Doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 15%

20:44' - 08/08/2016
BNEWS Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 17.580 tỷ đồng, tăng 15% và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 21.033 tỷ đồng, tăng 36,78%.

Ngày 8/8, tại buổi họp báo chuyên đề Bảo hiểm góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội do Bộ Tài chính tổ chức, ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng doanh thu phí bảo hiểm là 38.613 tỷ đồng, tăng 25,92% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 17.580 tỷ đồng, tăng 15% và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 21.033 tỷ đồng, tăng 36,78%.

Theo ông Nguyễn Quang Huyền, thị trường bảo hiểm Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô; góp phần thực hiện các chính sách an sinh xã hội; bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư ...

Trong đó, vai trò góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của bảo hiểm được thể hiện với những kết quả cụ thể trong bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thủy sản (tàu cá), bảo hiểm vi mô cho người nghèo, bảo hiểm con người...

Đối với bảo hiểm tàu cá đến ngày 30/6, đã có 28/28 tỉnh, thành phố ven biển phát sinh doanh thu phí bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ và bảo hiểm tai nạn thuyền viên với tổng giá trị bảo hiểm ước đạt 37.422 tỷ đồng.

Tổng số phí bảo hiểm ước đạt 387 tỷ đồng, tổng số lượt tàu tham gia bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ ước đạt 14.977 tàu, tổng số lượng thuyền viên được bảo hiểm ước 145.960 thuyền viên.

Tổng bồi thường ước đạt 59,8 tỷ đồng, đang xem xét giải quyết bồi thường 82,1 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quang Huyền cho biết, bảo hiểm tàu cá có rủi ro lớn bởi giá trị tàu cá cao, có thể lên tới hàng chục tỷ đồng và đặc thù đánh bắt xa bờ.

Bởi vậy, cơ quan chức năng đã ban hành tiêu chí tới các doanh nghiệp tham gia bảo hiểm phải đảm bảo năng lực tài chính, có kinh nghiệm, có mạng lưới phục vụ cho ngư dân,...

Trên cơ sở hồ sơ tham gia của các doanh nghiệp, ông Huyền cho hay, có 4 doanh nghiệp đã đáp ứng đủ điều kiện là: Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh (Bảo Minh), Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex (PJICO) và Tổng công ty Bảo hiểm PVI.

Về việc phân chia địa bàn, ông Nguyễn Quang Huyền cho rằng, đây không phải vấn đề Bộ Tài chính chỉ định.

Ông Huyền chỉ ra, không doanh nghiệp nào có thể bảo hiểm tất cả với tổng số tiền trách nhiệm lên tới 12.000 tỷ đồng nên nguyên tắc là phải chia sẻ rủi ro.

Trên cơ sở, các doanh nghiệp tự phân công nhau địa bàn tuy nhiên quyền lợi với khách hàng thì không khác nhau./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục