Đồng bộ trong đầu tư, xây dựng các khu tái định cư để người dân được hưởng lợi

08:07' - 20/08/2022
BNEWS Cà Mau là địa phương đang chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng sạt lở ven biển ngày càng gia tăng.

Do đó, việc di dời người dân trong vùng ảnh hưởng đến nơi an toàn là rất cấp thiết. Tuy nhiên, việc đầu tư các khu tái định cư hiện nay vẫn còn nhiều bất cập cần được tháo gỡ.

 

Vàm kênh Tư xã Khánh Hải (Khu tái định cư Vàm kênh Tư xã Khánh Hải) là một trong 3 cụm dân cư thuộc Dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư rừng phòng hộ biển Tây, huyện Trần Văn Thời, được thực hiện theo Quyết định số 1340/QĐ-UBND ngày 06/8/2009 của UBND tỉnh Cà Mau.

Riêng hai cụm dân cư chưa thực hiện đầu tư hoặc chỉ đang thi công sang lấp mặt bằng thì Khu tái định cư Vàm kênh Tư đã được thực hiện xong nhiều hạng mục như: đèn chiếu sáng, khu cấp nước sinh hoạt, nhà y tế cộng đồng, nhà lồng chợ...

Dù vậy, hầu hết các hạng mục trong cụm dân cư này nhiều năm chưa một lần hoạt động thì nay đã hư hỏng, xuống cấp. Từ đó, không đáp ứng được nhu cầu đời sống, sinh hoạt của người dân trong khu tái định cư.

Là một trong những hộ đầu tiên di dời về sinh sống tại khu tái định cư Vàm kênh Tư, ông Trần Thành Dô, 57 tuổi cho biết, gia đình ông đã sinh sống ở ven biển Tây từ rất nhiều năm.

Tuy nhiên trong năm những gần đây tình hình sạt lở diễn ra nhanh, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của người dân nên địa phương đã vận động vào ở trong khu tái định cư. Năm 2016, gia đình ông Dô đã được hỗ trợ 20 triệu đồng để di dời về ở trong khu tái định cư, đồng thời được bố trí cho nền với diện tích 210m2 (7x30m) để cất nhà.

Từ khi vào đây, gia đình ông đã có cuộc sống an toàn hơn nhưng thực tế đời sống kinh tế gia đình còn gặp nhiều khó khăn. Một phần là vì cơ sở vật chất tại khu tái định cư chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến người dân chưa được hưởng lợi hoàn toàn từ dự án; trong đó có thể kể đến như việc nền lộ giao thông trong khu tái định cư quá thấp, thường xuyên bị ngập khiến cho việc đi lại khó khăn. Nhiều công trình công cộng xây xong thì bỏ hoang, sau đó hư hỏng…- ông Trần Thành Dô cho hay.

Theo người dân, do không có tư liệu sản xuất, chủ yếu bám trụ vào nghề khai thác biển nên khi di dời vào khu tái định cư cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn và trở ngại.

Trong số  đó có gia đình ông Nguyễn Đấu Tranh, 59 tuổi, cũng di dời về khu tái định cư từ rất sớm. Thế nhưng, hiện gia đình cũng đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế vì không có tư liệu sản xuất.

Ông Nguyễn Đấu Tranh mong muốn nhà nước quan tâm tạo điều kiện ổn định cuộc sống ngay trong khu tái định cư, đồng thời được vay vốn để làm ăn. Nhiều gia đình vào đây nhưng không có công ăn việc làm nên sau một thời gian đã buộc phải bỏ nhà đi làm ăn xa.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời, đến nay, tổng số nền trong khu dân cư đã hoàn thành mặt bằng phân lô cắm móc là 285 nền; trong đó đã cấp cho hộ dân là 207 nền. Thế nhưng hiện chỉ hơn 160 hộ đã xây dựng nhà ở trong khu tái định cư.

Khu tái định cư Vàm Kênh Tư có các hạng mục đã đầu tư hoàn thành nghiệm thu gồm: san lấp mặt bằng bằng đất đen (hoàn thành vào năm 2010); đường giao thông nội bộ (hoàn thành vào năm 2013); hệ thống thoát nước (hoàn thành vào năm 2013); hệ thống cấp nước sinh hoạt (hoàn thành vào năm 2014); nhà lồng chợ, tổ tự quản, tổ y tế (hoàn thành vào năm 2014); san lấp mặt bằng bù lún (hoàn thành vào năm 2018); hệ thống điện và chiếu sáng (hoàn thành vào năm 2013); cầu giao thông (hoàn thành vào năm 2019).

Tuy nhiên, không ít các hạng mục trong số đó nay đã xuống cấp nghiêm trọng hoặc hư hỏng hoàn toàn không thể sử dụng. Còn lại nhiều hạng mục như Trường mẫu giáo, sân thể dục thể thao – vui chơi giải trí, đường lộ dân sinh đấu nối bờ Nam với bờ Bắc, trồng cây xanh chưa thực hiện đầu tư.

Hiện dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư rừng phòng hộ biển Tây, huyện Trần Văn Thời; trong đó có Khu Tái định cư Vàm kênh tư xã Khánh Hải đang thi công chưa hoàn thành nên Ban quản lý Dự án công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chưa bàn giao cho địa phương (huyện, xã) để quản lý sử dụng.

Do dự án đầu tư thực hiện tiến độ quá chậm, kéo dài (từ năm 2009 đến nay) nên một số hạng mục đã đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng nêu trên không được đầu tư duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa hằng năm và đã hư hỏng, xuống cấp.

Trong khi đó, dự án đang trong giai đoạn triển khai thực hiện, chưa được thanh, quyết toán, nên Ban Quản lý Dự án công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh không thể tiếp tục đầu tư nâng cấp, sửa chữa các hạng mục đã hoàn thành. Vấn đề này đã được Ban Quản lý Dự án công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhìn nhận trong báo cáo số 102/BC-BQLNN.

Cụ thể, các hạng mục sau khi được nghiệm thu đưa vào quản lý sử dụng đã bàn giao cho địa phương quản lý. Tuy nhiên, do các hạng mục đầu tư không đồng bộ và trong thời gian đầu người dân vào khu dân cư rất ít nên nhiều hạng mục đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt chưa hoàn thành.

Cũng trong thời gian này, các hạng mục như: hệ thống cấp nước sinh hoạt, hệ thống điện chiếu sáng không sử dụng do chi phí vận hành không có nguồn chi trả (nguồn chi trả chủ yếu do hộ dân trong khu dân cư) nên đến khi người dân vào ở nhiều thì những hạng mục này đã hư hỏng, xuống cấp.

Báo cáo cũng nêu rõ, dự án được phê duyệt từ năm 2006, đến năm 2009 được phê duyệt điều chỉnh và bắt đầu triển khai thực hiện. Giai đoạn này do nguồn vốn được bố trí hạn chế nên chỉ đầu tư cụm dân cư Vàm Kênh Tư.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện do khó khăn về nguồn vốn bố trí cho dự án nên tiến độ thực hiện dự án rất chậm (trên 10 năm) dẫn đến các hạng mục hư hỏng, xuống cấp cần được nâng cấp, sửa chữa. Mặt khác, dự án đang trong quá trình triển khai thực hiện, chưa được thanh, quyết toán nên không thể tiếp tục đầu tư nâng cấp, sửa chữa các hạng mục đã hoàn thành.

Trước mắt, trong điều kiện nguồn ngân sách của tỉnh và ngân sách Trung ương hỗ trợ cho dự án còn hạn chế, Ban Quản lý Dự án công trình Nông nghiệp và Phát triển nông kiến nghị UBND huyện Trần Văn Thời trình xin các cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn khác để hỗ trợ kinh phú duy tu, sửa chữa các hạng mục xuống cấp, hư hỏng.

Những năm qua, để giúp người dân trong vùng sạt lở ven biển, ảnh hưởng thiên tai ổn định đời sống, tỉnh Cà Mau đã phê duyệt quy hoạch bố trí tái định cư giai đoạn 2006-2015 và tầm nhìn đến năm 2020, dự kiến hình thành 35 cụm, tuyến dân cư với hơn 13.800 hộ dân sinh sống. Tuy nhiên, đến thời điểm này, địa phương chỉ mới có 11 dự án được đầu tư, với hơn 1.600 hộ dân sinh sống./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục