Đồng bằng sông Cửu Long quy hoạch canh tác nông nghiệp theo phân vùng

18:02' - 30/01/2018
BNEWS Trong phương thức canh tác nông nghiệp truyền thống của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, việc ngăn mặn, ngăn lũ, coi mặn và lũ là rào cản đã không còn đúng với định hướng phát triển nông nghiệp hiện đại.
Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh:vTTXVN

Biến thách thức thành cơ hội cho nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long là nội dung chính trong hội thảo “Đánh giá tác động của việc phát triển và phổ biến những kỹ thuật mới thuộc chương trình CURE ở Đông Nam Á”, do Đại học Cần Thơ phối hợp cùng Chương trình Consortium for Unfavorable Rice Environments (CURE) tổ chức ngày 30/1 tại Cần Thơ.

Theo Giáo sư Bradford Mills (Đại học Viginia, Hoa Kỳ), trong phương thức canh tác nông nghiệp truyền thống của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, việc ngăn mặn, ngăn lũ, coi mặn và lũ là rào cản đã không còn đúng với định hướng phát triển nông nghiệp hiện đại.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc thuận theo tự nhiên, quy hoạch các giống cây/con phù hợp với thổ nhưỡng sẽ giúp biến các thách thức trở thành cơ hội, giảm chi phí cải tạo đất, nước… một cách không cần thiết.

Cùng quan điểm trên, Tiến sĩ Jeffrey Alwang, Chuyên gia CURE nhận định, ngày nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần quy hoạch canh tác nông nghiệp theo phân vùng sinh thái nông nghiệp.

Vùng thượng nguồn với vấn đề sinh kế mùa lũ, sẽ được chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo các mô hình: xả lũ 3 năm 8 vụ, lúa – thủy sản, lúa – sen, thủy sản – cá lóc, trồng lục bình…

Vùng cửa sông, ven biển thay vì ngăn mặn sẽ chuyển đổi sản xuất theo hướng coi nước mặn như một nguồn tài nguyên, với các mô hình: lúa – màu, lúa – tôm, trồng cỏ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nước mặn…

Vùng Bán đảo Cà Mau với lợi thế về rừng ngập mặn, sẽ được quy hoạch theo mô hình nông – lâm kết hợp: tràm – thủy sản, tràm – lúa – thủy sản…

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lang, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Nông nghiệp công nghệ cao Đồng bằng sông Cửu Long nêu giải pháp cho ngành lúa gạo, để gia tăng chất lượng cho hạt gạo Việt Nam.

Điều này nhằm từng bước chuyển dịch thị trường xuất khẩu vào những nước khó tính, thay vì 1/3 xuất khẩu sang Trung Quốc như hiện nay.

Theo bà Lang, các nhà khoa học cần tham vấn cho chính phủ để có những chiến lược tổng thể trong truyền thông, tập huấn nâng cao trình độ cho nông dân thích ứng với “nông nghiệp công nghệ cao”.

Bên cạnh đó, vai trò nghiên cứu ra các giống lúa thích ứng với những thách thức của điều kiện tự nhiên, biến đổi khí hậu của các chuyên gia là không thể coi nhẹ.

Viện Nghiên cứu Nông nghiệp công nghệ cao Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang chuyển giao, đưa vào sản xuất các giống lúa chịu mặn, chịu ngập, chịu hạn thông qua các chương trình lai tạo giống bằng kỹ thuật hiện đại. Kết quả, các giống lúa OM6162, OM7347, OM7398… mang tính chịu hạn tốt.

Các giống OM9921, OM9915, OM5464, OM 6677… chịu được mặn và phèn, được đưa vào trồng nhiều ở các tỉnh có độ nhiễm mặn và ngập úng cao như: Trà Vinh, Hậu Giang, Long An, Cà Mau… cho kết quả rất khả quan. Nông dân khi canh tác bằng các giống lúa này sẽ không phải lo cải tạo đất, nguồn nước.

Hơn nữa, các giống lúa lai này còn có tính kháng sâu bệnh, đạo ôn, chất lượng gạo được đánh giá cao do hàm lượng tinh bột giảm, vitamin A và chất sắt tăng, mùi thơm hơn gạo thông thường…/.

Xem thêm:

>>>Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long

>>>Khai trương đại lý xe nâng chính hãng đầu tiên ở miền Tây

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục