Độc tố clostridium botulinum nguy hiểm như thế nào?

10:50' - 24/05/2023
BNEWS Ngộ độc botulinum là một bệnh hiếm gặp nhưng nghiêm trọng vì độc tố tấn công vào các dây thần kinh của cơ thể gây khó thở, tê liệt cơ hay thậm chí tử vong.

Nguồn gốc độc tố botulinum

Chất độc botulinum toxin do vi khuẩn Clostridium botulinum (C.botulinum) sinh ra. Đây là một vi khuẩn gram dương kỵ khí, hình que hai đầu tròn, có nhiều lông quanh thân, di động. Trong điều kiện khắc nghiệt, vi khuẩn C.botulinum có thể biến thành dạng nha bào vô cùng chắc chắn, có khả năng tồn tại cao.

Do đó, C.botulinum phân bố rất rộng rãi trong tự nhiên, có thể tìm thấy trong đất vườn, phân động vật tươi hoặc đã ủ, bụi bẩn, nước ao, nước sông hồ, ruột gia súc, đặc biệt phát triển mạnh trong thức ăn ôi thiu, thịt hộp để lâu ngày...

Vi khuẩn C.botulinum có đặc điểm kỵ khí, do đó không thể phát triển ở những nơi thông gió tốt, có đủ oxy. Đồng thời, vi khuẩn cũng không phát triển được ở môi trường chua (pH <4.6), mặn (nồng độ muối ăn >5%).

Khi thực phẩm đóng hộp có lẫn một vài bào tử C.botulinum do quy trình sản xuất không đảm bảo, trong môi trường được đóng kín không có oxy, nếu thực phẩm không có đủ độ mặn và chua thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển, tiết ra độc tố botulinum.

Đây là nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc thực phẩm, trước đây hay gặp ngộ độc thịt hộp, tuy nhiên các thực phẩm khác như rau, củ, quả, thịt, hải sản,... nếu được sản xuất và bảo quản không đúng cách đều có thể gây ngộ độc độc tố clostridium botulinum.

Tình trạng này thường xảy ra tại các gia đình, sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, không được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng. Ví dụ ở Thái Lan đã xảy ra ngộ độc loại này do lọ măng, ở Trung Quốc do đậu lên men, ở Việt Nam ngộ độc pate chay...

Xu hướng ngộ độc đang tăng lên trên thế giới do trào lưu sử dụng túi hút khí chứa đựng thực phẩm, sử dụng tủ lạnh không đúng, đun lại không đủ chín trước khi ăn,...

 

Độc tố clostridium botulinum nguy hiểm như thế nào?

Độc tố do C. botulinum là loại độc tố thần kinh (neurotoxin) có bản chất là chuỗi polypeptid với phân tử lượng 150 nghìn Dalton. Độc tố botulinum gồm có 7 loại, ký hiệu bằng các chữ cái từ A đến G. Trong đó ngộ độc loại A và B là phổ biến nhất, sau đó đến E và F, các loại còn lại ít gặp hơn. 

Độc tố botulinum là chất độc cực mạnh, chỉ 0.03 mcg tiêm tĩnh mạch có thể gây tử vong một người nặng 70kg, 1kg có thể gây tử vong 1 tỷ người.

Người bệnh thường nhiễm độc tố botulinum qua độc tố trong thực phẩm. Tất cả các loại thức ăn nếu bảo quản không tốt đều có thể gây ngộ độc. Nguồn gây bệnh thường gặp là các loại đồ hộp có độ acid thấp như đậu, nô, thịt hộp cá hộp...

Trẻ dưới một tuổi cũng có thể bị ngộ độc độc tố clostridium botulinum nếu sử dụng mật ong, sữa bột chứa C. botulinum dạng nha bào. Nha bào sau khi vào đường tiêu hóa sẽ phát triển và sinh độc tố. Bên cạnh đó, độc tố botulinum cũng có thể nhiễm qua các vết thương. Thể này hay gặp ở những người tiêm chích ma túy.

Độc tố Botulinum xuất hiện ở đâu?

Botulinum là độc tố mạnh nhất từng biết đến với liều lượng gây chết người (khoảng 1.2-1.3 ng/kg khi tiêm và 10-13 ng/kg khi hít vào). Có 7 loại độc tố Botulinum chính là A, B, C, D, E ,F, G. Trong đó, A và B có khả năng gây bệnh cho người, chiếm 98.7% các trường hợp.

Độc tố Botulinum trở thành mối nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng khi thực phẩm đóng hộp trở thành ngành công nghiệp phát triển và lan rộng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục