"Chìa khóa" giúp ngành than tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh
Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, trong thời gian từ năm 2015-2020, những tác động của thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đợt mưa lụt lịch sử cuối tháng 7, đầu tháng 8/2015 và sự bùng phát dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 đến nay, trong khi điều kiện khai thác mỏ ngày càng xuống sâu đặt ra nhiều vấn đề phức tạp phải xử lý, làm tăng chi phí sản xuất.
Việc đầu tư, cấp phép thăm dò, khai thác, công tác tái cơ cấu, cổ phần hoá, tuyển dụng lao động khai thác mỏ gặp nhiều vướng mắc…đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
Tuy nhiên, Đảng bộ TKV đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, hoàn thành các mục tiêu sản xuất, kinh doanh giai đoạn từ năm 2015 – 2020 và nộp ngân sách 84,5 nghìn tỷ đồng.
*Năng suất lao động tăng 12%/năm Theo TKV, trong thời gian qua, Đảng uỷ TKV đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh phù hợp với quy luật và diễn biến của biến đổi khí hậu, thị trường; ổn định tư tưởng, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần tích cực đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại Tập đoàn. Với tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” của tất cả người lao động, TKV hoàn thành tất cả các chỉ tiêu chủ yếu đề ra. Kết quả từ năm 2016 – 2020, tổng doanh thu của Tập đoàn dự kiến đạt 613,9 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 7,9%/năm.Tổng lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 17,9 nghìn tỷ đồng, bình quân 3,6 nghìn tỷ đồng/năm. Tập đoàn đã nộp ngân sách nhà nước ước đạt 84,5 nghìn tỷ đồng, bình quân 16,9 nghìn tỷ đồng/năm. Năng suất lao động tăng bình quân 12%/năm. Tốc độ tăng lương bình quân 9,2%/năm.
Đặc biệt năm 2019, TKV đạt tăng trưởng ấn tượng, cho thấy sự khởi sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn trên tất cả các khối lĩnh vực sản xuất. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Tập đoàn TKV là đơn vị đạt tăng trưởng cao nhất trong khối ngành công nghiệp khai khoáng. Cụ thể, TKV đã gia tăng sản xuất, cung cấp đủ than cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, góp phần tích cực đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời, triển khai và vận hành thành công mô hình “sản xuất và thương mại than”, chuẩn bị sẵn sàng năng lực sản xuất để tăng sản lượng than đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế trong các năm tiếp theo. Tổng sản lượng than khai thác trong nhiệm kỳ ước đạt 188 triệu tấn và tổng sản lượng than tiêu thụ đạt 205,8 triệu tấn.Tập đoàn cũng đã kết thúc đầu tư, đưa vào vận hành ổn định, đạt và vượt công suất thiết kế 2 dự án sản xuất alumin, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, tổng sản lượng điện sản xuất từ năm 2016 đến hết năm 2019 đạt 36,7 tỷ KWh (đặc biệt năm 2019 sản lượng điện phát đạt 9,8 tỷ kWh, cao nhất trong các năm từ trước đến nay)....
Tập đoàn TKV cho biết, trong nhiệm kỳ tới (2020-2025), Đảng bộ TKV sẽ tiếp tục không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh nhằm xây dựng TKV phát triển bền vững.Theo đó, kế hoạch năm 2021-2025, Tập đoàn đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu đạt 760 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với thực hiện giai đoạn 2015-2020, bình quân tăng 5%/năm. Lợi nhuận 17,5 nghìn tỷ đồng, bình quân 3,5 nghìn tỷ đồng/năm; nộp ngân sách tăng 5%/năm.
Tổng giá trị đầu tư 76,9 nghìn tỷ đồng, bình quân 15,4 nghìn tỷ đồng/năm; năng suất lao động tăng 6-7%/năm. Cùng đó, đảm bảo đủ việc làm cho người lao động, thu nhập bình quân tăng 5-7%/năm. Tập đoàn cũng chăm lo, thực hiện tốt các chế độ chính sách, phúc lợi và nhà ở cho người lao động. *Thành công chương trình “3 hoá” Để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, TKV đã đổi mới và thúc đẩy mạnh mẽ công tác phát triển khoa học và công nghệ; triển khai ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa và tin học hoá các công đoạn trong sản xuất. Đây là yếu tố quan trọng giúp tiết giảm nhân công lao động trực tiếp, tăng năng suất lao động, tăng mức độ an toàn và đặc biệt là tối ưu hóa quá trình hoạt động của các thiết bị trong các công đoạn sản xuất tại các đơn vị.Theo đó, TKV đã đầu tư đồng bộ thiết bị công suất lớn trong khai thác lộ thiên đã góp phần giảm tỷ lệ tổn thất tài nguyên trong khai thác hầm lò từ 23,5% xuống 20% và trong khai thác lộ thiên từ 4,9% xuống 4,3%. Đồng thời, năng suất lao động tăng lên. Nhờ đó, năng suất lao động của Tập đoàn tính theo giá trị tăng bình quân 12%/năm, vượt mục tiêu về mức tăng năng suất lao động theo Chương trình hành động số 08 ngày 08/8/2016 của Đảng ủy TKV là 4 - 5%/năm.
Thực hiện đề án tái cơ cấu, cổ phần hoá, TKV cũng đã hoàn thành cổ phần hóa 11 đơn vị thành viên; sắp xếp lại các đơn vị sản xuất than, đơn vị sự nghiệp và các chi nhánh của TKV. Cùng đó, hoàn thành việc tăng tỷ lệ sở hữu của TKV lên 65% tại 6 đơn vị sản xuất than. Cũng trong giai đoạn này, Công ty mẹ TKV đã hoàn thành việc thoái vốn tại 14 công ty con, công ty liên kết. Hiện tại, mô hình tổ chức của TKV đã tinh gọn và chuyên môn hóa cao hơn; số lượng đơn vị thành viên đã giảm từ 88 đơn vị xuống còn 65 đơn vị.
Cùng với đó, TKV đã tích cực thực hiện các giải pháp tiết giảm lao động. Tổng số lao động đã giảm từ 118 nghìn người (năm 2016) xuống còn 97,5 nghìn người (năm 2018), hoàn thành sớm 2 năm so với mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ II. Đó là đến hết năm 2020 giảm lao động xuống dưới 100.000 người. Hiện tại, tổng số lao động của TKV tiếp tục giảm còn 96,5 nghìn người.
Cùng với sự tăng trưởng về hiệu quả sản xuất kinh doanh, đời sống của công nhân cán bộ Tập đoàn không ngừng được cải thiện, nâng cao. Tiền lương bình quân đạt 12,7 triệu đồng/người/tháng, tăng 36% so với mức 9,3 triệu đồng/người/kỳ đầu nhiệm kỳ. Riêng công nhân hầm lò đạt bình quân 18 triệu đồng/tháng. Đáng chú ý, trong nhiệm kỳ, số thợ mỏ có thu nhập cao trên 300 triệu và 400 triệu đồng/năm tăng cao; các chính sách về bảo hiểm, chế độ độc hại đã được các cơ quan quản lý quan tâm giải quyết.Cũng theo TKV, đến nay Tập đoàn cơ bản giải quyết những tác động của quá trình khai thác tới môi trường. Bình quân mỗi năm, TKV giành kinh phí 1.000 tỷ đồng chi trực tiếp cho công tác bảo vệ môi trường, chưa kể hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư đổi mới công nghệ khai thác than, cơ giới hóa sản xuất, đầu tư các tuyến băng tải vận chuyển than, quy hoạch, sắp xếp hiện đại hóa các cảng than, kho than chế biến tập trung. Qua đó, tích cực giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Chỉ riêng trồng cây, hoàn nguyên bãi thải mỏ, TKV đã trồng cây phủ xanh trên 1.000 ha bãi thải, tương đương 30% diện tích bãi thải ngoài hiện có; lắp đặt 38 hệ thống quan trắc môi trường tự động theo dõi lượng bụi, khí phát thải.
Đồng thời, đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành 45 trạm xử lý nước thải mỏ công suất trên 120 triệu m3/năm, đảm bảo 100% nước thải hầm lò được xử lý theo tiêu chuẩn môi trường. Các chỉ số quan trắc môi trường đều được kết nối về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh và công bố trên hệ thống bảng thông tin điện tử./.
Tin liên quan
-
Doanh nghiệp
Giải pháp nào “giữ chân” công nhân mỏ?
09:05' - 17/06/2020
Giúp người lao động đảm bảo việc làm và đời sống chính là giải pháp giúp ngành than “níu” chân công nhân mỏ trong điều kiện khó khăn hiện nay.
-
Doanh nghiệp
Ngành than giải bài toán về tái cơ cấu
16:03' - 12/06/2020
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang từng bước vượt qua khó khăn, đạt được những kết quả khích lệ trong tái cơ cấu các doanh nghiệp trong nội bộ và các đơn vị thành viên.
-
Doanh nghiệp
TKV ứng dụng công nghệ trong sản xuất phôi thép
13:13' - 21/05/2020
Tập đoàn thực hiện đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật công nghệ, tài chính, tổ chức sản xuất để khai thác hợp lý khu Bắc mỏ sắt Nà Rụa, Kíp Tước – Lào Cai...
-
Doanh nghiệp
TKV duy trì sản xuất than dịp nghỉ lễ
09:45' - 01/05/2020
TKV khuyến khích các đơn vị duy trì sản xuất than trong dịp nghỉ lễ để tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi và đáp ứng được nhu cầu thị trường than cho sản xuất điện tăng cao trong mùa nắng nóng.
-
Doanh nghiệp
Mục tiêu kép giúp TKV ổn định sản xuất trong dịch COVID-19
13:20' - 24/04/2020
Mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng TKV vẫn ổn định được sản xuất và nộp ngân sách 6.600 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.
Tin cùng chuyên mục
-
Doanh nghiệp
Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn tại Campuchia
19:43'
Với mô hình sản xuất nông nghiệp tích hợp - tuần hoàn - khép kín, THACO AGRI ước tính từ năm 2028, các dự án sẽ mang lại doanh thu xuất khẩu 800 triệu USD/năm.
-
Doanh nghiệp
Doanh nghiệp chủ động "bắt tay" để tăng khả năng cạnh tranh
19:00'
Trước bối cảnh thị trường trong và ngoài nước tiếp tục diễn biến khó lường, ngay từ đầu năm 2025, cộng đồng doanh nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh đã chủ động “bắt tay” để tăng năng khả năng cạnh tranh.
-
Doanh nghiệp
Cần đảm bảo hài hòa quyền lợi người lao động khi thu bảo hiểm xã hội bằng cà phê
16:41'
Nhiều công nhân của Công ty Cà phê Ia Sao 1 và Công ty Cà phê 706 (thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam) phản ánh rằng, họ bị yêu cầu nộp bảo hiểm xã hội bằng cà phê.
-
Doanh nghiệp
Các "ông lớn" công nghệ Mỹ mất dần ánh hào quang
09:05'
Sức hấp dẫn của nhóm 7 "gã khổng lồ" công nghệ, gồm Apple, Microsoft, Alphabet, Amazon, Tesla, Nvidia và Meta, đang có dấu hiệu "hạ nhiệt" khi giới đầu tư bắt đầu bán tháo và tìm kiếm cơ hội mới.
-
Doanh nghiệp
Shein đối mặt áp lực giảm định giá xuống còn 30 tỷ USD
20:55' - 17/02/2025
Theo nguồn tin thân cận, nhà bán lẻ thời trang nhanh Shein đang chịu áp lực phải giảm mức định giá xuống còn khoảng 30 tỷ USD, so với mức định giá trước đó cao gấp ba lần.
-
Doanh nghiệp
Doanh nghiệp ngành gỗ và nội thất chủ động mở rộng thị trường
15:03' - 17/02/2025
Ngay từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp gỗ và nội thất đã chủ động đổi mới sản xuất và tích cực tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng.
-
Doanh nghiệp
Ấn Độ đặt mục tiêu xuất khẩu dệt may đạt hơn 100 tỷ USD năm 2030
08:44' - 17/02/2025
Ngày 16/2, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết Ấn Độ đặt mục tiêu tăng gấp ba lần kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may, đạt hơn 100 tỷ USD vào năm 2030.
-
Doanh nghiệp
Apple lên kế hoạch bổ sung Apple Intelligence vào kính thực tế ảo Vision Pro
14:35' - 16/02/2025
Apple đang khẩn trương tích hợp trí tuệ nhân tạo vào các thiết bị của mình để chiếm ưu thế trước các đối thủ.
-
Doanh nghiệp
OpenAI bác bỏ đề nghị mua lại ChatGPT của tỷ phú Elon Musk
09:39' - 16/02/2025
OpenAI- công ty phát triển chatbot AI ChatGPT cho biết, Hội đồng quản trị của công ty đã nhất trí bác bỏ đề nghị mua lại trị giá 97,4 tỷ USD từ tỷ phú Elon Musk.