Doanh thu từ Kênh đào Suez sẽ giảm 60% do căng thẳng ở Biển Đỏ

08:25' - 21/05/2024
BNEWS Bộ trưởng Tài chính Ai Cập, ông Mohamed Maait, ngày 20/5 đã tiết lộ dự đoán doanh thu từ Kênh đào Suez sẽ sụt giảm mạnh khoảng 60% do căng thẳng ở Biển Đỏ.
Trong một tuyên bố, ông Maait nhấn mạnh tác động của các cuộc khủng hoảng toàn cầu và khu vực đối với nền kinh tế Ai Cập, đặc biệt là do lạm phát tăng cao.

Ông cho biết chi tiêu của nước này để hỗ trợ mua tài nguyên dầu khí đã tăng vọt lên tới gần 200 tỷ LE (4,29 tỷ USD). Theo ông Maait, sự gia tăng này có thể là do giá cả toàn cầu tăng, chi phí vận chuyển leo thang và sự biến động của tỷ giá hối đoái so với đồng USD.

 
Bộ trưởng Maait xác nhận rằng việc tăng chi tiêu công kéo theo sự sụt giảm doanh thu từ Kênh đào Suez. Ông giải thích thêm rằng kho bạc nhà nước đang phải đối mặt với gánh nặng bổ sung, bao gồm chi phí tài chính cao hơn do lãi suất tăng và thay đổi tỷ giá hối đoái.

Trước đó trong tháng 4, Bộ trưởng Kế hoạch và Phát triển Kinh tế Ai Cập Hala El-Said thông báo doanh thu từ Kênh đào Suez từ đầu năm đã sụt giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái do căng thẳng kéo dài ở Biển Đỏ.

Doanh thu của kênh đào Suez đã đạt mức kỷ lục gần 10 tỷ USD trong năm 2023, tuy nhiên nguồn thu ngoại tệ quan trọng này của Ai Cập đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong những tháng đầu năm nay do những tác động tiêu cực của tình trạng bất ổn ở Biển Đỏ. Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen (Y-ê-men) nhằm vào tàu thương mại ở Biển Đỏ đã buộc nhiều công ty vận tải biển chủ chốt chuyển hướng hành trình di chuyển qua mũi Hảo Vọng vừa dài hơn và đắt đỏ hơn để tránh xung đột ở Biển Đỏ.

Hồi tháng 2/2024, Chủ tịch Cơ quan Quản lý kênh đào Suez của Ai Cập, ông Osama Rabie khẳng định doanh thu của kênh đào Suez trong tháng 1/2024 đã giảm 46% so với cùng kỳ năm 2023, xuống 428 triệu USD, do căng thẳng leo thang ở Biển Đỏ. Theo ông Rabie, tổng số tàu di chuyển qua Kênh đào Suez trong tháng 1/2024 chỉ đạt 1.362 tàu, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kênh đào Suez là tuyến đường biển ngắn nhất kết nối châu Á với châu Âu, chiếm tới 12% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa toàn cầu, góp phần thúc đẩy thương mại thế giới. Kênh đào Suez cũng là một trong những nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Ai Cập, trong bối cảnh nền kinh tế của quốc gia Bắc Phi này đang phải vật lộn với lạm phát cao kỷ lục, gánh nặng nợ chồng chất và tình trạng thiếu hụt ngoại tệ trầm trọng do bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc xung đột ở Dải Gaza.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục