Độc đáo đồng bào Mông làm du lịch

10:57' - 13/02/2021
BNEWS Chúng tôi tìm đến nhà nghỉ cộng đồng homestay A Chu vào một tối mùa đông. Ấn tượng ban đầu về buổi văn nghệ do chính vợ chồng chủ homestay A Chu biểu diễn đã làm xua đi cái giá lạnh vùng cao Tây Bắc.

Nếu như cao nguyên Mộc Châu (tỉnh Sơn La) nổi tiếng với đồi chè, rừng thông bản Áng, là điểm dừng chân quen thuộc đối với du khách thì Hua Tạt lại hấp dẫn bởi những phong tục tập quán, nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Mông bản địa.

Chúng tôi tìm đến nhà nghỉ cộng đồng homestay A Chu vào một tối mùa đông. Ấn tượng ban đầu về buổi văn nghệ do chính vợ chồng A Chu - chủ homestay A Chu biểu diễn đã làm xua đi cái giá lạnh vùng cao Tây Bắc.

Thay vào đó là không khí tươi vui, rộn ràng, những trào pháo tay, reo hò cổ vũ của du khách theo điệu nhạc truyền thống với tiếng khèn, sáo Mông và đàn môi da diết, bay bổng, vang cả núi rừng.

A Chu tên đầy đủ là Tráng A Chu, là người dân tộc Mông, là người con sinh ra và lớn lên tại bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Bên bếp lửa hồng, chúng tôi chưa biết bắt đầu câu chuyện từ đâu thì anh đã vồn vã tay bắt mặt mừng, bắt chuyện như vốn tính người vùng cao vẫn vậy.

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về văn hoá truyền thống vùng cao Tây Bắc, anh hào hứng kể cho chúng tôi về mảnh đất và con người nơi đây. Rằng, bản Hua Tạt nằm dọc theo Quốc lộ 6, cách Thủ đô Hà Nội hơn 130 km, là nơi định cư lâu đời của đồng bào dân tộc Mông ở xã Vân Hồ.

Ở đây, người dân từ trẻ tới già quanh năm sống chủ yếu bằng nghề nông, đàn ông phát nương làm rẫy, đàn bà dệt vải thêu thùa, cùng nhau lưu giữ nhiều nét văn hoá độc đáo, những lễ hội truyền thống và những món nghề thủ công từ thời ông cha như làm giấy, rèn dao, dệt vải, in hoa văn bằng sáp ong…

Theo lời A Chu, cuộc sống tự bao đời của người dân cứ thế êm đềm trôi, bên cạnh cảnh sắc thiên nhiên nguyên sơ với những vườn mận, mơ, đào trải dài các thung lũng. Là vùng đất trù phú với khí hậu mát mẻ quanh năm, ẩn hiện nơi đây còn là những đồi chè Shan Tuyết bốn mùa xanh bát ngát, rừng thông rậm rạp hơn 20 năm tuổi, những dòng thác trắng xóa và con suối mát lành.

Đến đây, du khách cũng có thể dễ dàng dạo chơi và đắm mình bên những cành đào e ấp khoe sắc, những chùm hoa mận đẹp nao lòng những ngày xuân về.

Bỗng chốc trong ánh lửa đỏ bập bùng, bản Hua Tạt hiện ra trữ tình nên thơ, tựa như bức tranh phong cảnh được vẽ nên từ bàn tay tài hoa của người họa sĩ. Chẳng thế mà, nơi đây nhanh chóng trở thành điểm dừng chân thú vị đối với du khách bốn phương.

Riêng với chúng tôi, nhìn cách A Chu nói về mảnh đất và con người Hua Tạt lúc bấy giờ, phần nào đã hiểu được tình yêu quê hương, nỗi niềm, tâm tư của anh với việc giữ gìn văn hoá truyền thống dân tộc trên chính mảnh đất quê hương.

“Đó chính là lý do mình chọn khởi nghiệp từ mô hình du lịch công đồng homestay. Homestay A Chu ra đời với phương châm phát triển du lịch nhưng không làm mất đi cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa của dân tộc. Nói cách khác, du lịch phải gắn phát triển với bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của cộng đồng”, A Chu bộc bạch.

Nghe tới đây, tôi bất giác nhìn xung quanh, từ những vật nhỏ nhất là cái dao, cái thớt trong bếp đến đồ vật trang trí phòng cộng đồng đều được lựa chọn tỉ mẩn, là sản phẩm truyền thống của bà con bản Hua Tạt, hay là sản phẩm tạo ra từ thiên nhiên núi rừng. Tất cả hài hoà với nhau, tạo cảm giác bình yên, và đậm chất dân tộc.

Tại homestay A Chu, vợ chồng anh còn tự tay chuẩn bị nhiều món đặc sản dân tộc để thiết đãi khách lưu trú; trong đó không thể thiếu món thắng cố, mèn mén, bánh dày… Đêm đó, món bánh dày của đồng bào dân tộc Mông mà chúng tôi được thưởng thức ngon đến lạ! Đó là loại bánh dày nướng trên bếp lửa, vừa giòn rụm, ngọt bùi vừa thơm vị nếp lấy từ chính nương rẫy của dân bản.

“Hình dáng tròn đầy của chiếc bánh dày tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời và tình yêu đôi lứa trong truyền thuyết của người Mông. Đây là món ăn thường thức mỗi dịp Tết truyền thống của người Mông và để dành tặng cho những vị khách quý như một món quà mang lại may mắn dịp năm mới”, A Chu dẫn giải.

Cứ như vậy, câu chuyện làm du lịch cộng đồng ở bản vùng cao Tây Bắc càng về khuya càng hấp dẫn chúng tôi và cứ thế cho đến sáng, như đã hứa, A Chu đưa chúng tôi đi bộ trải nghiệm xung quanh bản Hua Tạt.

Lúc này, cảnh quan trước mắt chúng tôi là sự yên bình hiếm thấy nơi phố thị, là cảnh sắc thiên nhiên đẹp mê đắm của những vườn mận, vườn đào xen lẫn trong thung lũng hoa cỏ xanh mướt như đúng lời A Chu nói trước đó.

Sau khi đi một hồi lâu, chúng tôi tìm đến nhà ông Tráng A Chơ - thợ rèn có tiếng còn làm nghề tại bản này. Ông nồng hậu tiếp đón chúng tôi và cho biết, trước ông rèn các loại dụng cụ phục vụ đời sống sản xuất như dao, cuốc, xẻng... nhưng nay nhu cầu ít đi, ông chuyển sang chủ yếu rèn rao để bán.

“Nay ở bản Hua Tạt còn rất ít người làm nghề rèn, nhưng tôi vẫn làm nghề. Đây là món nghề truyền thống của đồng bào Mông bản địa chúng tôi từ ngàn đời. Mặc dù, nghề rèn là công việc vất vả, song truyền thống này cần được bảo tồn. Giờ có các bạn trẻ làm du lịch, chúng tôi lại có thêm cơ hội giới thiệu nghề rèn truyền thống của mình.”, ông Chơ bộc bạch.

Rồi vừa nói vừa làm, đoàn chúng tôi mỗi người một tay cùng ông trải nghiệm rèn dao. Ông là người rèn, còn chúng tôi, người phụ than, người quạt gió, vừa làm vừa nghe ông nói về kinh nghiệm rèn sao để dao bền, sắc. Quan trọng là than phải đúng nhiệt độ, khi cho sắt lên đập phải có lực tác động nhịp nhàng.

Từ nhà ông A Chơ tới điểm dừng chân cuối cùng trên cung đường bản Hua Tạt, cũng là lúc hoàng hôn buông xuống, chúng tôi phóng tầm mắt thật xa ngắm mây núi bảng lảng, tận hưởng giây phút thư thái và êm đềm. Ở đâu đó là tiếng của cô gái dân tộc Mông ngân nga theo bài hát.

“Nhịp nhàng cành hoa gió đưa lời ca

Rì rào suối reo lúa ngàn xanh thắm

Kìa trong nắng vàng tiếng kèn lá đưa

Gió ngàn chim hót mùa xuân tươi về…”

Ôi! Thật quá đỗi tuyệt vời!!!

Giờ đây, sâu trong tâm trí của chúng tôi, Tây Bắc nói chung và bản Hua Tạt nói riêng không chỉ mang trong mình vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng mà ẩn sau đó là câu chuyện của nét đẹp truyền thống, văn hoá dân tộc cần lưu giữ mãi về sau.

Và với A Chu, chúng tôi đã có một cái hẹn ngày trở lại, vào ngày Tết cổ truyền của dân tộc Mông, để tiếp tục tìm hiểu về phong tục độc đáo, thú vị của đồng bào vùng cao Tây Bắc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục