Doanh số của ba "đại gia" bách hóa châu Á giảm mạnh

18:43' - 22/10/2024
BNEWS 3 công ty điều hành cửa hàng bách hóa Hàn Quốc — Shinsegae, Hyundai và Lotte, còn gọi là "Big Three" — đang mạo hiểm tiến vào thị trường quốc tế để ứng phó với tình trạng doanh số bán hàng giảm.

Theo các quan chức công ty, 3 công ty điều hành cửa hàng bách hóa lớn nhất Hàn Quốc — Shinsegae, Hyundai và Lotte, còn gọi là "Big Three"  — đang mạo hiểm tiến vào thị trường quốc tế để ứng phó với tình trạng doanh số bán hàng trong nước đang giảm.

 

"Big Three" đang trông cậy vào sự phổ biến toàn cầu của các sản phẩm Hàn Quốc, chủ yếu trong ngành thời trang và làm đẹp. Trong khi ngày càng nhiều người tiêu dùng trong nước thắt chặt hầu bao do giá cả tăng cao, danh tiếng của các thương hiệu Hàn Quốc đã mở rộng cơ hội thị trường toàn cầu cho những nhà bán lẻ cao cấp Hàn Quốc.

Shinsegae đang sử dụng nền tảng doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) Hyper Ground để kết nối các công ty Hàn Quốc với thị trường Nhật Bản. Nền tảng này đã bắt đầu ra mắt những cửa hàng hoạt động tạm thời và chỉ trong một thời gian ngắn khi có khả năng thu hút được nhiều khách hàng (pop-up) cho 14 công ty thời trang Hàn Quốc bên trong cửa hàng chính Umeda của Hankyu Department Store tại Osaka ngày 16/10. Các cửa hàng pop-up tiếp sức cho các công ty sẽ diễn ra cho đến tháng 12.

Chiến dịch Umeda diễn ra sau khi Shinsegae ra mắt pop-up Hàn Quốc tại buổi trình diễn thời trang Tranoi ở Paris và trung tâm mua sắm Siam Discovery ở Bangkok vào năm ngoái. Công ty cho biết sau đó sẽ ra mắt pop-up tại Mỹ và châu Âu để mở rộng thị trường nước ngoài.

Một quan chức của Shinsegae cho biết: “Theo nền tảng B2B, chúng tôi kết nối các công ty thời trang vừa và nhỏ của Hàn Quốc với thị trường nước ngoài bằng cách hỗ trợ họ về các thủ tục pháp lý trong việc ký kết hợp đồng, thủ tục hải quan xuyên biên giới và hậu cần”.

Hyundai cũng đang tích cực quản lý các hoạt động pop-up tại Nhật Bản. Hyundai Global Pop-up Store, tọa lạc tại Shibuya PARCO Department Store ở Tokyo, đã bắt đầu giới thiệu các thương hiệu thời trang Hàn Quốc vào đầu tháng này cho một chiến dịch kéo dài đến tháng 12. Pop-up trước đó đã ghi nhận doanh số 3 tỷ won (2,2 triệu USD) trong chiến dịch đầu tiên từ tháng 5 đến tháng 7, vượt mục tiêu hiệu suất 150% và đạt doanh số cao kỷ lục tại cửa hàng bách hóa.

Tháng trước, Hyundai đã ký kết quan hệ đối tác với Hankyu Department Store để cung cấp dịch vụ liên kết cho khách hàng VIP của họ. Vào tháng 2, công ty Hàn Quốc này đã đồng ý với Siam Piwat Group, một công ty bán lẻ lớn tại Thái Lan, để ra mắt các thương hiệu Hàn Quốc tại các cửa hàng bách hóa Thái Lan do tập đoàn này điều hành. Hyundai cho biết họ cũng có kế hoạch ký kết nhiều quan hệ đối tác hơn với các cửa hàng bách hóa tại Trung Quốc, Việt Nam, châu Âu.

Lotte đã chứng kiến lượng khách đến Lotte Mall West Lake Hanoi tại Việt Nam tăng đột biến. Kể từ khi khai trương vào tháng 9/2023, trung tâm thương mại đã giới thiệu hơn 30 thương hiệu Hàn Quốc thông qua các cửa hàng pop-up, thu hút nhiều lượt khách vào tháng trước.

Lotte Shopping Avenue ở Jakarta, Indonesia cũng đang phát triển các dịch vụ của mình. Kể từ khi mở cửa vào năm 2013, trung tâm mua sắm này đã bắt đầu mở rộng danh mục các thương hiệu Hàn Quốc, một xu hướng đã phát triển mạnh mẽ vào năm 2022 với sự phổ biến toàn cầu ngày càng tăng của văn hóa Hàn Quốc. Công ty có kế hoạch phân bổ gần 2.000 mét vuông không gian trong trung tâm mua sắm Jakarta cho các thương hiệu Hàn Quốc mới bắt đầu từ năm sau.

Sự mở rộng thị trường nước ngoài của các cửa hàng bách hóa Hàn Quốc đạt được thành quả khi doanh số bán hàng của ngành công nghiệp thời trang và làm đẹp Hàn Quốc tăng tại Nhật Bản, Đông Nam Á và Mỹ.

Trong báo cáo quý III từ Qoo10 Japan, một nền tảng trực tuyến do eBay Japan điều hành, 79 trong số 100 sản phẩm hàng đầu là của Hàn Quốc. Một báo cáo quý III khác của Musinsa, một nền tảng Hàn Quốc dành cho các công ty thời trang vừa và nhỏ, cho thấy kim ngạch xuất khẩu của công ty này tăng gấp đôi so với năm ngoái và doanh số bán hàng tại Nhật Bản tăng 120% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một quan chức trong ngành cho biết: "Thị trường bán lẻ trong nước đặt ra những thách thức đáng kể cho các công ty trong nước do doanh số bán hàng giảm, thúc đẩy những doanh nghiệp này phải khẩn trương mở rộng sang thị trường quốc tế".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục