Đối thoại chính sách hành chính thuế - hải quan

12:57' - 27/11/2018
BNEWS Bộ Tài chính sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện chính sách về thuế và hải quan, nhằm thúc đẩy môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Gỡ vướng về chính sách và thủ tục hành chính thuế - hải quan. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Ngày 27/11, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế hải quan năm 2018, nhằm trao đổi và bàn bạc các vấn đề liên quan đến hoạt động của ngành thuế và hải quan trong mối quan hệ với cộng đồng doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và hỗ trợ, tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi.
Theo Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng, hai ngành thuế và hải quan có mối quan hệ đặc biệt và xuyên suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Do tính chất hoạt động, ngành thuế và hải quan có tác động mạnh đến hoạt động của doanh nghiệp nhưng cũng chịu sự giám sát chặt chẽ nhất của cộng đồng các doanh nghiệp.
Báo cáo khảo sát của VCCI năm 2017 đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp về ngành thuế và hải quan cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng với các thủ tục thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, thành lập doanh nghiệp ngày càng tăng lên.
Nhiều chỉ số đánh giá quan trọng cũng đều ở điểm cao nhờ sự dễ dàng tiếp cận thông tin, hiệu quả của việc cải cách thủ tục hành chính và thái độ tiếp nhận, xử lý các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp của công chức ngành thuế và hải quan.
Nhiều vấn đề trước đây được coi là nóng như chi phí không chính thức được phản ánh tiếp tục giảm mạnh, tạo không khí tin cậy và hợp tác giữa cán bộ thuế, hải quan với doanh nghiệp
Ông Hoàng Quang Phòng cho biết, Bộ Tài chính được ghi nhận luôn đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, nằm trong nhóm 3/19 bộ, cơ quan ngang bộ về chỉ số cải cách hành chính trong 4 năm qua (từ năm 2014 đến năm 2017) và là bộ đứng đầu về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong 6 năm liên tiếp (từ năm 2013 đến năm 2018).
Thời gian nộp thuế và thời gian thực hiện thủ tục thông quan hàng hoá (năm 2017 còn dưới 111 giờ, giảm 420 giờ so với năm 2013; Thời gian giải phóng hàng nhập khẩu giảm từ 42 giờ năm 2014 xuống còn 34 giờ năm 2016...).
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, Chính phủ luôn ưu tiên chú trọng việc cải cách thủ tục hành chính; trong đó có thủ tục về thuế, hải quan để tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho các doanh nghiệp. Bộ Tài chính đã xây dựng, trình Quốc hội cho ý kiến (tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14 vừa qua) đối với dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 14.
Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban hành các Nghị định trong lĩnh vực tài chính, thuế và hải quan với các quy định về cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đặc biệt, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 151/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 sửa đổi, bổ sung 14 Nghị định trong lĩnh vực tài chính, qua đó cắt giảm, đơn giản hóa 117 điều kiện kinh doanh.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã ban hành các thông tư hướng dẫn về thuế, hải quan kịp thời, đồng thời đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan rà soát và xây dựng các chương trình hành động cụ thể nhằm giảm bớt thủ tục hành chính và giảm thời gian nộp thuế, thời gian khai hải quan cho người nộp thuế, người khai hải quan, ứng dụng mạnh mẽ vào công tác quản lý thuế, hải quan.
Năm 2018, kết quả xếp hạng Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính 2018 (Chỉ số APCI 2018), ngành thuế xếp thứ nhất trong 8 nhóm thủ tục hành chính được đánh giá với chi phí tuân thủ là thấp nhất (là 73,75 nghìn đồng); trong đó, thời gian thực hiện trung bình của doanh nghiệp cho một thủ tục hành chính chỉ là 2,9 giờ làm việc.
Tính đến nay, số doanh nghiệp đã thực hiện khai thuế qua mạng Internet đạt 99,96% số doanh nghiệp thuộc diện quản lý thuế. Việt Nam cũng đã triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử tại 63/63 tỉnh, thành phố; tiếp tục triển khai thực hiện dịch vụ về kê khai, nộp thuế điện tử; hoàn thuế điện tử; hóa đơn điện tử;…
Trong lĩnh vực hải quan, thời gian qua đã rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá đối với 223 thủ tục hải quan; tiếp tục triển khai thực hiện thủ tục hải quan điện tử. Hiện, hệ thống hải quan điện tử (VNACCS/VCIS) đã được triển khai tại 100% đơn vị hải quan trên toàn quốc với 100% quy trình thủ tục được tự động hóa và hơn 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử.
Ngành hải quan cũng đã triển khai Chương trình quản lý giám sát hải quan tự động cảng biển, cảng hàng không; thí điểm triển khai hệ thống thông tin, quản lý các doanh nghiệp hoạt động gia công sản xuất xuất khẩu; triển khai nộp thuế qua ngân hàng,...
Tổng cục Hải quan cũng triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, điện tử hóa nhiều khâu thủ tục, giúp giảm bớt thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, giao hàng kịp thời cho đối tác, giảm bớt sự tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ hải quan và doanh nghiệp, hạn chế tiêu cực có thể xảy ra.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng, các chính sách và thủ tục hành chính về thuế và hải quan đòi hỏi phải liên tục được hoàn thiện, cập nhật kịp thời cho phù hợp với yêu cầu thực tế; trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp lại rất sôi động, đa dạng.

Do đó trong quá trình áp dụng các quy định của chính sách và thủ tục hành chính vào thực tiễn không tránh khỏi có các khó khăn, vướng mắc.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến của doanh nghiệp thắc mắc về việc sử dụng hóa đơn điện tử, thời gian áp dụng và cách thức lưu trữ hóa đơn điện tử; vấn đề lệ phí trước bạ, quy định trần lãi vay 20% đối với giao dịch kiên kết, thủ tục xuất hóa đơn, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, vấn đề hoàn thuế, chính sách thuế đối với xuất nhập khẩu tại chỗ,...
Đại diện Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan đã giải đáp cặn kẽ những thắc mắc của doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, Bộ Tài chính sẵn sàng lắng nghe những ý kiến đóng góp từ phía các doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện chính sách, đồng thời tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về thủ tục hành chính, chính sách thuế và hải quan, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy môi trường đầu tư tại Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục