Đồng hành cùng doanh nghiệp sau dịch COVID-19- Bài 3: Hỗ trợ về vốn và chính sách thuế

17:36' - 13/05/2020
BNEWS Dịch COVID-19 không chỉ làm sụt giảm lợi nhuận mà còn đẩy doanh nghiệp đến bờ phá sản vì hết thiếu tiền, hết tiền và không đủ tiền để cầm cự trong khoảng thời gian nhất định.

Ngoài yếu tố nhân lực, quản trị, điều cốt lõi, không thể tách rời đảm bảo cho sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp là vấn đề tài chính.

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng toàn diện đến cộng đồng doanh nghiệp, không những sụt giảm lợi nhuận mà còn đẩy doanh nghiệp đến bờ phá sản vì hết thiếu tiền, hết tiền và không đủ tiền để cầm cự trong khoảng thời gian nhất định.

Trước diễn biến đó, sự vào cuộc của ngành thuế, ngân hàng có ý nghĩa vô cùng hệ trọng đối với “sinh mệnh” của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Khoanh nợ, giảm lãi suất

Trong giai đoạn hiện nay, nhiều doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi, cơ cấu lại nợ để có cơ hội tiếp cận thêm đa dạng nguồn vốn vay và có thể vay mới.

Theo ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su Nhựa Tp. Hồ Chí Minh, hiện nay "cứu doanh nghiệp như cứu hỏa" và muốn vậy chính sách hỗ trợ phải làm nhanh, nên hỗ trợ cho cả ngành thay vì hỗ trợ đối với từng doanh nghiệp. Để tiết giảm thời gian trong hậu kiểm thiệt hại, chỉ cần kiểm tra vấn đề nợ thuế, bảo hiểm xã hội và nợ ngân hàng của doanh nghiệp, sau đó giải ngân gói hỗ trợ.

Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan Tp. Hồ Chí Minh nêu thực trạng việc nhiều doanh nghiệp dệt may thành phố không có nguồn thu do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; trong đó, có không ít doanh nghiệp đã đóng cửa từ tháng 3/2020 nên không có tiền đề trả lương cho công nhân. Trong khi đây là điều kiện để xét duyệt hồ sơ vay vốn của ngân hàng.

Vì thế ngân hàng nên cân nhắc xem xét hạ tiêu chí cho vay, cùng với đó có chính sách giảm lãi suất các khoản vay của doanh nghiệp trước thời điểm xảy ra dịch COVID-19 và cung cấp các khoản vay ưu đãi từ 6 - 12 tháng thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Đồng quan điểm, ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, trong điều kiện khó khăn hiện nay về nguyên liệu, thị trường xuất khẩu ngưng trệ, không có đầu ra, nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng.

Trong khi đây là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Do vậy, hệ thống ngân hàng cần hạ chỉ tiêu cho vay đối với doanh nghiệp cũng như hỗ trợ về giảm lãi suất, giãn nợ...

Trong khi đó, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ tiếp tục cho kéo giãn, chuyển nợ thuế doanh nghiệp sang năm 2021 và các năm tiếp theo tùy thuộc vào sự phục hồi kinh tế và sức khỏe của doanh nghiệp, kiến nghị được giảm thuế doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng.

Đồng thời cho các doanh nghiệp được hỗ trợ mà không cần phải chứng minh thiệt hại, không phân biệt quy mô thông qua nhóm giải pháp giải cứu cấp bách và giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp với sự vào cuộc chủ động của hệ thống ngân hàng trong việc thẩm định, trả lời hồ sơ vay vốn cho doanh nghiệp, bảo trợ cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Dưới góc độ chuyên gia, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đề xuất, việc Tp. Hồ Chí Minh phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại để khoanh nợ vay cho doanh nghiệp, ưu tiên doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất và chuỗi lưu thông dễ đổ vỡ như du lịch, vận tải, ẩm thực, giải trí… và những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tiếp sức cho doanh nghiệp

Nói về các giải pháp hỗ trợ đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 mà hệ thống ngân hàng đã và đang thực hiện, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho biết, tính đến ngày 26/4 trên địa bàn thành phố đã cơ cấu lại nợ là 63.000 tỷ đồng, giảm lãi cho doanh nghiệp, kinh tế hộ khoảng 12.300 tỷ đồng với 168.000 khách hàng (trong đó chiếm 38% là doanh nghiệp). Từ khi có dịch COVID-19 đến nay hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố đã cho vay mới hơn 88.800 tỷ đồng.

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng yêu cầu các doanh nghiệp công bố công khai bộ tiêu chí rõ ràng, cụ thể về doanh thu, dòng tiền, khả năng trả nợ để ngân hàng đưa vào danh sách các đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ.

Doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành và các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có tài sản thế chấp khi đưa vào chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp phải báo cáo minh bạch, rõ ràng dòng tiền, có như vậy ngân hàng mới quản lý, đảm bảo thu hồi nợ và cho vay vốn.

“Ngành ngân hàng luôn đồng hành với doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp duy trì, khôi phục sản xuất kinh doanh và tạo đà phát triển sau dịch COVID-19. Ngân hàng cam kết không thiếu vốn cho doanh nghiệp và sẽ thực hiện hiệu quả hơn nữa chương trình kết nối doanh nghiệp – ngân hàng trong thời gian tới. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh sẽ kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm nếu các ngân hàng gây khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hoàng Minh khẳng định.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Minh Hoàn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) phụ trách khối quản trị tài chính và nguồn vốn cho biết, mục tiêu mà các ngân hàng thương mại là hỗ trợ cho doanh nghiệp, không có chuyện trì hoãn, gây khó dễ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên hoạt động của ngân hàng thương mại cũng phải đảm bảo các quy trình an toàn theo quy định của pháp luật.

Dẫn chứng cụ thể, ông Hoàng Minh Hoàn cho hay, đối với ngân hàng thương mại, việc xét duyệt hồ sơ vay của doanh nghiệp đều phải thông qua hệ thống thẩm định nội bộ và dựa trên nhiều yếu tố để quyết định hạn mức cho vay.

Ngân hàng SCB luôn cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn khó khăn tạm thời này, tuy nhiên nhằm đảm bảo hoạt động ngân hàng hiệu quả, SCB phải kiểm soát được rủi ro mới quyết định duyệt cho vay.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động đến tất cả hoạt động kinh tế, Chính phủ đã ban hành các gói cứu trợ, từ chính sách tài khóa đến tài chính đã góp phần củng cố niềm tin cho doanh nghiệp. Đầu tháng 4/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 41/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Tại Tp. Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị định nói trên của Chính phủ, theo thống kê từ Cục Thuế thành phố, đã có khoảng 255.000 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 97,35% trên tổng số doanh nghiệp trên địa bàn được thụ hưởng chính sách này.

Ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh cho biết, hiện cơ quan thuế đang thực hiện khoanh nợ cho các doanh nghiệp trong thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 6/2020 theo Nghị định 41/NĐ-CP của Chính phủ với số tiền được khoanh nợ khoảng 40.000 tỷ đồng.

“Từ nay đến 30/7/2020, doanh nghiệp gửi đơn xin gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất sẽ được cơ quan thuế tự động gia hạn. Cũng trong khoảng thời gian này, cơ quan thuế sẽ không gây bất kỳ áp lực nào cho doanh nghiệp trong việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất”, ông Lê Duy Minh cam kết.

Cũng theo đại diện Cục Thuế thành phố, ngoài đối tượng doanh nghiệp, trên địa bàn thành phố có 43.000 hộ kinh doanh, tiểu thương đang gặp nhiều khó khăn do COVID-19 cũng được gia hạn nộp thuế. Từ tháng 3 đến hết tháng 12/2020, các đối tượng này sẽ được khoanh nợ, không phát sinh các khoản chậm nộp để có thêm nguồn lực tài chính ổn định tình hình sản xuất kinh doanh./.

>>>Bài cuối: Phát triển trong trạng thái bình thường mới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục