Doanh nghiệp Việt Nam: Vững tâm vượt sóng dữ!

09:41' - 27/12/2020
BNEWS Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận là quốc gia “hiếm hoi” khi đã thực hiện tốt mục tiêu kép là vừa kiểm soát hiệu quả sự bùng phát của dịch bệnh; vừa duy trì được nhịp tăng trưởng. 

Gần một năm kể từ ngày phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 1/2020, kinh tế trong nước đã có rất nhiều thay đổi và biến động. Cũng như hầu hết các quốc gia khác trên toàn cầu, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; làm ngưng trệ giao thương, đứt gãy hầu hết các chuỗi cung ứng và các liên kết thị trường…
Quan trọng hơn là cùng với những xung đột như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; sự lấn sân của chủ nghĩa bảo hộ tại nhiều quốc gia đã làm thay đổi cục diện thương mại toàn cầu và kéo theo xu hướng dịch chuyển các dòng vốn đầu tư của nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia trên hành trình tìm kiếm điểm đến an toàn, hướng tới sự phát triển bền vững.
Trong 1 năm đầy thách thức và nhiều chướng ngại đến vậy, nhưng Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận là quốc gia “hiếm hoi” khi đã thực hiện tốt mục tiêu kép là vừa kiểm soát hiệu quả sự bùng phát của dịch bệnh; vừa duy trì được nhịp tăng trưởng.
Theo Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2020: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng vẫn tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2019, ước tính đạt 489,1 tỷ đô la Mỹ (USD). Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2020 đạt 26,4 tỷ USD, chỉ giảm 16,9% so với cùng kỳ năm 2019. Tốc độ tăng trưởng cả năm 2020 có thể sẽ đạt từ 2,5-3% như dự đoán của nhiều tổ chức quốc tế khi đánh giá về triển vọng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Nhìn lại trước đó vài tháng, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 9 là 10.304 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 203.259 tỷ đồng, giảm 12,6% về số doanh nghiệp và tăng 45% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019; đồng thời, giảm 23,1% về số doanh nghiệp và giảm 29,6% về vốn đăng ký so với tháng 8/2020.

Bước sang tháng 10, tháng 11, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng vọt. Riêng tháng 11 số doanh nghiệp thành lập mới tăng 13.092 doanh nghiệp với  284.722 tỷ đồng vốn đăng ký, tăng 6,7% về số doanh nghiệp và tăng 103,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019. Điều này minh chứng cho sự lạc quan của doanh nghiệp Việt trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế.
Tuy nhiên, điều ấy không chứng minh được thể trạng ổn định và chất lượng của số đông doanh nghiệp. Với tỷ lệ hơn 95% tổng số doanh nghiệp Việt Nam hiện đang ở quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ thì qua cơn bão của đại dịch COVID-19, trung bình mỗi tháng có khoảng 8.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Lại thêm gánh nặng thiên tai bão lũ trong năm nên tính riêng đến tháng 11/2020, cả nước đã có gần 93.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.

Bình luận về những nỗ lực của các doanh nghiệp để từng bước duy trì và vực dậy nền kinh tế, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận  định, nhờ sự cố gắng vượt bậc của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh khó khăn chưa từng có như hiện nay đã đem lại những thành công đáng kể và xứng đáng được ghi nhận trong tăng trưởng kinh tế.
Nhiều doanh nghiệp đã chủ động lên kịch bản để ứng phó với khó khăn và rất nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu, thay đổi sản phẩm để tồn tại. Các doanh nghiệp đều cố gắng có đơn hàng dù là nhỏ để bảo đảm cho người lao động có việc làm, thu nhập.
Các doanh nghiệp đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó với dịch COVID-19 như cấp đồ bảo hộ phòng dịch, áp dụng các cách thức sản xuất kinh doanh mới/linh hoạt hơn, dự trữ hàng hóa, nguyên vật liệu, tìm giải pháp chuỗi cung ứng mới hay đào tạo kỹ năng số cho người lao động…
Ngay trong những lúc đang gặp khó khăn, các doanh nghiệp đã chung tay và đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 bằng việc đóng góp, ủng hộ các thiết bị y tế, đồ bảo hộ cho ngành y… Nhiều doanh nghiệp còn cung cấp và hỗ trợ thiết thực cho người dân ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như lắp đặt cây ATM gạo, phân phát các suất ăn miễn phí… cho người dân gặp khó khăn bởi đại dịch.   
Là người có nhiều thiện cảm và sự ưu ái dành cho Việt Nam, ông Hong Sun, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho hay, hiện nay tại châu Âu và Mỹ, dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra khá phức tạp nhưng Việt Nam tiếp tục kiểm soát thành công đại dịch này.

Điều đó góp phần giúp Việt Nam bắt đầu công cuộc khôi phục và tái thiết nền kinh tế sớm hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Đó chính là một lợi thế mà hơn lúc nào hết, Chính phủ Việt Nam cùng cộng đồng doanh nghiệp phải "bằng mọi cách" tận dụng và khai thác triệt để.
Lại cộng thêm ở thời điểm này, nhiều Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam ký kết với các quốc gia và vùng lãnh thổ đã bắt đầu được thực thi và từng bước phát huy hiệu quả; trong đó phải kể đến Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...
Do đó, “hơn bao giờ hết, đây là lúc Chính phủ đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục hậu quả, hồi phục trạng thái bình thường mới” bất kể đó là các doanh nghiệp trong hay ngoài nước, dù ở bất kỳ quy mô hay ngành nghề kinh tế nào đều hứng chịu những tác động do dịch COVID-19 gây ra, ông Hong Sun đề nghị.

Cũng là người đại diện tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Hong Sun cho hay, lúc này, cuộc chạy đua và cạnh tranh giữa các quốc gia trong khu vực đang diễn ra khá quyết liệt để mời gọi và thu hút các nhà đầu tư ngoại, như Ấn Độ hay Indonesia... là những ví dụ. Họ cũng cam kết rất nhiều ưu đãi về thuế, tài nguyên, giá nhân công lao động.... với kỳ vọng đón đầu được các dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ Trung Quốc của các nhà "tư bản".
Vì lẽ đó, các nhà đầu tư kể cả nhà đầu tư Hàn Quốc cũng cần xem xét nhiều cơ hội trước khi ra quyết định. Bên cạnh những lợi thế sự tương đồng về văn hóa, truyền thống cũng như sự thuận lợi logistics hay việc kết nối nhanh chóng của các hãng hàng không, Việt Nam và Hàn Quốc đang có nhiều ưu thế để cùng bắt tay, hợp tác thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trên hành trình tái thiết và phục hồi nền kinh tế trong nước.
Ông Hong Sung đề nghị, Chính phủ Việt Nam có những chính sách đột phá để hỗ trợ tối đa sự trở lại thị trường của nhiều doanh nghiệp. Đó là hỗ trợ về thuế, cơ sở hạ tầng; trong đó đặc biệt lưu tâm phát triển ngành điện với chất lượng, ổn định... Chính phủ cũng đảm bảo quyền lợi công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài; đồng thời có thêm nhiều chính sách mang tính động lực, thúc đẩy hơn nữa sự tham gia đầu tư của khu vực doanh nghiệp tư nhân...
Đại diện Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), Tổng Giám đốc Vũ Đăng Vinh cho biết, Vietnam Report đã có nhiều nghiên cứu khảo sát, đánh giá tình trạng chung của cộng đồng doanh nghiệp trước những thách thức khốc liệt của đại dịch COVID-19; đặc biệt là đối với một số ngành, lĩnh vực chịu tác động trực tiếp như du lịch, hàng không, giao thông vận tải...
Theo đó, mặc dù sự tăng trưởng mạnh mẽ của những ngành này đã bị dừng lại trước bối cảnh COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, nhưng chính đại dịch lại càng làm nổi bật những nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp trong ngành – để tồn tại và vươn lên sẵn sàng cho một thời kỳ bình thường mới.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report được thực hiện gần đây đã ghi nhận 60% doanh nghiệp được hỏi cho biết, sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, doanh nghiệp sẽ cần từ 13 đến 18 tháng để phục hồi và cũng có đến 20% doanh nghiệp chỉ cần từ 7 đến 12 tháng để có thể phục hồi tình hình kinh doanh như trước.
Quyết tâm ấy có thể chứng minh, sức chống chịu và khả năng thích ứng của số đông doanh nghiệp hiện nay là rất xứng đáng để lạc quan và tin tưởng; nhất là khi ngay trong bối cảnh này, rất nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực thay đổi mô hình và tái cơ cấu hoạt động cho phù hợp thực tiễn, cắt giảm nhân sự cùng các chi phí không cần thiết, tích cực chuyển đổi số và tăng cường đào tạo để nâng chất của người lao động.
Cho dù hành trình tới đích không dễ dàng, suôn sẻ và thuận lợi, nhưng với sự chủ động và tinh thần vượt khó của doanh nghiệp; cùng sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trên cả nước, con đường phía trước và sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế Việt Nam nói chung chắc chắn sẽ có nhiều triển vọng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục