Đối phó với rủi ro tiềm ẩn của việc ứng dụng rộng rãi công nghệ AI

08:17' - 10/11/2023
BNEWS Sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ AI sẽ gây ra mối đe dọa hiện hữu cho thế giới nếu không được kiểm soát bởi các quy định chặt chẽ từ các chính phủ, cơ quan quốc tế và doanh nghiệp công nghệ.

 

Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về an toàn trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên trên thế giới vừa được tổ chức tại Bletchley Park (Anh) đầu tháng 11/2023. Tại hội nghị, các bên tham gia đã nhất trí rằng Hàn Quốc sẽ đồng đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về AI tiếp theo trong vòng sáu tháng tới.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã tham dự hội nghị dưới hình thức trực tuyến. Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Yoon Suk-yeol nhận định khoảng cách kỹ thuật số đang làm sâu sắc thêm khoảng cách kinh tế. Ông cho rằng cần thúc đẩy hợp tác toàn cầu nhằm sử dụng và quản trị AI một cách an toàn hơn. Sự phát triển của kỹ thuật số phải đóng góp vào việc mở rộng tự do và phúc lợi cho con người, không được phép đe dọa tới sự an toàn của cá nhân và xã hội. Những lợi ích vượt trội từ kỹ thuật số phải được san sẻ đều cho toàn xã hội.

Văn phòng Tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết sẽ cân nhắc đầy đủ ý kiến của các nước đưa ra tại hội nghị lần này, để tiếp tục thảo luận, chuẩn bị chương trình nghị sự cho hội nghị tiếp theo.

Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về an toàn AI do Anh tổ chức tại Bletchley Park, với sự tham gia của hơn 100 khách mời, gồm lãnh đạo các nước lớn, các nhà doanh nghiệp hàng đầu thế giới về AI, giới học giả và các nhà chuyên môn. Diễn ra trong bối cảnh công nghệ AI đang nổi lên thành vấn đề toàn cầu và nguyên tắc sử dụng AI an toàn, phục vụ phát triển bền vững là mối quan tâm không chỉ của các nước phát triển, hội nghị đã thu hút sự quan tâm toàn cầu.

 

Tại hội nghị, đại diện các nước tham gia trong đó có Mỹ, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU) đã thảo luận về những rủi ro và cơ hội, do sự phát triển nhanh chóng của AI mang lại. Trong ngày họp đầu tiên, 28 quốc gia cùng với EU đã ký thỏa thuận công nhận cần có hành động quốc tế trong việc phát triển và quản lý AI.

Cũng tại hội nghị, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), cùng với Australia, Hàn Quốc, Singapore và EU đã ký thỏa thuận với các công ty hàng đầu về AI như OpenAI, Anthropic, Google DeepMind và Microsoft để thử nghiệm các mô hình AI mới nhất trước và sau khi phổ biến chúng.

Rất đông nhà lãnh đạo của các công ty công nghệ hàng đầu bao gồm tỷ phú Elon Musk và nhà sáng lập công ty OpenAI Sam Altman, chủ sở hữu ứng dụng ChatGPT, đã tham dự hội nghị thượng đỉnh. Một số giám đốc điều hành công nghệ và các quan chức chính trị cảnh báo rằng sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ AI sẽ gây ra mối đe dọa hiện hữu cho thế giới nếu không được kiểm soát, tạo ra một cuộc chạy đua giữa các chính phủ và cơ quan quốc tế, nhằm thiết kế các biện pháp đảm bảo an toàn và các quy định mới.

Các thành viên tham dự hội nghị tập trung xác định nguồn rủi ro có thể xuất hiện, xây dựng hiểu biết khoa học về rủi ro, đồng thời phát triển các chính sách xuyên biên giới để giảm thiểu chúng. Hơn nữa, trong hội nghị, các diễn giả đã lần lượt trình bày về rủi ro an toàn AI, xác định đây là mối quan tâm chung trong bối cảnh cấp thiết phải có cách tiếp cận toàn cầu rộng hơn để hiểu tác động của AI đối với xã hội. Theo đó, các nước tham dự hội nghị nhất trí cần xây dựng và duy trì sự hiểu biết chung về rủi ro dựa trên bằng chứng và khoa học.

Ngoài ra, việc xây dựng các chính sách dựa trên rủi ro riêng lẻ của từng quốc gia và hợp tác quốc tế là vô cùng cần thiết. Do cách tiếp cận của mỗi quốc gia có thể khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh quốc gia và khung pháp lý hiện hành. Chính điều này khiến giới hoạch định chính sách cho rằng cần tăng cường tính minh bạch của các công ty AI tư nhân, tăng cường đưa ra các số liệu đánh giá phù hợp, các công cụ kiểm tra an toàn, năng lực của khu vực công trong nghiên cứu và phát triển khoa học cùng như giám sát công nghệ.

Các quốc gia tham gia đều nhất trí các tính năng quan trọng nhất của một khái niệm mới là Frontier AI, hay còn gọi là trí tuệ nhân tạo tiên phong - là cách viết tắt của các hệ thống AI thế hệ mới nhất và mạnh mẽ nhất, đưa công nghệ đạt đến giới hạn mới mà con người còn chưa khám phát hết. Ứng dụng ChatGPT và Bard của Google, sử dụng mô hình ngôn ngữ quy mô lớn (LLM), được coi là sự khởi đầu của làn sóng AI tạo sinh trên toàn cầu.

Tuy nhiên, các sản phẩm AI đã thương mại hóa trên thị trường hiện nay vẫn chưa đạt đến giai đoạn AI đa năng (phát triển bằng cách tự đưa ra suy luận mà không cần sự can thiệp của con người). Tốc độ phát triển AI quá nhanh và tiềm ẩn nhiều rủi ro quá lớn nên cộng đồng quốc tế đang phải chạy đua để đưa ra các biện pháp phòng ngừa.

Các mô hình Frontier AI đang phổ biến hiện nay có khả năng gây ra tác hại nghiêm trọng nếu sử dụng sai mục đích dù có chủ ý hoặc vô tình. Đặc biệt các rủi ro do AI gây ra có thể tác động đặc biệt nghiêm trọng đến an ninh mạng, công nghệ sinh học và gây ra thông tin sai lệch. Giới chức hàng đầu các nước cũng nhìn nhận rằng cần thiết phải hiểu sâu hơn về những rủi ro và những khả năng chưa được biết đầy đủ về AI, để có biện pháp quản trị, giám sát. Do đó, việc hợp tác xây dựng mạng lưới nghiên cứu khoa học toàn cầu tiên tiến về an toàn AI trở nên cấp thiết.

Những lo ngại về tác động mà AI có thể gây ra đối với nền kinh tế và xã hội bắt đầu vào tháng 11/2023 khi OpenAI, do Microsoft hậu thuẫn, phát hành ChatGPT ra công chúng. Việc sử dụng các công cụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên để tạo ra các cuộc trò chuyện giống con người đã làm dấy lên lo ngại từ một số nhà nghiên cứu tiên phong về AI. Họ cho rằng theo thời gian, máy móc có thể đạt được trí thông minh vượt trội hơn con người, dẫn đến những hậu quả không lường trước được.

Trong khi EU tập trung giám sát AI liên quan đến yếu tố quyền riêng tư và giám sát dữ liệu cũng như tác động tiềm tàng đối với nhân quyền, thì nhiều nước tham gia hội nghị thượng đỉnh tại Anh đã thể hiện sự lo ngại về các rủi ro hiện hữu của các mô hình Frontier AI có mục đích chung, hiệu suất cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục