Doanh số bán lẻ của Mỹ tăng nhẹ trong tháng Năm

09:27' - 19/06/2024
BNEWS Theo số liệu được Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ của nước này hầu như không tăng trong tháng 5/2024.

Theo số liệu được Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ của nước này hầu như không tăng trong tháng 5/2024, trong khi dữ liệu của tháng 4 được điều chỉnh giảm đáng kể, dấu hiệu cho thấy hoạt động của nền kinh tế vẫn chưa có nhiều khởi sắc trong quý II.

Doanh số bán lẻ chưa được điều chỉnh theo lạm phát của Mỹ đã tăng 0,1% trong tháng 5/2024, trong khi số liệu của tháng 4 được điều chỉnh thành giảm 0,2% so với mức không thay đổi được báo cáo trước đó.

Doanh số bán lẻ cốt lõi, không bao gồm ô tô, xăng dầu, vật liệu xây dựng và dịch vụ thực phẩm đã tăng 0,4% trong tháng 5, sau khi được điều chỉnh giảm 0,5% trong tháng 4.

Doanh số bán lẻ cốt lõi tương ứng chặt chẽ với thành phần chi tiêu tiêu dùng trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và việc điều chỉnh giảm doanh số bán lẻ cốt lõi của tháng 4 cho thấy chi tiêu tiêu dùng ở mức vừa phải trong quý II.

Trong số 13 danh mục được Bộ Thương mại Mỹ theo dõi, 5 danh mục cho thấy sự sụt giảm do giá xăng rẻ hơn trong tháng 5 và các cửa hàng đồ nội thất đưa ra chương trình giảm giá cho ngày Memorial Day.

Doanh số bán hàng tại các trạm xăng đã giảm 2,2%, trong khi doanh số bán hàng tại cửa hàng vật liệu xây dựng và thiết bị làm vườn giảm 0,8%. Doanh số bán hàng tại các nhà hàng và quán bar, thành phần dịch vụ duy nhất trong báo cáo, đã giảm 0,4% trong tháng 5, sau khi tăng 0,4% trong tháng 4.

Doanh số bán hàng tại cửa hàng nội thất giảm 1,1%, song doanh thu tại các đại lý xe cơ giới và phụ tùng lại tăng 0,8%. Doanh số bán hàng trực tuyến tăng 0,8%, chỉ phục hồi một phần so với mức giảm 1,8% của tháng 4.

Doanh số bán hàng tại các cửa hàng bán đồ thể thao, giải trí, nhạc cụ và sách tăng 2,8% trong tháng 5/2024. Doanh thu tại các cửa hàng điện tử và thiết bị tăng 0,4%, trong khi doanh thu tại các nhà bán lẻ quần áo tăng 0,9%.

Các số liệu mới được Bộ Thương mại báo cáo nhấn mạnh sự sụt giảm đáng chú ý trong chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ sau những con số mạnh mẽ hơn vào đầu năm. Các nhà kinh tế kỳ vọng tốc độ chi tiêu sẽ tăng vừa phải trong thời gian tới khi người Mỹ thận trọng hơn trong bối cảnh lạm phát dai dẳng, thị trường việc làm dần hạ nhiệt và các dấu hiệu căng thẳng tài chính mới xuất hiện. Chi tiêu tiêu dùng của Mỹ chỉ tăng 2,0% trong quý I/2024, khiến tăng trưởng kinh tế bị kiềm chế ở mức 1,3%.

 

Cùng ngày 18/6, theo báo cáo của Cục Dự trữ liên bang (Fed), sản xuất tại các nhà máy ở Mỹ đã tăng cao hơn dự kiến trong tháng 5/2024, bù đắp cho sự sụt giảm trong 2 tháng trước đó, song đà tăng khó có thể được duy trì trong bối cảnh lãi suất cao và nhu cầu hàng hóa giảm.

Sản lượng sản xuất của Mỹ đã tăng 0,9% trong tháng 5/2024, cao hơn mức dự báo tăng 0,3% các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters đưa ra trước đó. Số liệu của tháng 4 cũng được điều chỉnh giảm 0,4% so với mức giảm 0,3% được báo cáo trước đó.So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng sản xuất của Mỹ đã tăng 0,1% trong tháng 5.

Sản lượng ô tô và phụ tùng đã phục hồi 0,6% trong tháng 5, sau khi giảm 1,9% trong tháng trước đó. Sản xuất hàng hóa lâu bền tăng 0,6%, trong khi sản lượng các sản phẩm gỗ, máy móc, máy tính và điện tử cũng như đồ nội thất và các sản phẩm liên quan đều tăng mạnh. Sản xuất sản xuất hàng không bền cũng tăng 1,1%, song hoạt động in ấn lại giảm 1,5%.

Sản lượng khai thác tăng 0,3%, sau khi giảm hai tháng liên tiếp trước đó. Sản xuất tiện ích tăng 1,6%, sau khi phục hồi 4,1% trong tháng 4. Sản xuất công nghiệp tổng thể tăng 0,9% trong tháng 5, sau khi không thay đổi vào tháng 4.

Sản xuất, chiếm hơn 10% nền kinh tế Mỹ, đã bị cản trở bởi chi phí cho vay cao. Một cuộc khảo sát của Viện Quản lý cung ứng (ISM) được công bố vào đầu tháng 6 cho thấy các doanh nghiệp có xu hướng không sẵn sàng đầu tư do chính sách tiền tệ thắt chặt. Tuần trước, Fed đã giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 5,25-5,50%, trong khi thời điểm bắt đầu cắt giảm lãi suất được dự báo có thể bị đẩy lùi đến cuối năm nay.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục