Doanh nghiệp và FTA - Bài 2: Cơ hội phụ thuộc vào từng doanh nghiệp

07:16' - 17/06/2019
BNEWS Nhìn nhận cơ hội mà Việt Nam có được khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), các chuyên gia nhận định, chúng ta có nhiều cơ hội đối với các ngành, lĩnh vực kinh tế.
FTA sẽ mang tới cho doanh nghiệp thép nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu. Ảnh minh họa: TTXVN

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là tận dụng thế nào thì lại phụ thuộc vào từng doanh nghiệp. Những chia sẻ dưới đây của một số nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp ngành hàng sẽ làm rõ hơn vấn đề này.

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam: Tạo sân chơi cạnh tranh lành mạnh

Tác động của các FTA tới các ngành kinh tế nói chung và ngành thép nói riêng luôn có hai chiều. Về mặt tích cực, các FTA sẽ đem đến cho doanh nghiệp nhiều cơ hội mở rộng thị trường để xuất khẩu.

     

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đặt ra rất nhiều thách thức đối với doanh nghiệp; trong đó, đối với ngành thép phải kể đến xu hướng nhập khẩu thép ngoại vào Việt Nam sẽ tăng cao, đặc biệt là thép từ Trung Quốc. Ngoài việc thu ngân sách từ thuế nhập khẩu bị giảm, nguy cơ nhập khẩu tăng lên, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải chịu sự cạnh tranh cao hơn.

Tham gia nhiều FTA cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đối mặt với các rào cản kỹ thuật; các biện pháp phòng vệ liên quan đến chống bán phá giá, chống trợ cấp, xuất xứ hàng hóa một cách rõ nét hơn so với những năm trước đây.

Vì thế, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ quy định, lộ trình cắt giảm thuế quan, luật lệ của các nước để ứng phó phù hợp. Điều này vừa để xuất khẩu được vào các nước vừa tránh được những vụ kiện gây phiền phức, tốn kém. Đồng thời, doanh nghiệp hoàn thiện hơn nữa chuỗi sản xuất của chính mình để nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm từ chất lượng, giá cả, đảm bảo thời gian, dịch vụ cung ứng...

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần có giải pháp trong việc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng nhập khẩu mượn xuất xứ Việt Nam hay gian lận thương mại từ các nước vào Việt Nam để tạo sân chơi cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp trong nước.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES): Nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng

Động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành gỗ đến từ các FTA, đó là: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Dẫn chứng cụ thể là việc tham gia CPTPP mang lại cơ hội lớn cho ngành gỗ của Việt Nam nhờ những lợi thế cắt giảm thuế quan. Theo đó, một số đối tác chưa có hiệp định thương mại với Việt Nam xóa bỏ đa số các dòng thuế đối với các mặt hàng đồ gỗ nội thất, văn phòng, nhà bếp khi CPTPP có hiệu lực.

Hay, Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và EU (VPA/FLEGT) mới có hiệu lực sẽ là cơ hội lớn để các sản phẩm gỗ từ Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU.  Hiệp định VPA/FLEGT sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam trên cả 3 lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường. Nổi bật là mở rộng thị trường xuất khẩu, cải thiện thể chế về quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép, góp phần phát triển bền vững ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam.

Mặc dù có nhiều tiềm năng khi tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới, ngành gỗ Việt Nam vẫn phải đối mặt với các vấn đề như cần vốn lớn để đầu tư máy móc, cải tiến năng lực sản xuất để có thể đáp ứng được các đơn hàng. Bên cạnh đó, tăng trưởng của ngành gỗ vẫn chủ yếu dựa vào nguồn lao động dồi dào và lượng nguyên liệu để cạnh tranh, trong khi các nước phát triển đầu tư vào thiết kế, nhãn hiệu, công nghệ tự động hóa, nhà xưởng hiện đại. Việt Nam có nhiều làng nghề, nhưng xu hướng là sản xuất hàng giá rẻ và chất lượng không ổn định, trong khi các doanh nghiệp sản xuất lớn lại tập trung vào sản xuất hàng gia công xuất khẩu.

Do đó, các doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư, áp dụng tự động hóa trong sản xuất, áp dụng công nghệ quản lý mới, nâng cao chất lượng, tay nghề công nhân để giảm giá thành, tăng năng suất lao động. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác, tạo lập và hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất nguyên liệu đến xuất khẩu nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng trong sản xuất kinh doanh.

Dự báo xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam vẫn tiếp tục được mở rộng. Tuy nhiên, để tránh việc mở rộng bằng sự gia tăng nguồn nguyên liệu và lao động phổ thông, ngành cần có các mô hình phát triển mới, tập trung vào giá trị được tạo ra trong khâu thiết kế, thương mại, tay nghề cao và công nghệ. Phát triển các mô hình này đòi hỏi nỗ lực không chỉ từ bản thân doanh nghiệp mà cả các cơ quan quản lý, từ cấp Trung ương và địa phương.

Ông Trần Văn Phẩm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng: Cải thiện vị thế ngành hàng

Khi các FTA với châu Âu có hiệu lực, ngành tôm Việt Nam sẽ có lợi thế hơn tôm Ấn Độ và Thái Lan khi xuất khẩu vào thị trường này. Đây là thị trường lâu đời của ngành thủy sản Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam hiểu rất rõ những yêu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, ngành tôm vẫn còn những "nút thắt" phải tháo gỡ lâu dài. Bởi, việc giảm thuế, phí khi hàng hóa Việt Nam thâm nhập châu  u chỉ là sự hỗ trợ rất nhỏ. Vấn đề là doanh nghiệp, nông dân và cơ quan chức năng cần làm là có chính sách hỗ trợ để nâng tỉ lệ hạn điền cho nông dân sản xuất, doanh nghiệp đầu tư. Doanh nghiệp muốn áp dụng cơ giới, kỹ thuật vào sản xuất thì cần diện tích sản xuất lớn. Trong khi đó, diện tích sản xuất của 70% nông dân hiện nay vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, gây khó khăn cho việc giảm giá thành sản phẩm.

Nhiều hộ dân áp dụng kỹ thuật, giảm giá sản xuất tôm nhưng số lượng không nhiều. Ảnh minh họa: TTXVN

Tại Sóc Trăng cũng đã có nhiều hộ nông dân áp dụng kỹ thuật, giảm giá thành sản xuất tôm, nhưng số lượng không nhiều so với tỉ lệ chung của cả nước, chưa đủ sức để vực giá cho ngành tôm nói chung.

Do đó, song song với các hiệp định thương mại tự do được kí kết, nông dân và doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vẫn cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ để sản phẩm tôm Việt giảm giá thành sản xuất, nâng cao thế cạnh tranh với tôm Ấn Độ và Thái Lan, Ecuadore trên thị trường thế giới và ngay trên sân nhà.

Tại Việt Nam, hiện có rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài làm khâu trung gian cho ngành tôm Việt Nam, đưa sản phẩm tôm Việt đi các quốc gia khác. Nếu giá thành sản xuất ra 1 kg tôm cao, khó có thể cạnh tranh thì chắc chắn các doanh nghiệp sẽ lựa chọn con đường tạm nhập tái xuất tôm của Ấn Độ, Thái Lan, thay vì lựa chọn sản phẩm tôm của nông dân và doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, giải pháp giảm giá thành sản phẩm sẽ là cơ hội để ngành tôm Việt Nam bứt phá.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương): Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội

Quá trình tham gia các FTA đã cho thấy, cùng với tiến trình phát triển của nền kinh tế, khả năng tận dụng ưu đãi của các FTA đã có bước cải thiện đáng kể, thể hiện rõ rệt nhất ở các FTA Việt Nam chủ động thúc đẩy đàm phán và thực thi. Chẳng hạn với Nhật Bản, từ việc Việt Nam nhập siêu khoảng 500 triệu USD năm 2009, nhưng sau khi FTA song phương giữa Việt Nam – Nhật Bản được đưa vào thực thi, Việt Nam đã chuyển sang xuất siêu. Quan trọng hơn là làn sóng đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào Việt Nam có xu hướng gia tăng đáng kể.

Tương tự, Việt Nam xuất siêu sang các nước Liên minh kinh tế Á –  Âu đã tăng từ 500 triệu USD lên 900 triệu USD trong năm đầu tiên thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu ... Hơn nữa, các FTA đã giúp Việt Nam tăng đáng kể năng lực cạnh tranh. Thông qua việc mở cửa, chấp nhận cạnh tranh với bên ngoài, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước chuyển dịch tích cực, hỗ trợ cho tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng của đất nước.

Để đồng hành cùng doanh nghiệp và giúp các doanh nghiệp tận dụng lợi thế của các FTA, các bộ, ngành cần có những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ thị trường bên ngoài; ứng phó với các hàng rào kỹ thuật khi thuế quan được hạ thấp theo các cam kết trong các FTA.

Tiếp theo, các doanh nghiệp cũng cần vươn lên để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu nghiêm ngặt của các nước nhập khẩu trong khu vực FTA về các biện pháp kỹ thuật hay kiểm dịch cũng như các biện pháp quản lý nhập khẩu khác. Các doanh nghiệp cũng tìm hiểu các quy định về các tiêu chuẩn, quy chuẩn và biện pháp quản lý nhập khẩu của các nước mà doanh nghiệp muốn xuất khẩu để tránh các rủi ro.

Các cơ quan quản lý cũng cần đồng hành để tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư tại các thị trường mà Việt Nam đã triển khai thực thi FTA. Ngoài ra, các hoạt động xúc tiến cần mang tính tập trung, tránh dàn trải, chú trọng vào các lĩnh vực, ngành hàng có thế mạnh xuất khẩu hoặc có tiềm năng xuất khẩu sang những thị trường này.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ kỹ năng đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán ngoại thương, marketing, truy xuất thông tin về mặt hàng, quản lý chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế cũng cần được các bộ, ngành liên quan phối hợp, hỗ trợ đào tạo cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ./.

>>> Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng của các doanh nghiệp Italy

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục