Đồng Nai đặt mục tiêu xuất khẩu lâm sản đạt 2,5 tỷ USD

14:59' - 16/09/2024
BNEWS Tỉnh Đồng Nai hiện có 171.000 ha diện tích đất lâm nghiệp có rừng (chiếm khoảng 30% diện tích đất tự nhiên của tỉnh); tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 29% và tỷ lệ che phủ cây xanh 52%.
Phát huy tối đa giá trị của hệ sinh thái rừng cả về kinh tế, xã hội, môi trường, trên cơ sở phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững, đa mục đích, đa giá trị, sử dụng bền vững tài nguyên rừng; đến năm 2025, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt khoảng 2,5 tỷ USD và đạt 2,8 tỷ USD vào năm 2030. Đây là mục tiêu của kế hoạch triển khai Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn, vừa được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành.
 

Theo đề án, tỉnh Đồng Nai khuyến khích các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia đầu tư, khai thác và chia sẻ lợi ích từ các giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng trên cơ sở hài hòa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của chủ rừng, tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia đầu tư phát triển, khai thác giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh về giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng của địa phương trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng; đảm bảo khai thác giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng trên cơ sở không làm suy thoái tài nguyên rừng, suy giảm chức năng phòng hộ và đa dạng sinh học của khu rừng.

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đặt ra những mục tiêu cụ thể; trong đó, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm lâm nghiệp và dịch vụ, chế biến gỗ, du lịch sinh thái, dịch vụ môi trường rừng, lâm sản ngoài gỗ, dược liệu; tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân 1,5%/năm.

Phát triển nguồn nguyên liệu từ rừng trồng trong tỉnh, đáp ứng tối thiểu 28% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, tiến tới giảm dần nguyên liệu nhập khẩu, đảm bảo tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu.

Triển khai hiệu quả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng; phân đấu đến năm 2025 thu tiền dịch vụ môi trường rừng bình quân đạt 45 tỷ đồng/năm và đến năm 2030 đạt bình quân 50 tỷ đồng/năm.

Cùng với đó, từng bước giảm chi ngân sách cho ngành lâm nghiệp, tăng nguồn thu hợp pháp cho các chủ rừng, ổn định đời sống của trên 8.000 hộ nhận khoản đất lâm nghiệp.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh cũng sẽ triển khai xây dựng chuỗi liên kết trồng rừng giữa các công ty chế biến gỗ với các chủ rừng để đẩy nhanh việc hình thành chuỗi giá trị sản phẩm chủ động nguồn nguyên liệu và đảm bảo cung ứng, nâng diện tích gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC; truy xuất nguồn gốc nguyên liệu hợp pháp cho sản xuất, chế biến, chia sẻ lợi ích, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người trồng rừng, xây dựng thương hiệu ngành gỗ, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế và đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa.

Xây dựng khu lâm nghiệp công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp chuyên ngành chế biến gỗ tại huyện Xuân Lộc với quy mô khoảng 600 ha, dự kiến sẽ phát triển thành một trung tâm đồ gỗ lớn của cả nước theo định hướng phát triển ngành chế biến gỗ của tỉnh cũng như chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia.

Tỉnh Đồng Nai hiện có 171.000 ha diện tích đất lâm nghiệp có rừng (chiếm khoảng 30% diện tích đất tự nhiên của tỉnh); tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 29% và tỷ lệ che phủ cây xanh 52%.

Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có 904 doanh nghiệp và trên 500 cơ sở sản xuất hộ gia đình ngành chế biến gỗ, chiếm 30% của toàn vùng Đông Nam Bộ; kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ bình quân hàng năm chiếm 12 - 14% kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả nước, đứng thứ 2 sau tỉnh Bình Dương. Sản phẩm gỗ của các doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai xuất khẩu trên 80 quốc gia, với giá trị xuất khẩu trung bình những năm gần đây đạt khoảng 1,3 tỷ USD. Năm 2024, Đồng Nai phấn đấu xuất khẩu gỗ đạt 1,5 tỷ USD.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục