Đồng Nai tổ chức đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản

19:12' - 28/08/2018
BNEWS Chiều 28/8, UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp Nhật Bản nhằm trao đổi thông tin, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc....

Chiều 28/8, UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp Nhật Bản nhằm trao đổi thông tin, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có hơn 1.800 dự án với tổng vốn đầu tư 32,8 tỷ USD của các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI); trong đó, Nhật Bản là quốc gia đứng thứ 3 về số dự án với hơn 240 dự án và số vốn đầu tư 4,3 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 63.000 lao động và đóng góp phần không nhỏ vào ngân sách tỉnh.

Tại buổi đối thoại, nhiều khó khăn, vướng mắc các doanh nghiệp gặp phải như vấn đề cấp visa, thuế thu nhập cá nhân của người nước ngoài, thuế doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh… đã được đại diện cơ quan chức năng hỗ trợ tháo gỡ, khắc phục.

Một trong những thắc mắc được đại diện một công ty có vốn đầu tư Nhật Bản tại khu công nghiệp Long Đức, Long Thành (Đồng Nai) đưa ra liên quan đến việc các chuyên gia nước ngoài được thuê về làm việc cho doanh nghiệp sẽ được cấp thẻ tạm trú trong thời gian làm việc trên địa bàn, nhưng sau khi hoàn thành công việc, các chuyên gia này phải trả lại thẻ tạm trú, đồng thời phải xin visa để trở về nước.

Điều này gây rắc rối do phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính. Đơn vị này thắc mắc liệu những người nước ngoài có thể dùng thẻ tạm trú này để xuất cảnh và công ty sẽ là đơn vị bảo lãnh cho chuyên gia đó để giảm bớt những thủ tục phiền hà.

Trả lời về thắc mắc này, Phòng Quản lý Xuất Nhập cảnh, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, đối với những doanh nghiệp thuê người nước ngoài làm việc cho mình, sau khi doanh nghiệp không có nhu cầu thuê nữa phải tiến hành làm các thủ tục để đưa người đó về nước.

Doanh nghiệp có thể bảo lãnh cho người nước ngoài đó về nước sau đó trả thẻ tạm trú. Tuy nhiên về thủ tục hành chính, doanh nghiệp nên làm thủ tục trả thẻ trước khi người nước ngoài đó trở về nước để tránh trường hợp người đó tái sử dụng thẻ tạm trú để nhập cảnh trở lại bất hợp pháp.

Đại diện Công ty Nagae Việt Nam cho biết, hiện trên trang nộp thuế của Tổng cục Thuế, doanh nghiệp vẫn chưa tra cứu được tình hình công nợ thuế.

Vì có nhiều nguyên nhân dẫn đến kê khai/nộp thuế bị sai sót mà người nộp thuế lại không thể kiểm tra, đối chiếu để sớm điều chỉnh kịp thời gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Trả lời về vấn đề này, Cục Thuế Đồng Nai cho biết, hiện tại Cục Công nghệ thông tin vẫn chưa xây dựng được cổng thông tin điện tử hỗ trợ tra cứu đối chiếu số liệu giữa cơ quan thuế và người nộp thuế.

Tuy nhiên, tại Đồng Nai, để khắc phục thiếu sót trên, UBND tỉnh đã triển khai tổng đài 1022 để các doanh nghiệp, người nộp thuế có thể trao đổi với cơ quan thuế và được giải đáp ngay những vướng mắc mà không cần gửi văn bản.

Theo ông Kadowaki Keiichi, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, Đồng Nai là địa phương thu hút nhiều nhà đầu tư Nhật Bản.

Sau những hội nghị đối thoại giữa 2 bên, nhiều vấn đề đã được chính quyền Đồng Nai giải quyết, tháo gỡ, từ đó đem lại tiếng nói chung trong việc hợp tác phát triển giữa hai quốc gia và các doanh nghiệp.

Theo ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, trong thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại Đồng Nai đã không ngừng nỗ lực ổn định sản xuất, kinh doanh, đóng góp quan trong vào việc duy trì tốc độ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh ổn định ở mức cao so với bình quân cả nước và phát triển theo hướng bền vững.

Ông Trần Văn Vĩnh cho biết, tỉnh tổ chức đối thoại để nắm bắt kịp thời những vướng mắc của các doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Cùng ngày, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội nghị giao thương giữa doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Đồng Nai.

Đây là cơ hội để doanh nghiệp giữa hai quốc gia giới thiệu sản phẩm, kết nối hợp tác với nhau.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp của hai nước có thể hợp tác, trao đổi sản phẩm, sản phẩm đầu ra của bên này sẽ là đầu vào của bên kia, thay vì phải nhập nguyên liệu ở các nước khác về thì có thể sử đụng nguồn nguyên liệu tại chỗ giúp giảm chi phí, giá thành và tiết kiệm thời gian vận chuyển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục