Đồng Tháp tìm đường đi cho nông sản

15:34' - 07/02/2020
BNEWS Các đơn vị chức năng trong tỉnh Đồng Tháp đang tìm các giải pháp để giúp người nông dân tiêu thụ các mặt hàng nông sản.
Khách hàng chọn mua hàng rau xanh tại quầy hàng trong siêu thị. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Dịch viên đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona đang diễn biến phức tạp ở Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân, mà hệ lụy kéo theo là những tác động đến các hoạt động giao thương hàng hóa, nhất là nông sản.

Tại Đồng Tháp, các đơn vị chức năng trong tỉnh đang tìm các giải pháp để giúp người nông dân tiêu thụ các mặt hàng này.

Ngay trong những ngày đầu tháng 2/2020, Sở Công Thương Đồng Tháp đã chủ động liên hệ nhiều đơn vị thu mua, nhà bán lẻ thực hiện liên kết, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Một tín hiệu vui đã đến với nông dân trồng thanh long ruột đỏ, đại diện Siêu thị Big C đã đến khảo sát vùng trồng tại huyện Châu Thành, Lai Vung, Tam Nông và kết nối tạo đầu ra cho sản phẩm này.

Đại diện Siêu thị Big C, Giám đốc thu mua khu vực phía Nam Nguyễn Tô Kiều Trinh cho biết, siêu thị sẽ đồng hành hỗ trợ tiêu thụ thanh long ruột đỏ cho nông dân, giúp bà con vượt qua giai đoạn khó khăn.

Ông Trinh đánh giá, sản phẩm thanh long ruột đỏ của nông dân Đồng Tháp có chất lượng khá tốt, đồng đều. Dự kiến trung bình mỗi tuần siêu thị sẽ tiêu thụ khoảng từ 15 - 20 tấn thanh long.

Giám đốc thu mua khu vực phía Nam siêu thị Big C lưu ý, đây không chỉ là hành động hỗ trợ tiêu thụ mà là cơ hội giúp mặt hàng này vào hệ thống bán lẻ, đến tay người tiêu dùng trong nước. Trong thời gian tới, siêu thị sẽ phối hợp với Sở Công Thương Đồng Tháp nắm lại lịch thời vụ, sản lượng của từng mặt hàng nông sản của Đồng Tháp theo từng mùa vụ.

Đồng thời siêu thị sẽ định hướng trữ lượng hàng hóa tiêu thụ để có liên kết bền vững, lâu dài với địa phương. Song song đó, đơn vị sẽ hướng dẫn các Hội quán, hợp tác xã, nông dân cách thức lập hồ sơ cũng như các quy chuẩn cần thiết khi đưa hàng nông sản vào hệ thống siêu thị, giúp cho nông dân có đầu ra ổn định hơn.

Ngay trong ngày 6/2, nông dân hai huyện Tam Nông và Châu Thành đã cung cấp cho Big C khoảng 14 tấn thanh long với giá thu mua tại kho là 12.000 đồng/kg, quy cách 400 gram/trái.

Bà Võ Phương Thủy – Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết, trước mắt, ngành công thương sẽ trở thành khâu trung gian phối hợp với các siêu thị, nhà bán lẻ giúp nông dân tiêu thụ nông sản. Sau đó, Sở sẽ tổng hợp sản lượng các loại loại nông sản chủ lực của từng địa phương để điều phối hàng hóa, hạn chế tình trạng “nông sản bỏ chín ngoài vườn”.

Phó Giám đốc Sở Công Thương cũng nhấn mạnh, nếu cứ trong vòng luẩn quẩn nông dân làm nông nghiệp nhưng không biết bán ở đâu thì thật sự rất khó, bởi thị trường luôn có sự biến chuyển liên tục. Do vậy, Sở Công Thương khuyến nghị nông dân chú ý vào phương thức sản xuất, liên kết nhà phân phối để định hướng sản xuất, tránh rơi vào tình trạng “giải cứu” không mong muốn.

Hơn 30 tấn ớt của anh Nguyễn Phước Nhờ (chủ vựa ớt Phước Nhờ, thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình) phải quay về để phơi khô sau 10 ngày không được thông quan cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Những ngày qua, nhiều nông dân trồng ớt, thanh long của tỉnh rất lo lắng vì các loại nông sản đã đến ngày thu hoạch nhưng rớt giá, thương lái thu mua cầm chừng.

Ông Trần Văn Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã thanh long Hội Quán, xã Phú Hựu, huyện Châu Thành cho biết, so với thời điểm trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, giá thanh long đã giảm hơn 10 lần, chỉ còn khoảng 4.000đồng/kg (loại I); trong khi đó, chi phí sản xuất là 8.000 - 10.000 đồng/kg.

Các hộ trồng ớt của tỉnh cũng gặp khó về đầu ra khi giá chỉ còn 6.000 – 7.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Văn Thuận, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự chia sẻ, mọi năm, nông dân bán ớt tươi tại ruộng giá 12.000 -13.000 đồng/kg, nhưng hiện tại giá thấp, thương lái thu mua cầm chừng nên nhiều ruộng ớt đã chín đỏ.

Theo tính toán của anh Thuận, với mức giá như hiện tại, anh Thuận và nhiều hộ trồng ớt khác tại Hồng Ngự, Thanh Bình… không thuê nhân công thu hoạch mà chỉ sử dụng nguồn lao động trong nhà và chọn phương án phơi ớt khô để bán.

Anh Nguyễn Phước Nhờ - chủ vựa ớt Phước Nhờ, thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình cũng cho biết, 3 container chứa khoảng 50 tấn ớt của anh cũng phải quay đầu về từ tỉnh Lạng Sơn do đã chờ 10 ngày từ 27 Tết nhưng không xuất được hàng. Ước tính mỗi xe ớt, vựa của anh lỗ gần 300 triệu đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục