Đổi mới mô hình tăng trưởng trong bối cảnh mới

12:23' - 30/10/2021
BNEWS Bên lề Quốc hội, phóng viên TTXVN đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu nhằm đạt được những mục tiêu dự kiến đề ra trong thời gian tới.

Sáng 30/10, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV đã thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sự phục hồi và phát triển kinh tế cả thế giới và trong nước.

Bên lề Quốc hội, phóng viên TTXVN đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu nhằm đạt được những mục tiêu dự kiến đề ra trong thời gian tới.

Đại biểu Đặng Ngọc Huy (Đoàn Quảng Ngãi): Nâng cao tỷ trọng đóng góp của TFP cho tăng trưởng

Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đã góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều hạn chế.

Theo đó, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm so với kế hoạch; chỉ có 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa theo danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đạt 30% theo kế hoạch. Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém còn chậm.

Cơ cấu lại đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, hiệu quả đầu tư công chưa cao.

Trong số đó, 6 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh phải điều chỉnh tổng mức đầu tư thêm 178.000 tỷ đồng. Ngoài ra, một số dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, chậm được xử lý dứt điểm.

Để khắc phục hạn chế trên cũng như hướng tới mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021-2025, tôi cho rằng cân nhắc điều chỉnh mục tiêu đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 ở mức cao hơn 45% để phấn đấu, thúc đẩy cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trước hết là với các nước trong khu vực.

Việc điều chỉnh trên cơ sở đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 đạt 45,4% và còn dư địa lớn trong giai đoạn 2021-2025, khi mà chúng ta đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ưu tiên phát triển kinh tế số, cải thiện thị trường tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Cùng với đó, tăng cường mức đóng góp của TFP trong tăng trưởng GDP cũng đồng thời góp phần cải thiện chỉ số canh tranh toàn cầu của Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) : Cần chính sách ưu tiên đầu tư công trong phát triển liên kết vùng

Trong khi phát triển liên kết vùng đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, thời gian qua, vẫn tồn tại tình trạng mỗi tỉnh thành đều muốn địa phương của mình được đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực nên nguồn lực đầu tư bị dàn trải, trùng lặp giữa các địa phương, dẫn tới nhiều công trình đầu tư công kém hiệu quả.

Thực tế, tư duy này chỉ phù hợp với thị trường tự cung tự cấp, nếu hướng tới thị trường hàng hoá cạnh tranh thế giới thì cần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực. Bởi, nếu các địa phương đầu tư giống nhau thì như nam châm cùng cực thì không hút nhau.

Do vậy, để đẩy nhanh liên kết vùng giữa các địa phương theo tôi cần có chính sách ưu tiên đầu tư công cho liên kết vùng, nghĩa là Trung ương có chính sách ưu tiên những địa phương có liên kết với nhau. Từ đó, tạo tiền đề cho các địa phương liên kết, phối hợp với nhau trong các lĩnh vực có lợi thế so sánh, tạo nên liên kết vùng, không còn đầu tư dàn trải, làm giảm hiệu quả đầu tư nguồn vốn Trung ương.

Đơn cử, trong một vùng địa phương có lợi thế là sân bay và có liên kết với các địa phương khác có sử dụng sân bay thì Trung ương nên có ưu tiên đầu tư giao thông thích ứng nhanh giữa các địa phương này với sân bay. Hay địa phương nào đầu tư khu chế biến sản xuất nâng cao giá trị và liên kết được với các vùng nguyên liệu thì Trung ương cũng có thể đầu tư liên kết giao thông giữa các vùng nguyên liệu và khu chế biến này.

Đối với những địa phương chưa liên kết được với nhau, tôi đề nghị Trung ương xem xét hỗ trợ ngân sách dựa trên hiệu quả đầu tư của từng lĩnh vực có lợi thế và hàng năm Trung ương sẽ có đánh giá ưu tiên hỗ trợ ngân sách đầu tư phát triển theo đúng lĩnh vực địa phương để phát huy hiệu quả cao hơn. Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính nên nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số hiệu quả sử dụng ngân sách nói chung và trong từng ngành, lĩnh vực nói riêng làm cơ sở đánh giá hiệu quả đầu tư của nền kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Cường (Đoàn Hà Nội): Thiếu trụ cột để phát triển tự chủ và bền vững

Tôi có băn khoăn khi nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có ý kiến không cần thiết đưa nội dung tái cơ cấu kinh tế thành một kế hoạch riêng, do khá nhiều nội dung của kế hoạch trùng lặp với nội dung đã được nêu trong văn kiện Đại hội Đảng.

Theo tôi, việc cơ cấu lại nền kinh tế chính là thay đổi về cơ cấu hay thay đổi về quan hệ tỷ lệ, phân bổ nguồn lực để thay đổi về quy mô, tốc độ và trình độ phát triển của các ngành cũng như các lĩnh vực gồm các thành phần kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh ảnh hưởng dịch bệnh hiện nay, nền kinh tế rất cần thiết để cơ cấu lại.

Thực tế, việc phân bổ nguồn lực nội tại của nền kinh tế đang mất cân đối. Ví dụ như vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước đang chiếm rất lớn, nhưng hiệu quả hoạt động chưa đạt như mong muốn. Trong khi khu vực tư nhân thì không có khả năng tiếp cận hoặc nhiều vùng có khả năng phát triển tốt nhưng đầu tư phát triển lại chưa cân xứng như hạ tầng đầu tư tại Đồng bằng sông Cửa Long thấp hơn nhiều so với vùng khác.

Cùng với đó, mục tiêu của chúng ta đặt ra là Việt Nam phải là một quốc gia hùng cường mà quốc gia nào cũng phải dựa trên trụ cột hoặc phải có các tập đoàn kinh tế mạnh để không chỉ làm chủ kinh tế trong nước mà vươn ra thị trường thế giới.

Vậy nên, theo tôi, Việt Nam cần có những cơ chế đột phá để tạo lập ra những chỗ đứng thay đổi mục tiêu đầu tư. Nếu như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội này đưa ra được các giải pháp thực sự đột phá mà trong các quy định luật pháp không có, Quốc hội cần thông qua kế hoạch này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục