Đồng NDT phục hồi, yen giảm giá sau các động thái mới của Trung Quốc

12:25' - 06/08/2019
BNEWS Trong phiên giao dịch ngày 6/8, đồng NDT đã phục hồi phần nào từ mức thấp kỷ lục sau khi Bắc Kinh đã hành động để ngăn đồng tiền này giảm sâu hơn nữa. 
Đồng NDT và đồng USD. Kyodo/TTXVN

Trước đó, đồng NDT đã sụt giảm mạnh, khiến Chính phủ Mỹ tuyên bố Trung Quốc đang thao túng đồng tiền của nước này.

Trung Quốc ngày 5/8 đã để đồng NDT lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu phá ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD, khiến các thị trường tài chính hỗn loạn và giới đầu tư chờ xem đồng tiền này có giảm sâu hơn nữa hay không.

Sau đó, sang ngày 6/8, Trung Quốc cho biết đang bán trái phiếu bằng đồng NDT tại Hong Kong, động thái được cho là sẽ hạn chế đà bán ra đối với đồng NDT. Bắc Kinh ngày 6/8 cũng đặt ra mức tỷ giá trung tâm 6,9683 NDT/USD, cao hơn thị trường dự đoán dù vẫn là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2008.

Phiên này, đồng NDT trên thị trường nước ngoài ban đầu đã rớt xuống mức thấp nhất chưa từng có 7,1265 NDT/USD, nhưng sau đó đã phục hồi lên mức 7,0495 NDT/USD vào lúc 10 giờ 40 phút ngày 6/8 theo giờ Việt Nam.

Trong khi đó, đồng yen Nhật Bản đã để mất đà tăng so với đồng USD. Ban đầu, đồng bạc xanh đã giảm so với đồng yen xuống mức 105,51 yen/USD, mức thấp nhất kể từ tháng Một, nhưng sau đó đã tăng 0,34% lên 106,32 yen/USD. Đồng tiền của Nhật Bản cũng giảm giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác sau những động thái mới nhất nói trên của Bắc Kinh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5/8 đã cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ sau khi đồng NDT trượt xuống mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua. Động thái này làm dấy lên quan ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng đồng nội tệ làm "vũ khí" trong cuộc chiến thương mại với  Mỹ.

Đồng NDT là một trong những nguyên nhân dẫn đến những chỉ trích của Mỹ nhằm vào Trung Quốc. Các quan chức Mỹ cho rằng đồng NDT suy yếu sẽ mang lại cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc một lợi thế cạnh tranh về giá không công bằng so với các nhà xuất khẩu nước ngoài, cũng như làm gia tăng thặng dư thương mại của Trung Quốc.

Hồi tháng Năm Bộ Tài chính Mỹ dù chưa đánh giá Trung Quốc là một nước thao túng tiền tệ, song nhấn mạnh rằng Bộ này sẽ giám sát Bắc Kinh chặt chẽ. PBoC công bố tỷ giá trung tâm vào các buổi sáng và cho phép biên độ dao động trong khoảng +/- 2%. Chuyên gia kinh tế nghiên cứu về châu Á-Thái Bình Dương Robert Carnell của tập đoàn ING của Hà Lan nhận định rằng "dường như đồng NDT hiện nay được coi như một phần của kho vũ khí" mà Trung Quốc có thể sử dụng để đối phó với Mỹ. Theo ông, động thái này của Trung Quốc có thể là một phần trong "hàng loạt các bước đi có dự tính của Trung Quốc nhằm đáp trả các biện pháp áp thuế của Mỹ".

Về phần mình, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) ngày 5/8 tái khẳng định cơ quan này có khả năng duy trì tỷ giá đồng NDT ổn định một cách cơ bản, sau khi đồng nội tệ phá ngưỡng 7 NDT/USD ở cả thị trường trong và nước ngoài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục