Đòn bẩy nào để kích cầu nội địa và tiêu dùng cá nhân hiệu quả?

09:27' - 23/07/2020
BNEWS Nhằm kích cầu thị trường nội địa và phục hồi kinh tế, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt chính sách kịp thời, từng bước hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của nhiều nước, trong đó có Việt Nam, việc đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước được xác định là đòn bẩy kinh tế hữu hiệu, nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khôi phục tăng trưởng kinh tế.

Kích cầu tiêu dùng nội địa - đòn đẩy kinh tế hữu hiệu

Đại dịch COVID-19 đã làm kinh tế bị đình trệ, đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại của thị trường nội địa.

Theo Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam chỉ tăng 1,81%, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2020 đạt 2.380,8 nghìn tỷ đồng, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm 5,3% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,5%). Đây là một sự sụt giảm đáng lo ngại.

Để khắc phục tình trạng trên, theo các chuyên gia, mô hình phục hồi kinh tế hiện nay là củng cố thị trường trong nước trước, sau đó mới vươn ra thị trường nước ngoài.

Hiện nay, tại Việt Nam, trung bình cứ 100.000 dân thì cần có 1 đại siêu thị và 1 trung tâm thương mại, cứ 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung bình, còn 1.000 dân cần 1-3 cửa hàng tiện lợi.

Bên cạnh đó, Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ, chi tiêu hộ gia đình dự báo tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/tháng vào năm 2020...

Về tiềm năng phát triển, thị trường phân phối của Việt Nam được đánh giá là thị trường hấp dẫn khi thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao, tầng lớp trung lưu đang tăng rất nhanh, tỷ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam cũng thuộc loại cao so với các nước trong khu vực, trên 70%.

Đây là những yếu tố tiềm năng và là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phân phối của Việt Nam có thể mở rộng thị phần và có rất nhiều cơ hội để phát triển.

Thời điểm sau dịch COVID-19, kích cầu tiêu dùng là một trong những biện pháp hiệu quả để giúp khơi thông và tái cấu trúc nền kinh tế đất nước.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: “Khi doanh nghiệp gặp khó về thị trường tiêu thụ, thì việc đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ là hành động thiết thực hậu thuẫn cho doanh nghiệp Việt. Gói kích cầu lớn nhất chính là tình yêu nước, yêu doanh nghiệp Việt của người tiêu dùng Việt trong bối cảnh khó khăn hiện nay”.

“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Nhằm kích cầu thị trường nội địa và phục hồi kinh tế, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt chính sách kịp thời, từng bước hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn.

Ngày 2-6-2020, tại cuộc họp thường kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “Phải lấy cung làm chủ đạo, đẩy mạnh cầu của nền kinh tế, trong đó đẩy mạnh kích cầu nội địa và tiêu dùng cá nhân”.

Bộ Công Thương đã xây dựng và thực hiện chương trình hành động, trong đó đưa ra hàng loạt biện pháp, giải pháp nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, phát triển thương mại cho giai đoạn mới, đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Theo đó, đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với Chương trình Khuyến mại tập trung quốc gia 2020 áp dụng trên địa bàn toàn quốc.

Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương đầu tiên triển khai chương trình này. Theo đó, chương trình “60 ngày vàng khuyến mại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” kéo dài từ ngày 1-6 đến ngày 30-7-2020.

Khi tham gia chương trình, doanh nghiệp có thể tổ chức nhiều hoạt động khuyến mại đa dạng với hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại lên tới 100%.

Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội năm 2020 diễn ra vào tháng 6, 7 và tháng 11, thay vì chỉ diễn ra một lần vào tháng 11 như mọi năm.

Với chủ đề “60 ngày vàng - rộn ràng mua sắm”, hàng loạt chuỗi sự kiện được tổ chức như: Tuần hàng Việt, Ngày vàng khuyến mại, phiên chợ Việt, hội chợ mỗi xã một sản phẩm...

Trong tháng 7, chương trình sẽ tiếp tục kết hợp hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam”. Trong đó, nổi bật là “Tuần doanh nghiệp tri ân người tiêu dùng” với 100 điểm bán hàng giảm giá, khuyến mại.

Chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp trên địa bàn các thành phố lớn. Ngày đầu tiên của chương trình khuyến mại tập trung tại một số trung tâm thương mại, siêu thị điện máy lớn.

Trong đó, hệ thống siêu thị Media Mart triển khai chương trình giảm giá 30%-70%, hoàn tiền tới 10% cho hàng nghìn sản phẩm tivi, tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ, đồ gia dụng...

Hệ thống siêu thị điện máy Pico giảm giá tới 50% cho hàng loạt sản phẩm; đồng thời kết hợp sự kiện “Ngày vàng giá sốc” mua 1 tặng 1...

Cùng với các chương trình khuyến mại, các hội nghị kết nối cung cầu cũng liên tục diễn ra trong thời gian qua. Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - khẳng định, đây là cơ hội để quảng bá nông sản thực phẩm không chỉ tại thị trường trong nước mà còn giới thiệu các sản phẩm tới hệ thống phân phối quốc tế, các tham tán, đại diện cơ quan ngoại giao ở nước ngoài.

Các hoạt động kết nối cung, cầu, góp phần đánh thức thị trường đã trầm lắng trong thời gian qua và sẽ là biện pháp hiệu quả nếu việc tổ chức được diễn ra liên tục thường xuyên và trên phạm vi rộng khắp cả nước.

Cần những chính sách dài hơi

Theo các chuyên gia kinh tế, kích cầu tiêu dùng nội địa không chỉ là giải pháp giúp doanh nghiệp đứng vững trong khó khăn do dịch COVID-19 mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm, giành được lòng tin từ các "thượng đế" trong nước, nắm được lợi thế cạnh tranh với các mặt hàng chất lượng cao và giá rẻ từ các nước tràn sang.

Tuy nhiên, hiện kênh siêu thị, trung tâm thương mại mới chiếm 25% thị phần bán lẻ; thị trường nông thôn còn trống vắng, kênh truyền thống bao gồm chợ, cửa hàng lẻ tuy chiếm đến 75% thị phần bán lẻ nội địa song doanh số một số năm gần đây bị suy giảm từ 20-30%, hạ tầng của kênh thương mại truyền thống chưa được quan tâm đúng mức trong khi lại phải cạnh tranh một cách quyết liệt với kênh thương mại hiện đại của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Chính vì vậy, về lâu dài, các chuyên gia cho rằng, muốn phục vụ việc kích cầu thị trường nội địa cần phải xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối quốc gia bao gồm các vùng sản xuất tập trung theo thế mạnh, đi đôi với các trung tâm dự trữ hàng hóa, nhà máy chế biến, hạ tầng giao thông, các dịch vụ logistics, cần sớm thiết lập hệ thống các chợ đầu mối nhằm đảm bảo cho hàng hóa sản xuất ra được giao dịch một cách công khai minh bạch trên thị trường, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Những thủ tục hành chính thành lập các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các chuỗi bán lẻ cần phải thông thoáng, tốn ít chi phí và thời gian.

Nhà nước cần làm tốt công tác kiểm soát thị trường, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế.

Ngoài sự hỗ trợ về mọi mặt của nhà nước và các bộ ngành, các địa phương thì các doanh nghiệp bao gồm cả bán hàng trực tiếp và bán hàng online đều phải làm tốt công tác xây dựng thương hiệu của hàng hóa, thương hiệu bán lẻ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng liên kết hợp tác sản xuất kinh doanh, tiến tới hình thành các tập đoàn sản xuất kinh doanh lớn, đủ sức dẫn dắt thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài ngay ở thị trường nội địa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục