Liên kết xây dựng sản phẩm du lịch vùng Việt Bắc

17:12' - 21/08/2022
BNEWS Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang phối hợp với Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội khảo sát các tuyến du lịch các tỉnh Việt Bắc nhằm thu hút du khách, doanh nghiệp quan tâm du lịch vùng Việt Bắc.

Liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh trong nội vùng và với các tỉnh, thành phố trên cả nước được xem là đòi hỏi tất yếu. Đây cũng là chìa khóa chiến lược giúp khai thác các lợi thế để định vị hình ảnh du lịch vùng.

Với ý nghĩa đó từ ngày từ ngày 23 đến 28/8, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang phối hợp với Câu lạc bộ lữ hành UNESCO thành phố Hà Nội tổ chức chương trình khảo sát gắn với Hội thảo xây dựng sản phẩm du lịch liên kết vùng Việt Bắc và Công bố sản phẩm du lịch liên kết vùng Việt Bắc năm 2022.

Ông Nguyễn Hồng Hải – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết, Chương trình nhằm cụ thể hoá thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh năm 2022.

Sở phối hợp với Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Thành phố Hà Nội tổ chức cho ba đoàn khảo sát các tuyến du lịch các tỉnh Việt Bắc gồm: khảo sát “Hành trình kết nối di sản UNESCO Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Hà Giang - Cao Bằng - Lạng Sơn”. Lộ trình:Hà Nội – Bắc Sơn (Lạng Sơn) - Trùng Khánh, Bảo Lâm (Cao Bằng) - Mèo Vạc, Đồng Văn, Thành phố Hà Giang (Hà Giang).

Khảo sát tuyến “Huyền thoại sông Gâm và con đường di sản cách mạng Việt Bắc”, lộ trình: Hà Nội - Thái Nguyên - Ba Bể (Bắc Kạn) - Thượng Tân, Bắc Mê (Hà Giang) - Du Già, Đường Thượng, Thành phố Hà Giang (Hà Giang). Và tuyển du lịch “Từ chiến khu Cách mạng Tân Trào đến Mặt trận biên giới Vị Xuyên”, lộ trình: Hà Nội - Tân Trào, Na Hang, Lâm Bình (Tuyên Quang) - Bắc Quang, Vị Xuyên, Thành phố Hà Giang (Hà Giang).

Trong Chương trình có hội thảo thảo xây dựng sản phẩm du lịch liên kết vùng Việt Bắc và Công bố sản phẩm du lịch liên kết vùng Việt Bắc.

Ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội cho hay, tổ chức hội thảo để các thành viên tham gia đoàn khảo sát (Famtrip) sẽ chia sẻ về kết quả khảo sát như: công tác tổ chức, cơ sở hạ tầng, tiềm năng và thế mạnh của sản phẩm du lịch Việt Bắc. Đồng thời đống góp những đề xuất giải pháp và hiến kế phát triển các sản phẩm du lịch 6 tỉnh Việt Bắc.

Theo ông Trương Quốc Hùng, các đơn vị liên quan cần kết hợp sản phẩm chủ đạo với những sản phẩm du lịch vệ tinh để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.

Việc liên kết đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, hạ tầng, dịch vụ để thu hút du khách tham gia nhiều trải nghiệm, kéo dài thời gian lưu trú sẽ là giải pháp định vị hình ảnh du lịch vùng Việt Bắc thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, an toàn./.

>>>Du lịch Đà Nẵng phục hồi mạnh sau dịch COVID-19

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục