Doanh nghiệp Việt quan tâm đến đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị

15:41' - 26/01/2021
BNEWS Hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng hóa vào các hệ thống siêu thị là một kênh hiệu quả để khai thác thị trường tiêu thụ nội địa và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng Việt trước các sản phẩm nhập khẩu.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị Kết nối đưa hàng vào hóa Việt Nam vào hệ thống siêu thị Satra năm 2021 do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức, ngày 26/1.

Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc ITPC cho biết, năm 2020 trở thành năm bước ngoặt cho doanh nghiệp Việt khi Việt Nam được hưởng lợi gia tăng xuất khẩu từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mang lại, song cũng đối mặt với nhiều thách thức khi hàng hóa các nước nhập khẩu vào thị trường nội địa nhiều hơn.

Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp Việt đã chú trọng hơn đến thị trường nội địa với mong muốn nắm giữ thị phần trong nước vốn đang ngày càng cạnh tranh gay gắt.

Bên cạnh phát huy hiệu quả của các kênh phân phối truyền thống các doanh nghiệp còn mong muốn đưa hàng hóa sản phẩm vào các hệ thống bán lẻ hiện đại đang hoạt động tại Việt Nam nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt, khẳng định uy tín, thương hiệu và tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao như hiện nay.

Theo ông Trần Phú Lữ, việc kết nối thường xuyên giữa doanh nghiệp sản xuất với hệ thống phân phối sẽ giúp cho các doanh nghiệp hiểu hơn về nhu cầu của chuỗi hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi; cung cấp thông tin về tiêu chuẩn kỹ thuật, xu hướng ứng dụng công nghệ mới trong đóng gói, bảo quản sản phẩm thực phẩm chế biến; kết nối để đưa hàng hoá của doanh nghiệp Việt vào hệ thống siêu thị.

Qua đó, sẽ giúp cho doanh nghiệp dễ dàng đưa sản phẩm tiếp cận với lượng khách hàng sẵn có của hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Thanh, Trưởng phòng kinh doanh Trung tâm phân phối Tổng Công ty thương mại Sài Gòn (Satra) thông tin, nhu cầu tìm nhà cung ứng hàng hóa vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm của Satra khá đa dạng, phong phú từ đồ gia dụng, hàng tiêu dùng, hóa mỹ phẩm, thực phẩm – nước uống, nông sản...

Để có thể đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối của Satra, doanh nghiệp phải trải qua quy trình gồm nhiều bước như cung cấp hồ sơ thông tin doanh nghiệp, hàng hóa, xác nhận khả năng hợp tác kinh doanh, thỏa thuận hợp đồng, đưa hàng bày bán thử nghiệm, sau 2-3 tháng bên thu mua sẽ đánh giá lại mức độ phù hợp với thị hiếu và khả năng hợp tác phân phối sản phẩm lâu dài.

Trong đó, hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng của hàng hóa là điều kiện quan trọng nhất quyết định khả năng đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối thành công.

Bà Trần Thị Mỹ Dung, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Mỹ Lệ cho biết, hợp tác xã hiện nay đang có hai sản phẩm là gạo nàng thơm chợ đào và cà phê linh chi muốn đưa vào hệ thống phân phối của siêu thị để được nhiều người tiêu dùng biết hơn.

Theo bà Dung, sau khi trao đổi với đại diện bộ phận thu mua của hệ thống siêu thị Satra, các tiêu chuẩn về công bố chất lượng, an toàn thực phẩm đều khá tương đồng với mặt bằng tiêu chuẩn chung. Lợi thế của hợp tác xã là trực tiếp sản xuất, nhà thu mua có thể đến tận nơi để đánh giá quy trình sản xuất, an toàn thực phẩm và cắt giảm bớt các khâu trung gian.

“Khi sản phẩm được phân phối trong hệ thống siêu thị thì khả năng tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng cao hơn, uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp, sản phẩm sẽ ngày càng được củng cố.

Bên cạnh đó, thông qua mức độ tiêu thụ hệ thống phân phối, doanh nghiệp  cũng có thể định vị lại sức hút của sản phẩm đối với khách hàng để xây dựng kế hoạch phát triển tối ưu nhất.”,  bà Trần Thị Mỹ Dung chia sẻ thêm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục