Đồng hành cùng doanh nghiệp trước xu hướng phòng vệ thương mại gia tăng

15:45' - 05/02/2025
BNEWS Bộ Công Thương sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong vụ việc điều tra; nghiên cứu rà soát và hoàn thiện pháp luật phòng vệ thương mại đảm bảo yêu cầu phù hợp và thống nhất với cam kết quốc tế.

Dự báo thế giới tiếp tục có nhiều biến động nhanh và khó lường sẽ tạo dựng một bối cảnh mới cho phòng vệ thương mại toàn cầu. Điều này dẫn đến việc các quốc gia sẽ có xu hướng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng nhiều, mức độ phức tạp và quy mô của vụ việc tăng lên. Do đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong vụ việc điều tra phòng vệ thương mại; nghiên cứu rà soát và hoàn thiện pháp luật phòng vệ thương mại của Việt Nam đảm bảo yêu cầu thực tiễn, đồng bộ, phù hợp và thống nhất với cam kết quốc tế.

Nhận định về vấn đề này, ông Trịnh Anh Tuấn- Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, việc thúc đẩy một quốc gia công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường về bản chất không tước đi quyền của nhà sản xuất trong nước tại quốc gia nhập khẩu quyền yêu cầu cơ quan điều tra khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. 

Tuy nhiên, việc thúc đẩy một quốc gia công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam được đối xử một cách bình đẳng hơn trong vụ điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp khi biên độ phá giá/trợ cấp được tính toán dựa trên chính chi phí sản xuất của doanh nghiệp thay vì sử dụng chi phí sản xuất của một quốc gia khác làm giá trị thay thế. Điều này có thể khiến mức thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp thấp hơn và phản ánh sát hơn tình hình sản xuất, kinh doanh thực tế của doanh nghiệp Việt Nam. 

Vì vậy, theo ông Trịnh Anh Tuấn tới đây Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục tăng cường nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các phương án và cách thức hợp tác để thúc đẩy quốc gia xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang xây dựng kế hoạch nghiên cứu việc thúc đẩy một số nước công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường trong vụ việc phòng vệ thương mại giai đoạn 2024-2030; trong đó, tập trung vào các nước có nội luật quy định về vấn đề kinh tế thị trường hoặc biến thể của kinh tế thị trường, đồng thời cũng là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam.

Ông Nguyễn Minh Kế - Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã nhận thấy rõ tầm quan trọng của phòng vệ thương mại và hiệu quả tích cực khi doanh nghiệp trong ngành cùng nhau đoàn kết, tận dụng hiệu quả biện pháp phòng vệ thương mại để đối phó với hàng hóa bán phá giá của nước ngoài hoặc tiếp tục bảo vệ thành công thị trường xuất khẩu khi bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại. Đặc biệt, trong bối cảnh xu hướng bảo hộ và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng tăng trên thế giới, việc hiểu rõ và chuẩn bị kỹ lưỡng rất quan trọng đối với sự thành công của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Nhằm bảo vệ lợi ích, nâng cao khả năng của sản phẩm trên thị trường quốc tế, theo ông Nguyễn Minh Kế, doanh nghiệp phải quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, cải tiến quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng cao; đồng thời, tập trung vào chất lượng thay vì giá để tránh bị điều tra. Ngoài ra, cần lưu trữ hồ sơ chi tiết và có tổ chức, bao gồm tài liệu tài chính, sản xuất và bán hàng để dễ dàng cung cấp khi cần thiết. Mặt khác, thường xuyên cập nhật thông tin về biện pháp phòng vệ thương mại và xu hướng thị trường quốc tế; tổ chức khoá đào tạo về phòng vệ thương mại cho nhân viên để nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó.

Theo ông Nguyễn Minh Kế, thu thập chứng cứ là bước quan trọng trong quá trình ứng phó với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại. Hơn nữa, doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác với cơ quan điều tra, đây là yếu tố quan trọng để đảm bao quá trình điều tra diễn ra suôn sẻ và công bằng. Đồng thời, để hướng tới kết quả tích cực, có lợi, trong quá trình ứng phó với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, doanh nghiệp nên nhận tư vấn từ luật sư chuyên ngành, hỗ trợ trong việc chuẩn bị và nộp hồ sơ pháp lý…

Đặc biệt, doanh nghiệp phải cập nhật thông tin về các bước đang diễn ra và thời hạn hoàn thành từng giai đoạn của quá trình điều tra. Sẵn sàng cung cấp thêm tài liệu, số liệu hoặc giải thích khi cơ quan điều tra yêu cầu; chuẩn bị các câu trả lời và thảo luận tại phiên họp, điều trần chủ động, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần nắm bắt các phản ứng và nhận định của cơ quan điều tra để kịp thời điều chỉnh chiến lược bảo vệ.

 

Thống kê từ Bộ Công Thương, năm 2024, số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu Việt Nam gia tăng đáng kể với tổng cộng 28 vụ việc. Riêng Hoa Kỳ chiếm gần 50% tổng số vụ việc đã khởi xướng điều tra. Các cuộc điều tra phòng vệ thương mại không chỉ gia tăng về số lượng mà còn trở nên phức tạp hơn khi nhiều quốc gia điều tra nội dung mới chưa từng có tiền lệ. Chẳng hạn như điều tra kép cùng một sản phẩm; phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng, từ mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao đến kim ngạch xuất khẩu thấp.

Thực tế, việc thị trường gia tăng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đặt ra nhiều thách thức cho sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam do các tác động từ biện pháp này. Cụ thể, doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với chi phí gia tăng khi phải dành nhiều nguồn lực để tham gia, xử lý các vụ điều tra phòng vệ thương mại và đáp ứng yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài. Giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu khi bị áp thuế, nhà nhập khẩu sẽ e ngại hơn khi mua hàng từ doanh nghiệp Việt Nam so với các nước không bị áp thuế.

Một số khó khăn khác là việc chúng ta vẫn phải đối mặt khi vẫn bị một số quốc gia coi là nền kinh tế phi thị trường, khiến cơ quan điều tra nước ngoài thường sử dụng các giá trị thay thế của nước ngoài để tính biên độ phá giá và trợ cấp cho doanh nghiệp Việt Nam. Điều này thường đẩy mức thuế chống bán phá giá và trợ cấp lên cao, gây bất lợi của doanh nghiệp so với các nước không bị coi là nền kinh tế phi thị trường.

Theo Bộ Công Thương, thực hiện chủ trương phòng từ sớm, từ xa, Bộ đã thiết lập và vận hành hệ thống cảnh báo sớm nhằm theo dõi, thu thập và phân tích dữ liệu về các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có rủi ro bị nước ngoài tiến hành điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Đáng lưu ý, Bộ cũng sử dụng nguồn thông tin gửi về từ hệ thống hơn 60 thương vụ tại các thị trường xuất khẩu chính liên quan đến những nguy cơ, khả năng xảy ra điều tra phòng vệ thương mại, những xung đột giữa hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam với hàng hóa tại thị trường sở tại.

Đến thời điểm này, Bộ Công Thương đang theo dõi biến động của hơn 300 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường có tần suất điều tra phòng vệ thương mại lớn. Ngoài ra, Cục còn đẩy mạnh phổ biến các quy định về xuất xứ, quy định về phòng vệ thương mại đến doanh nghiệp nhằm ngăn chặn từ đầu những hành vi khai báo thông tin không chính xác và việc tiếp tay cho hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Hơn nữa, với vai trò là cơ quan đầu mối quản lý và phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt biện pháp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp. Qua đó, xử lý và chấm dứt gần 50% số vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng và nhiều vụ việc trong năm 2024 đạt hiệu quả cao.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục