Dồn điền đổi thửa để sản xuất tập trung và tiêu thụ theo chuỗi giá trị

09:24' - 29/05/2022
BNEWS Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, việc dồn điền đổi thửa đã từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung và tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

Những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành các quy định, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các địa phương cùng người dân, các hộ gia đình, đơn vị liên kết thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa.
Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ năm 2013 đến cuối năm 2020, tỉnh Quảng Ngãi đã cấp gần 110 tỷ đồng cho 7/13 huyện, thị xã, thành phố tổ chức dồn điền đổi thửa. Nhờ đó, toàn tỉnh đã có 69 xã thực hiện trên khoảng 263 cánh đồng, với diện tích là 7.609,4 ha, đạt 71,52% so với kế hoạch đề ra.

 

Trong năm 2021, toàn tỉnh chỉ có UBND huyện Mộ Đức đăng ký dồn điền đổi thửa trên diện tích 62 ha theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, đến nay huyện Mộ Đức vẫn đang hoàn thiện thủ tục để có thể thực hiện.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, việc dồn điền đổi thửa đã khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Bình quân sau khi dồn điền đổi thửa, mỗi hộ giảm còn 1-2 thửa/hộ (trước khi dồn điền đổi thửa bình quân mỗi hộ có từ 3-4 thửa/hộ), tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là trong việc quy hoạch bờ vùng, bờ thửa, bố trí lại sản xuất để gắn với xây dựng cánh đồng lớn; đặc biệt, hiệu quả về kinh tế tăng khá rõ rệt so với trước đây, ước tính tăng khoảng 30 - 40% giá tri.̣
Dồn điền đổi thửa cũng mang lại những giá trị xã hội nhất định, như làm thay đổi tư duy sản xuất, thay đổi tập quán canh tác tự do truyền thống, nông dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất tập trung, giúp hạn chế sâu bệnh, điều tiết nước hợp lý và giảm chi phí cho người dân. Những cơ sở hạ tầng như đường xá, kênh, mương dẫn nước… đều được đầu tư nâng cấp để phục vụ cho sản xuất.
Theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi, Hiện nay diện tích thực hiện dồn điền đổi thửa vẫn còn thấp so với diện tích thực tế canh tác (chiếm khoảng 21,2% theo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 – Quyết định 147/QĐ-UBND) và chủ yếu tập trung trên đất trồng lúa. Hơn nữa, chính sách hỗ trợ khuyến khích dồn điền đổi thửa đã hết hiệu lực và chưa có chính sách mới để thay thế.
Trước thực trạng này, mới đây Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đã đi thăm và kiểm tra việc dồn điền đổi thửa ở huyện Mộ Đức và Đức Phổ. Tại huyện Mộ Đức, từ năm 2014-2020, đã thực hiện dồn điền đổi thửa tại 101 cánh đồng lúa của 10 xã trên địa bàn, với tổng diện tích khoảng 2.150 ha. Các xã có diện tích dồn điền đổi thửa lớn như Đức Hòa (477 ha), Đức Phú (438 ha), Đức Chánh (290 ha), Đức Lân (266 ha), Đức Hiệp (260 ha)…
Cùng thời gian trên, diện tích dồn điền đổi thửa tại thị xã Đức Phổ là trên 1.900 ha tại 44 cách đồng của 13 xã, phường của thị xã.
Để hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hướng đến mục tiêu liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xây dựng, tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 theo hướng phân giao việc hỗ trợ theo cấp ngân sách rõ ràng, kết hợp thực hiện kêu gọi xã hội hóa; trong đó, việc thực hiện phương án xã hội hóa trong dồn điền đổi thửa tại những cánh đồng có điều kiện phải công khai, đảm bảo quy định pháp luật, nghĩa vụ có liên quan; kiểm tra, sự giám sát chặt chẽ của chính quyền và người dân vùng thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cho rằng, thời gian tới, các địa phương cần kết hợp thực hiện dồn điền đổi thửa với quy hoạch bố trí hệ thống cây trồng trên đồng ruộng phù hợp quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Chủ động hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hướng đến mục tiêu liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.
Để việc dồn điền đổi thửa có sự tham gia của nông dân, chính quyền địa phương và nhất là có sự tham gia của các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh, ngành nông nghiệp phải xây dựng phương án, lộ trình cụ thể, công khai minh bạch; trong đó phải có sự đồng thuận của người dân và trách nhiệm của doanh nghiệp khi thực hiện.
Bên cạnh đó, các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được việc thực hiện dồn điền đổi thửa là mang lại lợi ích cho chính người nông dân, điều kiện canh tác thuận lợi, giá trị nông sản được nâng lên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục