Động lực tăng trưởng cho kinh tế châu Âu

06:30' - 20/05/2024
BNEWS Sự cải thiện nhẹ về tình hình kinh tế tại EU chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ, nhờ thị trường lao động dồi dào, mức lương tăng và lạm phát giảm.

Theo dự báo mới nhất của Ủy ban châu Âu (EC), nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) sẽ thoát khỏi trì trệ vào năm 2024 và tăng trưởng nhẹ. Nhóm chuyên gia dự đoán EU sẽ tăng trưởng 1% trong năm nay và 1,6% trong năm 2025, sau khi chỉ tăng 0,4% trong năm 2023. Đối với Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến tăng 0,8% vào năm 2024 và 1,4% vào năm 2025.

Tiêu dùng là động lực chính

Sự cải thiện nhẹ về tình hình kinh tế chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ. Nhờ thị trường lao động dồi dào, mức lương tăng và lạm phát giảm, người dân EU có thêm khả năng chi tiêu. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục trong thời gian tới. EC dự đoán lạm phát tại Eurozone sẽ giảm xuống 2,5% trong năm 2024 và 2,1% trong năm 2025, sau khi đạt 5,4% vào năm 2023. Tỷ lệ thất nghiệp cũng dự kiến sẽ duy trì ở mức thấp gần kỷ lục, đạt 6,6% vào năm 2024 và 6,5% vào năm 2025.

Mặc dù tiêu dùng có dấu hiệu tích cực, các chỉ số kinh tế khác vẫn ở mức yếu, đặc biệt là đầu tư. Lãi suất cao đang khiến cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng, e dè đầu tư. Kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 750 tỷ euro của EU sau đại dịch COVID-19 và chi tiêu công cũng không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm đầu tư tư nhân.

Pháp và Italy tụt hậu

Kinh tế Đức, vốn phụ thuộc vào khí đốt giá rẻ của Nga và chịu ảnh hưởng bởi sự suy giảm xuất khẩu do nhu cầu từ Trung Quốc giảm, là điểm yếu của khu vực. GDP của nền kinh tế lớn nhất châu Âu dự kiến sẽ tăng 0,1% vào năm 2024 và 1% vào năm 2025, sau khi giảm 0,3% vào năm 2023.

Pháp và Italy, lần lượt là nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba của EU, cũng đang tụt hậu so với các quốc gia thành viên khác. Tốc độ tăng trưởng của hai nền kinh tế này dự kiến sẽ dưới 1% trong năm nay và 1,5% vào năm 2025.

Mặc dù EC lạc quan về khả năng phục hồi kinh tế, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn chậm và mong manh. Ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế Paolo Gentiloni nhấn mạnh dự báo này "mang tính chất không chắc chắn cao" và "với hai cuộc xung đột đang diễn ra gần biên giới EU”, rủi ro suy giảm kinh tế ngày càng tăng.

Các biện pháp thắt chặt ngân sách

Ngoài căng thẳng địa chính trị liên quan đến xung đột Israel-Palestine và Nga-Ukraine, các nhà kinh tế của EC cũng xác định một số rủi ro khác, đó là lạm phát tại châu Âu giảm chậm hơn dự kiến, buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải trì hoãn việc hạ lãi suất.

 

Ngoài ra, trước tình trạng tài chính công ngày càng tồi tệ, nhiều quốc gia thành viên dự kiến sẽ quyết định tiết kiệm, điều mà cho đến nay chưa được EC tính đến đầy đủ hoặc một phần trong dự báo của họ. Các biện pháp thắt chặt ngân sách này cũng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng trong tương lai.

Năm 2023, tình trạng kinh tế ảm đạm không cho phép 27 quốc gia thành viên EU giảm thâm hụt ngân sách, vốn chiếm 3,6% GDP trong khu vực đồng euro. Tuy nhiên, ngay khi giá năng lượng giảm và các chính phủ bắt đầu giảm hỗ trợ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, tỷ lệ này dự kiến sẽ giảm xuống 3% vào năm 2024 và 2,8% vào năm 2025.

Tuy nhiên, 11 quốc gia, trong đó có Pháp, dự kiến sẽ vẫn có thâm hụt ngân sách cao hơn 3% trong năm nay. Vào ngày 19/6, Brussels dự kiến sẽ mở các thủ tục vi phạm thâm hụt đối với hầu hết các quốc gia này, buộc họ phải cắt giảm chi tiêu. Càng đặc biệt lo ngại hơn khi mức nợ so với GDP, với lãi suất tăng và tăng trưởng thấp, dự kiến sẽ duy trì ở mức khoảng 90% đến năm 2025, xa so với mức 60% được quy định trong các hiệp ước.

Điều chắc chắn là EU tiếp tục tụt hậu so với Mỹ và Trung Quốc, dự kiến GDP tăng lần lượt 2,4% và 4,8% vào năm 2024. Và điều này nhiều khả năng sẽ không được cải thiện, trong khi Mỹ và Trung Quốc theo đuổi các chính sách công nghiệp rất tích cực mà không bận tâm đến các tiêu chuẩn môi trường ràng buộc, đầu tư mạnh mẽ vào các công nghệ tiên tiến và được hưởng lợi từ năng lượng giá rẻ.

Trong báo cáo về thị trường nội địa được công bố vào ngày 17/4, cựu Thủ tướng Italy Enrico Letta nhắc lại rằng GDP bình quân đầu người đã tăng 60% ở Mỹ và chỉ 30% ở châu Âu kể từ năm 1993. Châu Âu cần thực hiện "thay đổi triệt để" để duy trì khả năng cạnh tranh với Trung Quốc và Mỹ, những nước từ chối "tuân thủ các quy tắc" của thương mại quốc tế, như lời cựu Chủ tịch ECB Mario Draghi phát biểu hôm 16/4.

Ông Draghi cũng nói thêm: “Khả năng phản ứng của chúng tôi bị hạn chế vì tổ chức, ra quyết định và tài trợ của chúng tôi được thiết kế cho thế giới trước đây, trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, xung đột ở Ukraine, xung đột ở Trung Đông và sự trở lại của các cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc”.

Liên minh suy yếu

"Châu Âu của chúng ta đang chết dần", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh tại Sorbonne vào ngày 25/4. Ngày nay, ở châu Âu, nhận định về một Liên minh đang suy yếu và có thể bị đẩy lùi vĩnh viễn xuống hạng hai đã được chia sẻ rộng rãi. Vào ngày 18/4, sau một cuộc họp tại Brussels, các nguyên thủ quốc gia và chính phủ châu Âu đã bảo vệ sự cần thiết phải có một "hiệp ước cạnh tranh" nhằm "thu hẹp khoảng cách về tăng trưởng, năng suất và đổi mới" giữa “Lục địa Già” và Bắc Mỹ hoặc châu Á.

Thông điệp là rõ ràng. Nền kinh tế hiện nay phải là ưu tiên hàng đầu của người châu Âu, bên cạnh an ninh. Chương trình Thỏa thuận Xanh châu Âu (European Green Deal - EGD), vốn là một trong những dấu ấn của EU trong những năm gần đây, giờ đây phải phục vụ cho tăng trưởng. "Ủy ban địa chính trị" do Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đề xuất phải trở thành "Ủy ban kinh tế", Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh vào ngày 17/4.

Câu hỏi then chốt là châu Âu sẽ làm gì để thu hẹp khoảng cách và thúc đẩy tăng trưởng? Hiện tại, 27 quốc gia thành viên, với điểm khởi đầu là Pháp và Đức, vẫn đang tồn tại nhiều bất đồng về cách để giải quyết thách thức to lớn này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục