Doanh nghiệp Việt còn hạn chế trong tham gia chuỗi cung ứng

18:29' - 24/12/2017
BNEWS Doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tham gia được nhiều vào chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), nguồn vốn đầu tư nước ngoài đến nay đã đạt hơn 160 tỷ USD, đóng góp khoảng 22-25% vốn đầu tư toàn xã hội và khoảng 55% giá trị sản lượng công nghiệp, 70% kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 3,7 triệu lao động và nhiều triệu lao động gián tiếp...

Tuy nhiên, tác động lan tỏa của khu vực FDI, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa được như kỳ vọng. Doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Doanh nghiệp Việt còn hạn chế trong tham gia chuỗi cung ứng. Ảnh minh họa: TTXVN

GS. TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) cho rằng, mặc dù nguồn vốn FDI đã làm thay đổi tích cực nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội… nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tham gia được nhiều vào chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư nước ngoài.

Đơn cử như Samsung Việt Nam, mỗi sản phẩm điện tử của doanh nghiệp này có tới hàng trăm linh kiện, nhưng hiện mới chỉ có 29 doanh nghiệp trên tổng số hơn 600.000 doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung cấp trực tiếp cho Samsung.

Theo GS. TS. Nguyễn Mại, doanh thu của Samsung năm nay khoảng 60 tỷ USD trong đó kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 50 tỷ USD. Giá trị gia tăng của Samsung hiện nay khoảng 15 tỷ USD và 87 nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ lại đến từ Hàn Quốc và Việt Nam chỉ thu được thuế, tăng nguồn lao động, bảo hiểm. Nếu Việt Nam có công nghiệp hỗ trợ, phần hưởng lợi của 87 nhà sản xuất Hàn Quốc sẽ được chia sẻ cho doanh nghiệp Việt Nam, đây là phần rất quan trọng.

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Linh, Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công thương (Bộ Công Thương), qua khảo sát 194 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chuyên sản xuất linh kiện kim loại, linh kiện điện, điện tử và linh kiện nhựa, cao su vào đầu năm 2017, số lượng doanh nghiệp nội địa cung ứng cho các công ty đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam còn rất hạn chế, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp quan trọng như sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử, máy công nghiệp...

Còn theo TS. Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thấp, chỉ đạt 21% trong khi doanh nghiệp Thái Lan là 30%, Malaysia là 46%.

“Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không thay đổi được cách thức quản trị và đáp ứng các yêu cầu cao của nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất khó có được sự liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng như khó có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia”, TS. Lương Văn Khôi nói.

Cũng theo TS. Lương Văn Khôi, nếu Việt Nam có được một chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ tốt, cần phải thiết kế theo một chuỗi giá trị, theo hình thức mỗi ngành hay mỗi sản phẩm, có chính sách thu hút để doanh nghiệp có thể tham gia vào chuỗi theo từng công đoạn của chuỗi đó thì mức độ đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam sẽ mạnh hơn, sẽ tác động trực tiếp tới các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, như thế tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI so với doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ giảm…

Để cải thiện môi trường đầu tư để thu hút FDI, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, để tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, qua đó phát triển công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cần lựa chọn cho được các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng nằm trong các chuỗi mà doanh nghiệp có thể tham gia.

Đồng thời, phải làm tốt 3 yếu tố, đó là sản xuất được nguồn nguyên liệu đầu vào có chất lượng; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và phải có các cụm công nghiệp hỗ trợ, các khu phức hợp về công nghệ hỗ trợ.

Theo các chuyên gia, để chủ động tiếp cận với doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp cần đầu tư đổi mới công nghệ và nguồn nhân lực, tham gia vào các khâu trong chuỗi cung ứng phù hợp với trình độ phát triển…

Tuy nhiên, để các doanh nghiệp FDI chủ động trong kết nối, hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam… thì quan trọng nhất vẫn phải có những chính sách phù hợp và cụ thể. Đó là những chính sách kết nối bằng các ưu đãi thích ứng, khuyến khích việc nhân rộng các mô hình thành công.

Ngoài ra, cùng với xây dựng chiến lược thu hút đầu tư FDI trong giai đoạn tới đây gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam phải phải xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ, đây sẽ là cơ sở pháp lý, định hướng cụ thể hơn cho phát triển công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục