Đổi mới, đưa ngành than-khoáng sản trở thành trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

12:25' - 25/06/2020
BNEWS Với phương châm “Kỷ luật và Đồng tâm”, các cán bộ Tập đoàn đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất lao động xây dựng TKV phát triển bền vững.

 

Sáng 25/6, tại Đại hội Đại biểu lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), ông Y Thanh Hà Niê KĐăm, Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương cho biết, hiện nay việc phát triển về năng lượng ngày càng gia tăng; cơ cấu năng lượng điện sử dụng than hiện chiếm 30% và có xu hướng tăng trong thời gian tới.

Đây là thách thức lớn đối với nền kinh tế và cũng là khó khăn đối với TKV. Vì vậy, thời gian tới, TKV tiếp tục chủ động trong khai thác và chế biến than đáp ứng nhu cầu trong nước, nhất là sản xuất than cho điện.

Cùng với đó, quy hoạch phát triển ngành than năm 2020-2030 đã xác định phát triển ngành than trở thành ngành công nghiệp phát triển, có sức cạnh tranh ngày càng cao, có trình độ công nghệ tiên tiến, cán bộ, đảng viên TKV cần tiếp tục nâng cao phẩm chất chính trị, nỗ lực hơn nữa trong xây dựng Đảng để từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

 

Từ đó, góp phần đưa Tập đoàn trở thành trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời, với phương châm “Kỷ luật và Đồng tâm”, các cán bộ Tập đoàn đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất lao động xây dựng TKV phát triển bền vững.

Theo ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn TKV, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Tập đoàn đặt mục tiêu phấn đấu đạt tổng doanh thu 760 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với thực hiện giai đoạn 2015-2020, bình quân tăng 5%/năm.

Lợi nhuận của Tập đoàn đạt 17,5 nghìn tỷ đồng, bình quân 3,5 nghìn tỷ đồng/năm; nộp ngân sách tăng 5%/năm. Tổng giá trị đầu tư 76,9 nghìn tỷ đồng, bình quân 15,4 ngàn tỷ đồng/năm. Năng suất lao động tăng từ 6-7%/năm. Tập đoàn đảm bảo đủ việc làm cho người lao động, thu nhập bình quân tăng 5-7%/năm; chăm lo, thực hiện tốt các chế độ chính sách, phúc lợi và nhà ở cho người lao động.

Tập đoàn phấn đấu đạt sản lượng than thương phẩm sản xuất trong nước 190 triệu tấn, bình quân 38 triệu tấn/năm; than nhập khẩu 64 triệu tấn, bình quân 12,8 triệu tấn/năm. Sản lượng alumin 6,5 triệu tấn, đồng tấm 150 nghìn tấn, vàng 5,4 tấn, kẽm thỏi 55 nghìn tấn; phôi thép  đạt 1,1 triệu tấn. Tổng sản lượng điện 51,4 tỷ KWh, tổng công suất đến năm 2025 đạt 1.845 MW.

Tập đoàn cũng sản xuất 315,5 nghìn tấn thuốc nổ các loại, cung ứng 521,5 nghìn tấn. Đồng thời, đẩy mạnh chế tạo thiết bị mỏ, tham gia tổng thầu các công trình cơ khí lớn; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của Tập đoàn và xã hội; cung cấp dịch vụ y tế khám chữa bệnh nghề nghiệp; các dịch vụ xây lắp mỏ, thăm dò khảo sát, khoa học công nghệ, tư vấn thiết kế, đầu tư, dịch vụ cảng và hàng hải…

 

Để đạt được mục tiêu trên, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ lãnh đạo Tập đoàn các Công ty Than - Khoáng sản Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ chính trị hằng năm, kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chiến lược phát triển bền vững Tập đoàn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Từ đó, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng quốc gia và hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đảm bảo đủ việc làm và thu nhập của người lao động.

Theo đó, Tập đoàn xây dựng và triển khai các giải pháp thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó có lĩnh vực về than. Cùng đó, hoàn thiện mô hình “Sản xuất và thương mại than”.

Tập đoàn cũng nghiên cứu đầu tư ra nước ngoài, tăng cường phát triển lĩnh vực nhập khẩu, pha trộn than để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ than trong nước, xác định công tác này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tập đoàn. Ngoài ra, Tập đoàn cũng chuẩn hoá, nâng cấp các kho cảng dịch vụ logistics phục vụ cho việc xuất nhập khẩu, pha trộn than xứng tầm là nhà sản xuất chế biến, pha trộn than lớn nhất Việt Nam; phát triển các mỏ hầm lò sản lượng lớn theo tiêu chí “Mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ sản lượng cao”.

Từ đó, phấn đấu đến năm 2025 giảm tỷ lệ tổn thất than khai thác bằng phương pháp hầm lò xuống dưới 20% và trong khai thác than lộ thiên xuống dưới 4,3%. Nhiệm vụ trước mắt của Tập đoàn là thí điểm triển khai cơ giới hóa hạng nhẹ trong khai thác hầm lò, đánh giá tổng kết để đưa vào áp dụng.

Các doanh nghiệp trong tập đoàn cũng tập trung đảm bảo tiến độ các dự án mỏ than, hoàn thành kế hoạch phối hợp kinh doanh hằng năm; đẩy mạnh thăm dò đến đáy tầng than. Theo đó, các doanh nghiệp cần hoàn thiện 15 đề án thăm dò với trên 1 triệu mét khoan, đánh giá trữ lượng than nhằm chuẩn bị cơ sở tài nguyên tin cậy cho sự phát triển ổn định, lâu dài của ngành.

Cùng với việc tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn công nghệ để có thể thăm dò, khai thác bể than Đồng bằng sông Hồng, Tập đoàn thực hiện rà soát đánh giá, quy hoạch tổng thể về sản lượng khai thác, vận tải, sàng tuyển chế biến, kho cảng phục vụ sản xuất kinh doanh than các vùng: Cẩm Phả, Hạ Long và Uông Bí- Đông Triều đảm bảo đồng bộ, hiệu quả và phát triển lâu dài.

Về công nghiệp khoáng sản, Tập đoàn vận hành ổn định, hiệu quả 2 nhà máy Alumin Tân Rai và Nhân Cơ, nghiên cứu nâng cao công suất thiết kế dây chuyền sản xuất hiện tại, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tập đoàn đầu tư mở rộng, xây dựng thêm dây chuyền sản xuất thứ hai để tận dụng mặt bằng, hạ tầng cơ sở đã đầu tư, nâng cao hiệu quả 2 dự án, đưa quy mô mỗi dự án lên 2 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2026-2030 hoặc sớm hơn khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Cùng với đó, Tập đoàn duy trì khai thác các mỏ đồng hiện có và xây dựng thêm các mỏ mới, đa dạng hóa nguồn cung cấp nguyên liệu để cấp đủ tinh quặng cho Nhà máy luyện đồng Tằng Loỏng công suất 10.000 tấn/năm đang hoạt động và Nhà máy luyện đồng Bản Qua công suất 20.000 tấn/năm dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2020; đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm khai thác có hiệu quả 2 Nhà máy luyện đồng đã được đầu tư

Bên cạnh đó, Tập đoàn tiếp tục đầu tư dự án nhiệt điện Na Dương 2, phấn đấu đưa vào vận hành năm 2023 và dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1 theo hướng kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước góp vốn đầu tư theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp. Nghiên cứu khả năng đầu tư Trung tâm than điện Sơn Động (Bắc Giang) thay cho dự án nhiệt điện Cẩm Phả 3 để sử dụng nguồn trữ lượng than mỏ Bảo Đài 2, 3 tại tỉnh Bắc Giang và các mỏ lân cận. Nghiên cứu đầu tư dự án điện mặt trời trên lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 5.

Theo báo cáo Ban Chấp hành khóa II tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 cho thấy, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy Tập đoàn, trong  5 năm 2016-2020, tổng doanh thu dự kiến của Tập đoàn đạt 613,9 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 7,9%/năm.

Tổng lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 17,9 nghìn tỷ đồng, bình quân 3,6 nghìn tỷ đồng/năm. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 84,5 nghìn tỷ đồng, bình quân 16,9 nghìn tỷ đồng/năm. Năng suất lao động theo sản lượng hiện vật quy đổi đối với sản phẩm than thực hiện năm 2019 đạt 771 tấn/người/năm, tăng bình quân 12%/năm.

Thu nhập bình quân trong nhiệm kỳ của người lao động đạt 10,4 triệu đồng/người/tháng, tốc độ tăng tiền lương bình quân 9,2%/năm. Tổng giá trị đầu tư xây dựng cơ bản dự kiến thực hiện 66,8 nghìn tỷ đồng, bình quân 13,36 nghìn tỷ đồng/năm.

Giai đoạn 2016-2020, Tập đoàn dự kiến sản xuất 185,7 triệu tấn than sạch, bình quân 37,1 triệu tấn/năm. Sản lượng than tiêu thụ 205,8 triệu tấn, bình quân 41,2 triệu tấn/năm; trong đó, than nhập khẩu tiêu thụ 18,8 triệu tấn. Về khoáng sản, Tập đoàn đã sản xuất được 63,7 nghìn tấn đồng tấm, bình quân 12,7 nghìn tấn/năm; alumin đạt 5,74 triệu tấn, bình quân 1,15 triệu tấn/năm. Sản lượng điện 46,9 tỷ kwh, bình quân 9,4 tỷ kwh/năm...

Đảng ủy TKV đã chỉ đạo, điều hành sản xuất kinh doanh phù hợp với diễn biến và nhu cầu của thị trường, đảm bảo sản xuất kinh doanh hiệu quả. Chủ động cập nhật thông tin, khảo sát, phân tích và dự báo thị trường làm cơ sở để định hướng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Cùng đó, Đảng ủy TKV chỉ đạo tăng cường quản lý tài nguyên, chất lượng sản phẩm, chống gian lận thương mại; duy trì tốt mối quan hệ với bạn hàng, đối tác truyền thống, đồng thời chủ động trong quan hệ quốc tế, phát triển thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp ở trong nước và ngoài nước....

Đại hội Đại biểu lần thứ III, nhiệm 2020-2025 của Đảng bộ TKV đã bầu ra Ban chấp hành mới với 33 thành viên./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục