Đồng Nai chuyển dịch kinh tế sang 3 nhóm ngành công nghiệp mũi nhọn

15:59' - 09/09/2024
BNEWS Sự chuyển dịch của kinh tế Đồng Nai từ các ngành công nghiệp hỗ trợ, hỗn hợp sang 3 nhóm ngành công nghiệp mũi nhọn gồm, công nghiệp hàng không, công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip và trí tuệ nhân tạo.

Tỉnh Đồng Nai có đủ điều kiện thuận lợi cần thiết về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, cơ cấu dân số, tốc độ đô thị hóa, tốc độ mở rộng, hội nhập, giao thương với các quốc gia trên thế giới để áp dụng sự thành công của mô hình phát triển kinh tế hàng không vào sân bay quốc tế Long Thành. Từ đó, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

* Lấy sân bay Long Thành làm trọng tâm

Ông Võ Tấn Đức – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: Địa phương có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, chính trị, văn hoá, đối ngoại, quốc phòng – an ninh đối với quốc gia. Đồng Nai là một trong 6 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước trong nhiều năm qua, có vai trò quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam.

“Tuy nhiên, sau thời gian dài tăng trưởng mức cao, Đồng Nai đã có dấu hiệu chững lại. Kinh tế - xã hội địa phương đã phát sinh những “điểm nghẽn”, “nút thắt” cản trở quá trình phát triển” - ông Võ Tấn Đức nhận định.

Những năm qua, Đồng Nai được quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối ngày càng đồng bộ, hiện đại, tạo thuận lợi giao thương kết nối với các tỉnh, thành của cả nước. Đặc biệt dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang giúp Đồng Nai trở thành trung tâm trung chuyển khu vực, kết nối địa phương với các nước trong khu vực và quốc tế.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai nhận định: Trong phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh xác định lấy sân bay Long Thành làm trọng tâm, động lực phát triển kinh tế, đột phá phát triển, góp phần chuyển đổi mô hình kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu; chuyển dần từ phụ thuộc vào ngành công nghiệp sang các ngành thương mại, dịch vụ, nhất là phục vụ Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo ông Nguyên, sự chuyển dịch của kinh tế Đồng Nai từ các ngành công nghiệp hỗ trợ, hỗn hợp sang 3 nhóm ngành công nghiệp mũi nhọn gồm, công nghiệp hàng không, công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip và trí tuệ nhân tạo. Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2030 có nền kinh tế phát triển năng động và đi đầu trong phát triển kinh tế hàng không, công nghiệp công nghệ cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đến năm 2050, Đồng Nai sẽ là tỉnh đi đầu tư trong phát triển công nghệ cao, trung tâm giao thương quốc tế, du lịch, dịch vụ gắn với các đô thị đẳng cấp quốc tế, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn Chính phủ cho rằng, sân bay Long Thành sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề chiến lược ở tầm quốc gia, vùng Đông Nam Bộ và giúp Đồng Nai có bước chuyển mạnh mẽ. Đồng thời, giúp khơi thông được tắc nghẽn hàng không đang diễn ra nhiều năm nay. Sân bay Long Thành còn mang sứ mệnh giải quyết tắc nghẽn của quốc gia, kết nối vùng và kết nối Việt Nam với thế giới.

Thời gian tới, Đồng Nai cần tập trung 3 lĩnh vực trọng tâm; trong đó, phát triển hạ tầng giao thông kết nối, gắn với phát triển công nghiệp và đô thị. Khi thực hiện đồng bộ các yếu tố này, sẽ tạo cộng hưởng giúp vùng Đông Nam Bộ lan tỏa bứt phá, đưa Đồng Nai trở thành trung tâm trung chuyển có sức cạnh tranh tầm cỡ quốc tế.

* Quy hoạch đi trước đón đầu cơ hội

Nhận diện được những cơ hội phát triển từ Cảng hàng không quốc tế Long Thành, trong quy hoạch, Đồng Nai tập trung phát huy lợi thế là vùng phụ cận của sân bay quốc tế Long Thành nhằm tạo động lực phát triển cho địa phương cũng như của cả Vùng Đông Nam Bộ.

Các khu chức năng quy hoạch vùng sân bay Long Thành dự kiến sẽ được bố trí theo mô hình vệ tinh và xen cài được tập trung, lan tỏa trong hành lang kết nối với lõi trung tâm sân bay như: khu kho trung chuyển; khu logistics; khu đô thị thông minh, thành phố sân bay; khu chức năng dịch vụ - thương mại quy mô lớn (outlet store); khu thương mại tự do; khu du lịch; vui chơi giải trí, công viên; dịch vụ hỗ trợ hàng không; phát triển vùng đệm không gian xanh.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, Đồng Nai đang nỗ lực thúc đẩy hoàn chỉnh đầu tư hệ thống giao thông kết nối sân bay với các khu vực nội tỉnh và vùng kinh tế Đông Nam Bộ theo các hướng. Cụ thể như: kết nối giao thông đường bộ thông qua các tuyến cao tốc: Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc... Ngoài ra, các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh cũng đang gấp rút được triển khai thực hiện.

Hệ thống đường sắt kết nối đến sân bay Long Thành được quy hoạch 3 tuyến bao gồm: tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành; tuyến đường sắt Biên Hoà - Vũng Tàu. Cùng đó, hệ thống cảng biển trên địa bàn Đồng Nai đã và được quy hoạch gồm các cảng biển Gò Dầu, Phú Hữu, Phước Khánh, Phước An. Các cảng biển này đã và đang được đầu tư xây dựng để phục vụ cho tàu từ 30.000-60.000 DWT cập bến.

Đối với hạ tầng logistic, hạ tầng công nghiệp, Đồng Nai đang quy hoạch trung tâm logistic tại khu vực Tân Hiệp, Bàu Cạn nhằm phát huy lợi thế của Vùng. Khu vực trên có lợi thế rất lớn là sát bên sân bay Long Thành, gần hệ thống cảng biển tại khu vực Phước Thái, tiếp cận được với hệ thống đường sắt Biên Hoà - Vũng Tàu, gần các tuyến cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Quốc lộ 51.

Ngoài ra, Đồng Nai còn tận dụng lợi thế cảng hàng không quốc tế Long Thành và các tuyến cáp quang biển quốc tế, để hình thành khu công nghệ thông tin tập trung nhằm thu hút đầu tư trung tâm dữ liệu hiện đại, luân chuyển dòng chảy dữ liệu quốc tế.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh – Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết, để kết nối hạ tầng giao thông vùng đồng bộ với sân bay Long Thành, Đồng Nai cần khoảng 2 tỷ USD. Hiện nay Đồng Nai đang tích cực tìm nguồn vốn vay để thực hiện phát triển hạ tầng giao thông kết nối. Tỉnh sẽ sớm công bố 100 dự án về phát triển dịch vụ cho sân bay Long Thành nhằm thu hút các dự án đầu tư để đồng bộ hạ tầng dịch vụ, du lịch khi sân bay đi vào hoạt động (dự kiến tháng 9/2026).

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, để phát huy tối đa hiệu quả của Cảng hàng không quốc tế Long Thành, trong Đồ án Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định lấy Cảng hàng không quốc tế Long Thành làm trung tâm động lực mới cho phát triển đột phá, phấn đấu đưa Đồng Nai trở thành đầu mối lớn về giao thông và logistics; phát huy tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế hàng không; thu hút ngành công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo sớm trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại vào năm 2030.

Sau khi đi vào hoạt động, kỳ vọng Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 3-5%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục