Dồn đổi ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa - Bài 1: Vượt qua rào cản

14:10' - 31/07/2021
BNEWS Khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tỉnh Phú Thọ đã tập trung dồn đổi, tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển nông nghiệp hàng hóa và nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nhiều năm qua tỉnh Phú Thọ đã tập trung dồn đổi, tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển nông nghiệp hàng hóa và nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên kết quả không như mong đợi. Khắc phục khó khăn, vượt qua rào cản là những nỗ lực mà Phú Thọ đang thực hiện nhằm tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp.

Tâm lý sợ ảnh hưởng đến lợi ích và ngại thay đổi, ngại va chạm đã trở thành “rào cản” trong việc dồn đổi, tích tụ ruộng đất của tỉnh Phú Thọ.

Sau thời gian dài triển khai, việc dồn đổi ruộng đất trên địa bàn chưa thực sự hiệu quả, không như mong muốn. Vượt qua khó khăn, nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo trong "dồn điền đổi thửa" để tạo cú hích giúp nông nghiệp địa phương phát triển.

12 năm giảm 2 thửa/hộ

Theo Nghị định 64/CP của Chính phủ, ngày 27/9/1993, về việc giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh Phú Thọ đã giao 96% diện tích đất nông nghiệp, 80% diện tích lâm nghiệp cho các hộ dân quản lý sử dụng và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng.

Việc giao khoán ruộng được chia theo  nguyên tắc người nào cũng có đất tốt, đất xấu, đất xa, đất gần; đất cao, đất thấp.

Kiểu chia này khiến cho ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ, có nơi lên tới 60 thửa/hộ, vị trí rải rác trên nhiều cánh đồng trở thành "rào cản" trong tổ chức sản xuất tập trung, tăng chi phí công lao động, khó áp dụng cơ giới hóa, điều hành thủy lợi và quản lý đất đai.

Trước yêu cầu bức thiết về nông nghiệp hàng hóa, năm 2004 Tỉnh ủy Phú Thọ đã có Nghị quyết số 18-NQ/TU (Nghị quyết 18) về dồn đổi, tích tụ ruộng đất, năm 2008 Ban thường vụ Tỉnh ủy có thông báo tiếp tục triển khai Nghị quyết.

Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện, việc dồn đổi ruộng đất vẫn không đạt kết quả như  mong đợi. Số thửa trên hộ giảm không đáng kể, diện tích bình quân/thửa đạt rất thấp.

Tại xã Sơn Nga, huyện Cẩm Khê, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết, chính quyền đã triển khai chương trình, kế hoạch thực hiện dồn đổi, tích tụ, tập trung đất đai đến từng khu dân cư.

Mặc dù đã vận động, tuyên truyền liên tục về chính sách nhưng người dân trong xã vẫn phản đối việc dồn đổi ruộng đất do tâm lý hơn thua. Đến nay xã Sơn Nga vẫn chưa thống nhất được phương án để dồn đổi ruộng đất.

Còn tại xã Lương Nha, huyện Thanh Sơn, do chưa bố trí được kinh phí để xây dựng hệ thống đường nội đồng, trong khi phía tỉnh và trung ương cũng chưa có chính sách hỗ trợ các địa phương hoàn thiện hệ thống công trình giao thông, thủy lợi nội đồng nên phương án dồn đổi ruộng đất của xã vẫn nằm im trên giấy.

Theo lãnh đạo Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, trên địa bàn tỉnh, nhiều xã cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Một số xã mặc dù có triển khai dồn đổi nhưng chỉ dừng lại quy mô nhỏ lẻ không mang lại hiệu quả cao, chưa đáp ứng được các tiêu chí của tỉnh.

Nguyên nhân là do tâm lý ngại thay đổi, ngại va chạm của một số địa phương. Người dân sợ ảnh hưởng tới lợi ích, không muốn tham gia thực hiện.

Tại một số nơi, đồng đất không đồng đều, chênh lệch về hiệu quả sản xuất cũng khiến dân không dễ đồng thuận.

Ruộng đất manh mún, hiệu quả kinh tế kém nêm nông dân không "mặn mà" đầu tư vào nông nghiệp mà có xu hướng chuyển vốn sang đầu tư các lĩnh vực khác hoặc không sản xuất nhưng vẫn giữ ruộng đất để dự phòng.

Mặt khác, cấp ủy, chính quyền nhiều nơi cũng chưa thực sự coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để chỉ đạo quyết liệt, phương thức dồn đổi chưa sát với thực tế và một bộ phận người dân chưa nhận thức đúng và đầy đủ nên chưa tích cực tham gia...

Sau 12 năm từ 2004-2016 triển khai Nghị quyết 18 của ban thường vụ Tỉnh ủy, ruộng đất tại nhiều địa phương trong tỉnh vẫn manh mún, nhỏ lẻ, khó áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới còn hạn chế. Bình quân từ 10 thửa/hộ, sau dồn đổi xuống còn 8 thửa/hộ, giảm 2 thửa/hộ, diện tích bình quân chỉ đạt 257m2.

Vượt khó tìm lối đi riêng

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc từ những năm trước, năm 2016 Tỉnh ủy Phú Thọ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 08 về công tác dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 (Nghị quyết 08).

Lần này, việc thực hiện dồn đổi ruộng đất sẽ tập trung ở những xã, những vùng có điều kiện dồn đổi và các xã phấn đấu đạt chuẩn, cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2020.

Bên cạnh đó, việc dồn đổi ruộng đất vẫn sẽ đảm bản ổn định diện tích đất của các hộ và các khu trong thời điểm chia ruộng đất trước đây.

Cùng với dồn đổi, tỉnh sẽ tiến hành đo đạc địa chính và chỉnh lý lại trên bản đồ, sau đó cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới cho người dân và đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng giao thông hoàn chỉnh; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền tạo được chuyển biến tích cực về tư tưởng và nhận thực của người dân.

Ngay sau Nghị quyết 08 được ban hành, hầu hết các huyện, thành, thị và các xã, thị trấn đã ban hành Nghị quyết riêng, xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức tuyên truyền, triển khai đến tận các khu dân cư; đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo tại cấp chính quyền, giao nhiệm vụ cho từng thành viên  để chỉ đạo thực hiện. Vận dụng sáng tạo các Nghị quyết vào thực tế, nhiều địa phương đã có cách làm táo bạo triển khai dồn đổi, tích tụ, tập trung đất đai, tạo một “cú hích” giúp cho nông nghiệp địa phương.

Điển hình, xã Lương Lỗ, huyện Thanh Ba đã thành công với phương án "đập ra xây lại", trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh Phú Thọ hoàn thành dồn đổi ruộng đất.

Xã đã thống nhất toàn bộ diện tích đất ruộng của các hộ dân được san phẳng, bỏ hết bờ bao, góp thành một khu đồng chung, sau đó tiến hành xây dựng giao thông nội đồng, mương tưới tiêu theo đúng quy hoạch, rồi tiến hành chia lại bằng hình thức bốc thăm.

Toàn bộ diện tích ruộng sau dồn đổi được chia công bằng, nhà nào cũng giáp đường, mương nên người dân rất phấn khởi. Nhờ cách làm này, xã Lương Lỗ hình thành được cánh đồng lúa mẫu lớn với diện tích lên đến 200 ha, thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa và các giống mới có năng suất cao vào sản xuất. Năng suất lúa đạt cao hơn trước khi dồn đổi trên 30%, giá trị của giống lúa mới cao hơn 1,5 lần. Hiện toàn xã đã trang bị hơn 70 máy cày bừa, 20 máy gặt đập liên hoàn, hơn 30 ô tô vận chuyển các loại…

Xã Hương Nộn huyện Tam Nông chọn phương án giao đất đảm bảo “tiện canh, tiện cư”, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng đơn vị, kết hợp với quy hoạch giao thông, thủy lợi theo đề án nông thôn mới đã được phê duyệt. Xã đã thực hiện rũ rối, chia lại ruộng đất bằng hình thức gắp phiếu, ưu tiên nhân dân gắp phiếu trước, cán bộ đảng viên gắp phiếu sau.

Có khu dân cư còn vận động cán bộ, đảng viên nhận chân ruộng, đất xấu. Từ chỗ bình quân 6,4 thửa/hộ, sau dồn đổi bình quân mỗi hộ còn 3,47 thửa, một số khu chỉ còn hơn một thửa/hộ.

Ruộng đất bằng phẳng, xã đã quy hoạch thành các vùng chuyên canh sản xuất cây hương liệu, rau an toàn; trong đó, nhiều diện tích rau an toàn cho thu nhập bình quân 250-280 triệu đồng/ha.

Cùng với dồn đổi ruộng đất, xã đã quy hoạch bổ sung 63 tuyến giao thông dài hơn 13km, 21 tuyến kênh mương tưới tiêu dài 5,6km cùng hệ thống bờ lô, bờ thửa phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ cho biết, từ năm 2016 đến tháng 7/2021 toàn tỉnh đã có 53 xã, thị trấn của 8 huyện đã tổ chức triển khai dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai trên thực địa. Tổng diện tích đất được dồn đổi, tích tụ gần 6.300ha, với trên 32.700 hộ tham gia.

Trước khi dồn đổi, tích tụ số thửa bình quân là 5,9 thửa/hộ, diện tích bình quân 232,1m2/thửa. Sau dồn đổi, tích tụ số thửa bình quân 2,1 thửa/hộ, diện tích bình quân 656,8m2/thửa, tăng 424 m2/thửa. Riêng các xã đồng bằng, diện tích bình quân 730 m2/thửa, có nơi đạt 1.080 m2/thửa.

Thành công trong "dồn điền đổi thửa" đã mở đường cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, thúc đẩy các loại hình kinh tế nông nghiệp phát triển, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới ở Phú Thọ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục