Đồng Nai kiến nghị chi 800 tỷ đồng hỗ trợ tiêu hủy lợn mắc dịch tả châu Phi

15:49' - 02/08/2019
BNEWS Sở Tài chính Đồng Nai đang hoàn tất thủ tục, kiến nghị Bộ Tài chính cấp cho địa phương khoảng 800 tỷ đồng phục vụ công tác phòng chống và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi.
Tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN
Theo ban chỉ đạo khẩn cấp phòng chống dịch tả lợn châu Phi tỉnh Đồng Nai, đến thời điểm nay, các địa phương trong tỉnh đã chi hơn 78 tỷ đồng phục vụ công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người chăn nuôi có lợn mắc dịch tả lợn châu Phi. Tới đây, tỉnh sẽ phải chi tiếp hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ người dân có lợn tiêu huỷ, ngân sách địa phương không đáp ứng đủ nhu cầu.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, khoảng 4 tháng qua, Đồng Nai đã tiêu hủy hơn 200.000 con lợn (tương đường khoảng 12% tổng đàn lợn toàn tỉnh). Trong đó, riêng huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) tiêu huỷ trên 59.000 con với tổng số tiền hỗ trợ là 95 tỷ đồng, đến nay, huyện đã chi trên 56 tỷ đồng hỗ trợ người chăn nuôi. Do kinh phí đã hết nên Vĩnh Cửu đang xem xét tạm ứng tiền để giải ngân tiếp cho người dân.

Hiện hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn Đồng Nai vẫn đang xét duyệt hồ sơ, dự kiến tới đây, tỉnh sẽ phải chi thêm hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ người chăn nuôi có lợn tiêu huỷ vì dịch.

Khi dịch tả lợn châu Phi mới xuất hiện, Đồng Nai dự kiến sẽ chi khoảng 360 tỷ đồng (từ ngân sách dự phòng của các huyện, thành phố và tỉnh) để phục vụ công tác phòng chống, hỗ trợ người chăn nuôi. Tuy nhiên, đến nay dịch lây lan nhanh tại tất cả các huyện, thành phố, số lợn phải tiêu huỷ vượt xa dự tính của địa phương. Sắp tới, khi các huyện, thành phố trong tỉnh hoàn thành hồ sơ của người dân, số tiền chi trả sẽ vượt quá con số 360 tỷ đồng, ngân sách địa phương không đáp ứng đủ.

Theo Sở Tài chính Đồng Nai, ngân sách dự phòng của tỉnh Đồng Nai cho công tác phòng chống, hỗ trợ người chăn nuôi ứng phó với dịch tả lợn châu Phi đang thiếu hụt rất lớn. Sở Tài chính Đồng Nai đang hoàn tất thủ tục, kiến nghị Bộ Tài chính cấp cho địa phương khoảng 800 tỷ đồng phục vụ công tác phòng chống và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi.

Đồng Nai được coi là “thủ phủ” chăn nuôi lợn của nước ta. Trước khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, toàn tỉnh có hơn 2,5 triệu con lợn, đến nay giảm xuống còn 1,9 triệu con. Dự báo, thời gian tới, dịch tả lợn châu Phi sẽ tiếp tục lây lan, gây thiệt hại lợn cho người chăn nuôi và Nhà nước.

Tính đến này 31/7, tỉnh Lai Châu đã có 81 xã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Mặc dù đã có 31 xã công bố hết dịch, tuy nhiên có 8 xã sau khi công bố, dịch đã tái phát trở lại và có chiều hướng lây lan diễn biến phức tạp.

Ông Hà Văn Um, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu cho biết: Hiện nhu cầu kinh phí chi cho công tác phòng chống, dập dịch của tỉnh khoảng 34 tỷ đồng; trong đó, chi cho hỗ trợ các hộ dân có lợn bị dịch bệnh là gần 13,5 tỷ đồng.

Do nguồn kinh phí của địa phương còn hạn chế, nên đến nay mới có 3 huyện là Tam Đường, Sìn Hồ, Nậm Nhùn thực hiện việc chi trả tiền hỗ trợ cho các hộ có lợn bị tiêu hủy với số tiền gần 4 tỷ đồng.

Lý giải về nguyên nhân dịch bệnh lây lan rộng và tái phát trở lại tại 8 xã, ông Hà Văn Um cho biết: virus dịch tả lợn châu Phi tồn tại ở rất nhiều chỗ, thậm chí cả ở trên người, trên quần áo chúng ta đang mặc, nhưng hiện nay chúng ta chỉ phun hóa chất ngăn chặn trên các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy..., không thể thể phun lên người.

Thứ hai, ý thức của người một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng dịch còn hạn chế, vẫn còn tình trạng vận chuyển thịt lợn tươi sống từ vùng này sang vùng khác...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu, hiện tỉnh Lai Châu vẫn duy trì 28 chốt kiểm soát động vật và phun hóa chất tiêu độc khử trùng; trong đó có 4 chốt của tỉnh tại các quốc lộ, 24 chốt cấp huyện tại các tuyến đường liên xã, liên huyện. Các chốt này có nhiệm vụ phun hóa chất tiêu độc khử trùng đối với các phương tiện và kiểm soát, kiểm dịch đối với việc vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn ra vào địa bàn.

Theo thống kê, đến thời điểm này cả nước có 62 tỉnh, thành phố bị dịch tả lợn châu Phi./.

>>> Khuyến cáo biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục