Doanh nghiệp Việt Nam: Một năm nhìn lại để tiến bước

16:52' - 01/01/2020
BNEWS Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển và xứng đáng được ghi nhận cả về chất và lượng trong năm 2019.
Công nhân lắp ráp xe tại nhà máy VinFast ở Hải Phòng. Ảnh: Bloomberg

Với gần 800 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động cùng khoảng 1,6 triệu hộ kinh doanh đã có đăng ký và dự kiến sẽ nâng cấp để trở thành doanh nghiệp trong nay mai, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển và xứng đáng được ghi nhận cả về chất và lượng trong năm 2019.
Những  thành quả này có được là nhờ những nỗ lực của Chính phủ cùng các bộ, ngành trong việc hiện thực hóa chủ trương “Chính phủ kiến tạo và đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Kết quả này cũng nhờ các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đổi mới mô hình, giúp cộng đồng doanh nghiệp tiếp thêm động lực mở rộng sản xuất kinh doanh, phát huy lợi thế cạnh tranh và nhanh chóng hội nhập sâu, rộng hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa. 
Nhận định về những dấu mốc trong năm 2019, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, năm 2019 là một năm thành công đối với Việt Nam bởi không chỉ nổi tiếng thế giới về xuất khẩu với những mặt hàng nông, thủy sản truyền thống mà gần đây tiếp tục có thêm những sản phẩm hàng hóa giá trị cao, xứng tầm để “đem chuông đi đánh xứ người” như điện thoại thông minh, xe ô tô...
Theo ông Lộc, Việt Nam được biết tới nhiều hơn trên “bản đồ” công nghệ thế giới về những sản phẩm trí tuệ nhân tạo mang tính đột phá hay phát triển các nền tảng công nghệ để tích hợp và kết nối trong giao dịch thương mại điện tử…

Những thành quả ấy chính là sự cống hiến của khu vực kinh tế tư nhân - hạt nhân năng động của nền kinh tế Việt Nam.  
Tuy nhiên, ở góc nhìn khác nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng, sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân hiện nay còn chưa đồng đều và toàn diện.

Bởi lẽ, nếu xét về số lượng doanh nghiệp trên đầu người dân, Việt Nam không thua kém so với các nền kinh tế thị trường khác trong khu vực.

Song, về chất lượng, doanh nghiệp Việt Nam chưa đạt chuẩn mực trung bình trong tương quan so sánh với doanh nghiệp thuộc các nước ASEAN.
Việt Nam đang có những doanh nhân hàng đầu, cạnh tranh ngang ngửa với thế giới, nhưng số lượng còn quá ít.

Việt Nam mới có những doanh nhân có sức cạnh tranh cao, nhưng chưa có được cả một thế hệ doanh nghiệp, doanh nhân hùng mạnh.
Kết quả xếp hạng trung bình doanh nghiệp theo thẻ điểm quản trị của ASEAN với các doanh nghiệp niêm yết - bộ phận minh bạch nhất trong nền kinh tế thì doanh nghiệp Việt Nam chỉ xếp thứ 6 trong số 6 nền kinh tế ASEAN.

Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới, năng lực doanh nghiệp Việt Nam cũng chỉ được xếp ở hạng trung bình và năng suất lao động của Việt Nam cũng chưa thực sự cao so với các nước trong khu vực.
Đây là vấn đề đáng lưu tâm và cần có những “tác động” phù hợp bằng chính sách, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia Kinh tế, Trưởng Ban Chương trình quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định.
Theo ông Cường, Việt Nam nên có những chính sách mang tính động lực và đa chiều để không chỉ tạo điều kiện cho các tập đoàn hay doanh nghiệp tư nhân lớn đạt được sự bứt tốc hay đột phá, mà còn giúp ích được cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các hộ kinh doanh gia đình duy trì được sự phát triển rộng khắp và công bằng.  
Liên tục trong nhiều năm, Chính phủ triển khai khá hiệu quả các Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; cũng như Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tới năm 2020.
Qua nhiều báo cáo của VCCI tập hợp ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, các chủ trương, chính sách mới về xây dựng Chính phủ điện tử và phát triển nền kinh tế số, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đã được triển khai và bước đầu mang lại hiệu quả; chương trình cắt giảm và đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành cũng đã được tiến hành và thu được những tín hiệu tích cực.
Các nỗ lực kết nối, thuận lợi hóa thương mại qua cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN cũng được đẩy nhanh nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp…

Cùng với đó, các hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư, mở mang thị trường cho hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam “bước chân ra” hội nhập với thế giới. 
Nhìn rộng ra và nhìn xa hơn về chặng đường phát triển sắp tới của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Lộc bình luận: “Sẽ còn nhiều gian nan đang chờ phía trước.

Vấn đề cơ cấu của nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để; chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch; cuộc chiến thương mại giữa các cường quốc có nguy cơ lan rộng và tăng trưởng của nền kinh tế thế giới có xu hướng chậm lại…

Một nền kinh tế có độ mở cao và dựa nhiều vào xuất khẩu, đầu tư nước ngoài như Việt Nam thì đương nhiên, sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách lớn”.
Tuy nhiên, thử thách là để cộng đồng doanh nghiệp có thêm nghị lực phấn đấu và quyết tâm, cố gắng vượt qua, ông Lộc nhấn mạnh: “Đổi mới sáng tạo, kinh doanh có trách nhiệm và phát triển bền vững sẽ là hệ giá trị mới cho công cuộc tái cấu trúc và phát triển mà các doanh nghiệp quyết hướng theo”.
Bày tỏ kỳ vọng, ông Lộc đề xuất với Chính phủ, cần kiên định con đường đổi mới, tiếp tục xây dựng một thể chế kinh tế minh bạch và công bằng, một đội ngũ cán bộ, công chức tận tâm, phòng chống tham nhũng có hiệu quả, chú trọng thúc đẩy phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, coi trọng phát triển doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ để tạo thế sâu rễ, bền gốc cho nền kinh tế Việt Nam.
Giải thưởng Sao đỏ 2019 vừa diễn ra gần đây chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân.

Tự hào về những thành quả đạt được, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, giải thưởng Sao Đỏ đã trở thành biểu tượng thành đạt và là niềm tự hào của doanh nhân trẻ Việt Nam.

Trong số 98 gương mặt doanh nhân tiêu biểu năm 2019 đã lựa chọn được 10 doanh nhân trẻ xuất sắc nhất để trao giải.
10 doanh nghiệp nhận giải thưởng Sao Đỏ đã tạo ra doanh thu 53.000 tỷ đồng trong năm 2018, đạt lợi nhuận 3.559 tỷ đồng, nộp ngân sách 2.407 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 33.900 lao động.

Họ là những tấm gương tiêu biểu của thế hệ doanh nhân trẻ, năng động, sáng tạo và đầy nhiệt huyết, những hình mẫu doanh nhân trẻ trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Điều này minh chứng chính sách phát triển kinh tế tư nhân để trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế mà Đảng và Nhà nước đang tiến hành đã phát huy hiệu quả, ông Hồng Anh, nhấn mạnh.

Muốn có thêm nhiều những Sao Đỏ như thế, chắc chắn phải cần thêm những “bệ đỡ”, những cơ chế mang tính tạo đà để các doanh nghiệp không chỉ chạy đua với nhau mà còn tiếp sức, cùng nhau chạy đua với bạn bè năm châu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục