Đông Nam Á không còn nhiều không gian chính sách khi COVID-19 lại bùng phát

06:30' - 30/07/2021
BNEWS Tiêm vaccine có thể phần nào giúp hạn chế sự lây lan và mức độ nghiêm trọng của biến thể Delta, tuy nhiên, đại đa số người dân ở Đông Nam Á vẫn chưa được tiêm phòng.

Năm ngoái, nhiều quốc gia Đông Nam Á đã ngăn chặn được sự bùng phát của đại dịch COVID-19, nhưng theo tạp chí Economist của Anh, các quốc gia Đông Nam Á đã không thể tránh được những ảnh hưởng của biến thể virus SARS-CoV-2 mới trong năm nay. 

Tiêm chủng rộng rãi phần nào đã giúp hạn chế sự lây lan và mức độ nghiêm trọng của biến thể Delta ở hầu hết các quốc gia giàu có trên thế giới, đại đa số người dân ở Đông Nam Á vẫn chưa được tiêm phòng. 

Các chỉ số cho thấy sự gia tăng của ca nhiễm COVID-19 đã tác động đến hoạt động kinh tế. Số liệu về di chuyển hàng ngày của Google cho thấy người dân Indonesia và Việt Nam đang dành nhiều thời gian ở nhà hơn so với thời điểm bùng phát COVID-19 vào mùa Hè năm ngoái. 

Dấu hiệu đáng tin cậy nhất về mức độ tác động kinh tế đến từ Malaysia, quốc gia bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát COVID-19 mới này sớm hơn một chút so với các nước láng giềng. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Malaysia trong tháng 6/2021 đã giảm xuống còn 39,9, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020 (dưới 50 có nghĩa là hoạt động sản xuất suy giảm).

Ngày 20/7, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng đối với khu vực Đông Nam Á. Hiện ADB dự báo khu vực này sẽ chỉ tăng trưởng 4% trong năm nay, thấp hơn mức dự báo trước đây là 4,4%. Tác động về kinh tế này có vẻ không tồi so với mức độ nghiêm trọng của thảm họa về sức khỏe cộng đồng. 

Nhưng điều đó có nghĩa là sản lượng kinh tế của khu vực này sẽ không thể trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm 2021. Hơn nữa, một số quốc gia sẽ phải gánh chịu nhiều thiệt hại hơn những quốc gia khác. Và họ cũng có ít công cụ hơn để chống đỡ với làn sóng dịch bệnh lần này.

Nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm tiêu dùng ở các thị trường phương Tây đã giúp Việt Nam phục hồi nhanh và trở thành một trong số ít nền kinh tế tăng trưởng trong năm 2020. Mặc dù ADB hạ dự báo tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021, nhưng nước này vẫn thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất khu vực với mức tăng trưởng 5,8%.

Ngược lại, Thái Lan bị thiệt hại tương đối lớn do đóng cửa biên giới, và chi tiêu của khách du lịch thường chiếm khoảng 20% GDP của Thái Lan. Kinh tế Thái Lan đã suy giảm hơn 6% trong năm ngoái và ADB dự kiến Thái Lan chỉ tăng trưởng 2% trong năm nay. 

Đối mặt với tình hình kinh tế tồi tệ này, Phuket đã mở cửa trở lại đối với du khách nước ngoài đã tiêm vaccine, một động thái mà Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, hồi tháng trước đã thẳng thừng mô tả là một "rủi ro có tính toán". 

Quyết định của Chính phủ Indonesia về việc nới lỏng các hạn chế phong tỏa từ ngày 26/7, trong khi số ca nhiễm vẫn ở gần mức cao đỉnh điểm, cũng cho thấy những lựa chọn khó khăn mà nhiều quốc gia có thu nhập trung bình phải đối mặt.

Tuy nhiên, chỉ riêng biện pháp mở cửa trở lại không thể khôi phục kinh tế. Các đợt bùng phát COVID-19 gần đây đã làm tiêu tan mọi hy vọng còn lại về sự phục hồi của dòng khách du lịch từ Trung Quốc. 

Trước đại dịch, du khách Trung Quốc chiếm từ 1/4 đến 1/3 khách du lịch nước ngoài của Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Sự miễn cưỡng của Bắc Kinh trong việc mở cửa biên giới, có thể kéo dài cho tới năm sau hoặc xa hơn, làm tăng thêm sức ép kinh tế đối với các quốc gia Đông Nam Á.

Trong khi đó, các ngân hàng trung ương trong khu vực có ít dư địa để kích thích nhu cầu nội địa và giảm thiểu tác động của các đợt bùng phát so với khi đại dịch mới bắt đầu. Năm ngoái, lãi suất đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử ở hầu hết các thị trường mới nổi. Các ngân hàng trung ương Indonesia và Philippines thậm chí còn tham gia cùng ngân hàng các nước giàu theo đuổi các kế hoạch mua trái phiếu. Lần này, có vẻ như sẽ không có hành động tương tự xảy ra. 

Các đồng tiền trong khu vực đã mất giá với xu hướng bán tháo tăng nhanh trong những tháng qua. Tháng 5/2021, Thái Lan ghi nhận mức thâm hụt tài khoản vãng lai lớn nhất trong 8 năm, khiến nước này không còn nhiều dư địa để hạ lãi suất, vì lo ngại dòng vốn nước ngoài bị suy yếu. Việc có nhiều ca nhiễm COVID-19 hơn và ít không gian chính sách hơn sẽ khiến cho quá trình phục hồi kinh tế trở lại bình thường của các nước trở nên khó khăn hơn nhiều so với cách đây vài tháng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục