Đồng Nai siết chặt kiểm soát nguồn nước thải ở các khu công nghiệp

16:33' - 02/10/2016
BNEWS Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai sẽ đầu tư thêm các trạm quan trắc nước thải tự động ở 6 khu công nghiệp, nâng tổng số khu công nghiệp có nước thải sau xử lý được quan trắc tự động là 25.
Đồng Nai sẽ lắp đặt thêm các trạm quan trắc nước thải tự động để quản lý nước thải ở các khu công nghiệp. Ảnh minh họa: Phan Quân - TTXVN

Đồng Nai là tỉnh phát triển công nghiệp nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện cả tỉnh có 32 khu công nghiệp được quy hoạch, trong đó 30 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút hơn 40 quốc gia đầu tư với hơn 1.400 dự án, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh nói riêng và của cả nước nói chung. Mặc dù việc kiểm soát ô nhiễm luôn được Ban quản lý các khu công nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh thực hiện khá tốt, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải khu công nghiệp vẫn còn nhiều phức tạp.

Do đó việc lắp đặt, vận hành hệ thống quan trắc tự động, liên tục để giám sát (24/24 giờ) việc xả nước thải tại các khu công nghiệp, cảnh báo tình trạng gây ô nhiễm môi trường, từ đó có biện pháp khắc phục kịp thời là việc làm rất cần thiết. 

* Cơ quan quản lý trực tiếp kiểm soát 

Trong quá trình phát triển công nghiệp tại Đồng Nai đã làm gia tăng lượng chất thải, theo ước tính hiện nay, mỗi ngày 30 khu công nghiệp thải ra khoảng 94.600m3 nước thải, trong đó có 72% lượng nước thải được đấu nối xử lý vào hệ thống xử lý nước thải tập trung, 27% tự xử lý theo Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước. Một lượng nhỏ còn lại (1%) từ các kho bãi, văn phòng cho thuê được thu gom qua bể tự hoại và thoát ra tuyến thoát nước của khu vực. 

Theo quy định của Thông tư số 8/2009 và Thông tư số 48/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các khu công nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung và phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục đối với nước thải tại các khu công nghiệp. Từ năm 2010 đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã tiến hành lắp đặt, vận hành hệ thống quan trắc tự động, liên tục nước thải, hiện có 17/30 khu công nghiệp thực hiện lắp đặt thiết bị quan trắc tự động nước thải, với tổng số 22 trạm (riêng KCN Nhơn Trạch 3 lắp đặt 6 trạm quan trắc). Trong đó có 18/22 trạm quan trắc tự động đã kết nối, truyền dẫn dữ liệu kết quả quan trắc về Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát, theo dõi chất lượng nước thải sau xử lý tại các khu công nghiệp. Kinh phí đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc khoảng 1,1 tỷ/trạm; kinh phí vận hành khoảng 250 triệu đồng/trạm/năm (kinh phí này do chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp tự chủ). 

Tuy vậy trong thực tế, hệ thống quan trắc tự động do các chủ đầu tư khu công nghiệp lắp đặt không đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước, vì có ít thông số quan trắc và không bảo đảm quy trình và tần suất vệ sinh, bảo trì thiết bị định kỳ, nên kết quả quan trắc tự động từ các hệ thống này không thể hiện chính xác tình trạng ô nhiễm nước thải tại các khu công nghiệp. Do đó, để tăng cường việc kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đồng Nai, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành lắp đặt, vận hành 19 trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục để quan trắc nước thải sau xử lý của 19 khu công nghiệp có nước thải ổn định. Kinh phí đầu tư trạm quan trắc tự động khoảng 6 tỷ đồng/trạm; kinh phí vận hành khoảng 500 triệu đồng/trạm/năm (kinh phí được lấy từ nguồn sự nghiệp môi trường). Sở Tài nguyên và Môi trường cũng công khai thông tin về diễn biến chất lượng nước mặt của các trạm trên Trang thông tin điện tử của Sở và bảng Pano điện tử. 

Hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục lập dự án đầu tư trạm quan trắc tự động nước thải thêm 6 khu công nghiệp đủ lưu lượng nước thải vận hành ổn định, nâng tổng số khu công nghiệp có nước thải sau xử lý được quan trắc tự động là 25. Còn lại 5 khu công nghiệp có lượng nước thải tiếp nhận ít, đang lưu chứa tại hệ thống xử lý nước thải, chưa xả thải ra môi trường. Khi các trạm quan trắc tự động do Sở Tài nguyên và Môi trường được vận hành, việc giám sát chất lượng và lưu lượng xả thải của hầu hết các khu công nghiệp đi vào nề nếp hơn. 

Qua kết quả phân tích số liệu quan trắc truyền về Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, số lần cảnh báo nước thải của các khu công nghiệp vượt tiêu chuẩn môi trường từ các trạm quan trắc môi trường tự động do các chủ đầu tư khu công nghiệp quản lý thấp hơn nhiều lần so với các trạm quan trắc do Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý (chỉ bằng 9,5%). Trong đó, một số trạm quan trắc môi trường tự động do chủ đầu tư khu công nghiệp quản lý báo cáo số liệu quan trắc nước thải của khu công nghiệp hoàn toàn đạt tiêu chuẩn, nhưng theo số liệu từ các trạm quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý, thì các hệ thống này lại vượt chuẩn theo quy định. Theo kết quả kiểm tra, phân tích mẫu nước thải đối chứng, hệ thống quan trắc nước thải tự động do Sở quản lý có mức độ chính xác cao, phản ánh đúng tình trạng chất lượng nước thải tại các khu công nghiệp. 

* Cần có chế tài xử lý vi phạm 

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa có quy định cụ thể về việc hiệu chuẩn thiết bị quan trắc tự động, cũng như hướng dẫn sử dụng các số liệu quan trắc tự động để xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường, nên Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai chưa xử lý vi phạm hành chính. Nhưng nhờ vào việc quan trắc tự động liên tục này, Sở đã cảnh báo đến các khu công nghiệp khi có hiện tượng xả nước thải vượt chuẩn, tiến hành kiểm tra, lấy mẫu phân tích và đề xuất UBND tỉnh xử phạt đối với Khu công nghiệp Hố Nai, Nhơn Trạch 1, Agtex Long Bình vì liên tục xả nước thải vượt tiêu chuẩn.

Nhưng việc vận hành cùng lúc 2 hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục của Nhà nước và của chủ đầu tư tại khu công nghiệp vừa tốn kém cho doanh nghiệp, vừa lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước. Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đã xin ý kiến Bộ và nhận được sự đồng thuận của Tổng cục Môi trường tại văn bản số 1343 ngày 8/7/2015. 

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quy chế phối hợp quản lý, vận hành hệ thống quan trắc nước thải tự động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu chính là tạo mối liên kết, chia sẻ giữa doanh nghiệp và Nhà nước trong việc vận hành các trạm quan trắc nước thải tự động. Khi đó, các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp sẽ được chuyển giao (phối hợp quản lý, vận hành) các hệ thống quan trắc nước thải do UBND tỉnh đầu tư. Đồng thời, hệ thống quan trắc nước thải tự động của chủ đầu tư khu công nghiệp được phép ngừng hoạt động và chuyển mục đích sử dụng theo nhu cầu của doanh nghiệp. 

Theo đó, Sở đã tiến hành bàn giao hồ sơ, chuyển giao hệ thống quan trắc tự động và chia sẻ dữ liệu quan trắc, để cùng với doanh nghiệp vận hành các hệ thống quan trắc nước thải tự động từ quý 1/2016. Để nâng cao hiệu quả của các trạm quan trắc nước thải tự động đã đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành quy định về yêu cầu cơ bản và đặc tính kỹ thuật, đối với hệ thống quan trắc môi trường nước tự động, liên tục để đồng bộ các thiết bị quan trắc tự động. Trong đó các thông số quan trắc lắp đặt phù hợp với tính chất nước thải từng ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. 

Đồng thời hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vượt quy chuẩn môi trường đối với kết quả quan trắc nước thải tự động, trong đó quy định về chế tài xử lý hành chính đối với các kết quả quan trắc tự động liên tục vượt quy chuẩn cho phép nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý môi trường. Ban hành hướng dẫn về định mức kinh tế kỹ thuật, kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị quan trắc tự động nước thải liên tục để việc dự toán kinh phí thực hiện vận hành trạm quan trắc tự động nước thải phù hợp với thực tế triển khai, kịp thời thay thế thiết bị bảo đảm mục tiêu quan trắc nước thải liên tục và xuyên suốt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục