Đổi đời nhờ đồng vốn tín dụng nông nghiệp

18:20' - 29/04/2019
BNEWS Với vai trò trung gian tín dụng, Agribank đã có những đóng góp nhất định thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm,cải thiện đời sống của nhân dân ở khu vực nông thôn.
Mô hình ngân hàng lưu động giúp Agribank tiếp tục mở rộng mạng lưới. Ảnh: Thanh Hương/BNEWS/TTXVN

Anh Phan Thanh Sơn là một nông dân chân chất sinh sống ở xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai.

Sau hơn 10 năm gắn bó với tín dụng ngân hàng cùng với sự cần cù, anh Sơn đã có cơ ngơi khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, anh Sơn tâm sự: “Ngày ấy vợ chồng tôi nghèo lắm, con cái nheo nhóc, vợ chồng không có đất, bám rẫy làm thuê ngày đêm mà vẫn không đủ ăn.

Thế rồi anh cán bộ tín dụng Ngân hàng Nông ngiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Đức Cơ đến nhà vận động chúng tôi vay vốn ngân hàng làm ăn.

Nhìn bà con xung quanh cùng đổi đời từ vay vốn ngân hàng, vợ chồng tôi có động lực vay 10 triệu đồng đầu tư 2 ha cao su mua lại của người địa phương”.

Sau khi có được mảnh đất và những gốc cao su, vợ chồng anh Sơn cặm cụi ngày đêm không quản nắng mưa.

Mùa thu hoạch năm ấy, cây cao su được giá, vợ chồng anh Sơn có tiền để trả nợ ngân hàng và mạnh dạn đầu tư mở rộng đất trồng kết hợp đan xen nhiều giống cây.

Ban đầu từ cao su, sau đó trồng thêm cà phê, hồ tiêu, điều, chuối và cả cây ăn trái. Đến nay gia đình anh Sơn đang sở hữu 60 ha đất và đang tiếp tục vay Agribank 4 tỷ đồng để mở rộng sản xuất.

Câu chuyện của anh Phan Thanh Sơn chỉ là một trong hàng ngàn câu chuyện minh chứng cho những tấm gương mang lại diện mạo mới cho khu vực nông thôn nhờ đồng vốn ngân hàng. Gia đình ông Đinh Văn Kiều, bản K’Tèo, xã Nà Mường, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La vốn là hộ nghèo.

Năm 2015, ông được vay vốn 100 triệu đồng từ Agribank thông qua sự bảo lãnh của tổ vay vốn. Số tiền này đã được ông đầu tư vào mua 5 con bò giống và trồng 2 ha bưởi da xanh.

Đến thời điểm này, ông Kiều tính trả hết nợ cũ và xin vay đợt mới để tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế gia đình.

Có thể khẳng định, với vai trò trung gian tín dụng, Agribank đã có những đóng góp nhất định vào sự thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết vấn đề việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện đời sống của nhân dân ở khu vực nông thôn.

Lãnh đạo Agribank từng khẳng định, phát huy tính tiên phong của ngân hàng thương mại giữ vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn, Agribank luôn ưu tiên dành sự quan tâm đặc biệt đối với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, hai chương trình mà Agribank luôn kiên định gắn bó, cùng đồng hành ngay từ khi được Chính phủ phê duyệt.

Nhận thức rõ rầm quan trọng của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, triển khai Kế hoạch hành động thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” của ngành ngân hàng, với lợi thế là ngân hàng có mạng lưới rộng khắp trong cả nước, Agribank đã có nhiều hoạt động thiết thực, kết hợp chặt chẽ với nhiều tổ chức đoàn thể chính trị ở nông thôn để hợp tác cung ứng vốn tín dụng thương mại và tín dụng ủy thác của các tổ chức trong và ngoài nước phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới.

Từ 11 xã được chọn thí điểm mô hình nông thôn mới, với dư nợ ban đầu 336 tỷ đồng và 8.293 khách hàng vào năm 2011, sau 7 năm, Agribank đã cho vay xây dựng nông thôn mới đến 100% số xã trong cả nước, với dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới trên 400 nghìn tỷ đồng với gần 3 triệu khách hàng, khẳng định vị trí hàng đầu hệ thống tổ chức tín dụng trong việc triển khai chương trình này.

Tuy là ngân hàng thương mại phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là đối tượng được Agrbibank ưu tiên lãi suất cho vay thấp hơn các đối tượng khác từ 1-2%.

Mỗi năm bằng tài chính của mình, Agribank vẫn dành hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp.

Agribank cho vay xây dựng nông thôn mới chủ yếu trong các lĩnh vực quan trọng nhằm tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cơ sở hạ tầng để đem đến những thay đổi căn bản trong diện mạo nông thôn hôm nay.

Cụ thể, đó là các lĩnh vực: sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn; cho vay tiêu dùng trên địa bàn nông thôn; kinh doanh sản phẩm, dịch vụ phục vụ nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản; chế biến tiêu thụ nông, lâm, thủy sản và muối; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; phát triển ngành nghề nông nghiệp nông thôn.

Agribank đã dành khoảng 50% tổng dư nợ cho vay nông thôn mới để đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh các ngành nông, lâm, ngư, diêm nghiệp nông thôn giúp nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực; 15% tổng dư nợ cho vay nông thôn mới đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn…

Từ đồng vốn Agribank nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu, nhiều xã, huyện đã thực sự khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo tại khu vực nông thôn giảm rõ rệt.

Ông Hoàng Văn Hậu, Bí thư Đảng ủy xã Nà Mường, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ, trước đây ở xã Nà Mường đời sống kinh tế của bà con nhân dân rất khó khăn và tỷ lệ hộ nghèo trên 300 hộ.

Thời gian gần đây với chính sách mở cửa với sản phẩm nông nghiệp đã lan tỏa đến hết các bản, các khu trong xã thì đời sống của nhân dân được đổi mới rất nhiều, từ việc Agribank tạo điều kiện cho vay vốn cho bà con nhân dân phát triển kinh tế, đặc biệt là những năm gần đây 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh đến giờ phút này xã Nà Mường chỉ còn 101 hộ nghèo.

Triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cùng nhiều chương trình tín dụng chính sách khác của Nhà nước, Agribank đang triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững tại các địa bàn trọng điểm, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục