Đồng Nai: Nông dân "bắt tay" doanh nghiệp, liên kết sản xuất

08:55' - 23/08/2022
BNEWS Do thiếu đầu ra nên cách đây khoảng 10 năm, cây ca cao gần như bị xóa tên trong bức tranh nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai.

Là tỉnh có nền nông nghiệp rất phát triển, song những năm qua, hầu hết người trồng trọt, chăn nuôi ở Đồng Nai vẫn gặp nhiều khó khăn về giá và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Trong hoàn cảnh đó, tỉnh đã triển khai mô hình cánh đồng lớn, liên kết, qua đó giúp nền nông nghiệp Đồng Nai dần lớn mạnh, có tính ổn định cao, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững.

 

Do thiếu đầu ra nên cách đây khoảng 10 năm, cây ca cao gần như bị xóa tên trong bức tranh nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai. Sau đó, tỉnh triển khai đề án cánh đồng lớn hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ ca cao, từ đây, nông dân đã liên kết với doanh nghiệp, cây ca cao hồi sinh mạnh mẽ.

Ông Bùi Ngọc Thanh ở thị trấn Định Quán, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai có 1,6 ha ca cao, mỗi năm thu khoảng 20 tấn trái. Với giá bán từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Thanh thu lợi hàng trăm triệu đồng/năm.

Ông Bùi Ngọc Thanh chia sẻ: "Tôi hợp tác trồng ca cao với Công ty ca cao Trọng Đức đã được 8 năm. Quá trình liên kết, tôi được doanh nghiệp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý. Bao năm qua, ca cao tôi trồng được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, giá luôn cao hơn so với thị trường. Liên kết sản xuất giúp tôi yên tâm, gắn bó lâu dài với 1 loại cây".

Theo ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty ca cao Trọng Đức, hiện công ty đang liên kết với nông dân 6 tỉnh là Đồng Nai, Bình Thuận, Lâm Đồng, Gia Lai, Phú Yên và Bà Rịa – Vũng Tàu trồng được 1.000 ha ca cao; sản lượng mới đáp ứng được 30% nhu cầu của doanh nghiệp. Do thiếu sản lượng, nhu cầu xuất khẩu tăng, tới đây công ty tiếp tục hợp tác cùng nông dân mở rộng diện tích ca cao.

Liên kết sản xuất mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người dân. Hiện nay, giá ca cao thế giới chỉ khoảng 3.000 đồng/kg, nhưng để giữ vùng nguyên liệu, Công ty ca cao Trọng Đức bao tiêu cho người dân với giá 5.700 đồng/kg. Liên kết giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn cung, sản lượng, kiểm soát được chất lượng. Từ đó đề ra được những chiến lược, đường hướng phát triển lâu dài.

Ông Đặng Tường Khanh nhấn mạnh: “Để duy trì hợp tác, liên kết dài hạn thì các bên, đặc biệt là doanh nghiệp phải tạo được niềm tin, đem lại lợi ích cho người dân. Người trồng ca cao cũng cần chia sẻ với doanh nghiệp, không vì những lợi ích nhỏ trước mắt mà phá vỡ hợp tác”.

Những năm qua, Hợp tác xã Nông nghiệp Lâm San, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) xuất khẩu hồ tiêu sang các nước châu Âu. Để ký hợp đồng xuất khẩu dài hạn, hợp tác xã phải có nguồn cung hồ tiêu lớn, đạt chuẩn an toàn. Từ yêu cầu này, hợp tác xã đã liên kết với hàng trăm hộ, thành lập các tổ, nhóm hợp tác, nhờ đó đã hình thành một vùng trồng tiêu rất lớn ở huyện Cẩm Mỹ.

Ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Lâm San chia sẻ, hồ tiêu Việt Nam cũng như Đồng Nai có chất lượng tốt song điều quan trọng là phải tạo ra được các chuỗi liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân. Việc trồng tiêu đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu là không khó, người dân làm được, vấn đề là phải có thị trường tiêu thụ ổn định, giá tốt.

“Giá hồ tiêu thế giới lên xuống theo chu kỳ. Vài năm qua, giá tiêu duy trì ở mức thấp nhưng người dân vẫn hợp tác với Hợp tác xã Nông nghiệp Lâm San để trồng tiêu. Tương lai xuất khẩu hồ tiêu rất tươi sáng, việc liên kết giữa Hợp tác xã Lâm San với nông dân sẽ đảm bảo nguồn cung hồ tiêu dài hạn, người dân và doanh nghiệp đều hưởng lợi”, ông Nguyễn Ngọc Luân khẳng định.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 180 chuỗi liên kết với sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp, 60 hợp tác xã và hàng chục cơ sở với hơn 12.500 hộ sản xuất; trong đó, có nhiều mô hình liên kết đạt hiệu quả cao như: chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ hồ tiêu tại xã Lâm San đạt chuẩn xuất sang các nước châu Âu, mang lại giá trị tăng thêm trên dưới 10.000 đồng/kg so với sản xuất thông thường; chuỗi liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ ca cao diện tích trên 800 ha tại nhiều huyện, mang lại thu nhập cao cho nông dân; chuỗi liên kết sản xuất, giết mổ, xuất khẩu gà vào thị trường Nhật Bản với quy mô chăn nuôi hàng triệu con mỗi năm.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, liên kết là hướng đi tất yếu, bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Liên kết giúp tập hợp nông dân, hình thành các vùng sản xuất lớn, chất lượng cao, đồng thời nâng cao giá trị nông sản, gia tăng thu nhập một cách ổn định cho người dân.

Hiện tỉnh Đồng Nai đang đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi tăng cường liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Khi triển khai chuỗi liên kết, cánh đồng lớn, tỉnh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống hạ tầng, lưới điện. Với nông dân, tỉnh hỗ trợ chi phí mua giống và lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm./.

>>>Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu dùng bò thịt

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục