng kết nối với tham tán thương mại Việt Nam tại các nước và các tổ chức xúc tiến thương mại đầu tư nước ngoài đóng trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh để hỗ trợ doanh nghiệp nắm chắc thông tin về nhu cầu của từng thị trường, từ đó có kế hoạch sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Để vượt qua thách thức hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến việc đẩy chuyển đổi số hóa rất nhiều và tạo nên làn sóng lan tỏa trên thị trường.

Điển hình doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực như bán lẻ, dịch vụ... đã chuyển từ kênh kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử.

Là một trong những doanh nghiệp triển khai số hoá từ rất sớm, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long cho biết, xu hướng số hóa là một xu hướng phát triển tất yếu của thế giới. Từ năm 2008, công ty đã xây dựng những phòng họp "smart" với các thiết bị kết nối và làm việc online.

Công ty có khoảng 50% cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị hay đối tác chiến lược cũng ở nước ngoài rất nhiều nên việc làm hay họp online cũng đã khá quen thuộc. Riêng việc xây dựng hệ thống bán hàng online cũng đã được Nam Long triển khai cách đây 3 năm.

Chia sẻ một trong nội dung thực hiện tái cấu trúc quản lý của công ty, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hoà Bình cho biết, việc tái cấu trúc hệ thống quản lý nhằm cho phép đại đa số thành viên có thể làm việc trên internet không nhất thiết phải tập trung tại trụ sở.

Mặt khác, áp dụng tối đa các hệ thống internet hiện có phục cho việc họp trực tuyến; áp dụng chữ ký số để thông qua các bước xử lý công việc theo quy trình kể cả phê duyệt các hồ sơ thanh toán mà không cần phải in ấn.

“Cách làm việc này sẽ tiếp tục duy trì lâu dài như là một trong những biện pháp nâng cao trình độ quản lý, cải thiện chất lượng và năng suất lao động, tăng cường tính kỷ luật và hiệu quả tương tác giữa các cá nhân, đơn vị trên diện rộng”, ông Lê Viết Hải nhấn mạnh.

Trong hoạt động xúc tiến thương mại – đầu tư hiện nay, ông Nguyễn Tuấn cho biết, ITPC đã đẩy mạnh việc giới thiệu, kết nối cung cầu qua kênh trực tuyến, online để doanh nghiệp trao đổi thông tin và thiết lập quan hệ hợp tác với nhau.

Trong 3 tháng qua, thành viên nhóm “ITPC - Kết nối doanh nghiệp” đã thông tin cho nhau hàng trăm nhu cầu tìm nguyên liệu sản xuất, nguồn hàng xuất khẩu, nguồn hàng cung ứng trong nước, dịch vụ logistics, cho đến những thông tin mới cập nhật về quy định xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh của Việt Nam và các nước trong hoàn cảnh dịch COVID-19 ở nhiều nước. Từ những thông tin đó, nhiều doanh nghiệp đã có cơ hội trở thành đối tác của nhau.

Theo nghiên cứu vừa được công bố cuối tháng 3/2020 của Navigos Group Việt Nam, nhu tăng nhân sự tại các công ty công nghệ hiện nay đang gia tăng; trong đó 3 lĩnh vực đang thiếu hụt nhân sự là phát triển website toàn diện chiếm 49% nhu cầu tuyển dụng, Java & Java script chiếm 27% và kiến trúc hạ tầng chiếm 22%.

Theo Navigos Group Việt Nam, nhu cầu sử dụng công nghệ cao đã được nhiều lĩnh vực và doanh nghiệp ghi nhận, phát triển kế hoạch ứng dụng, tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới cho thị trường lao động mảng công nghệ thông tin.

Nhận thức được xu hướng tất yếu phải số hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp không ít rào cản, khó khăn nhất định.

Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long, rào cản khá lớn đến từ thói quen của người mua nhà Việt Nam là luôn muốn xem nhà thật và cần nhân viên tư vấn trực tiếp vì giá trị tài sản lớn nên phải "tai nghe, mắt thấy, tay sờ".

Ở khía cạnh khác, bà Tiêu Yến Trinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần kết nối nhân tài (Talentnet) lưu ý, chuyển đổi số là xu hướng quản trị đối ứng của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 nhưng vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp vẫn là giải pháp quản lý rủi ro về chi phí hoạt động trong và hậu mùa dịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục